Cụ thể, ngày 12/12/2018, Bộ Nội vụ Síp gửi đề xuất cho Hội đồng Bộ trưởng nước này về việc cấp quốc tịch Síp cho "bà Phan Dieu Phuong NGUYEN (SN 1969) tại Việt Nam, còn chồng là ông Pham Phu Quoc (SN 1968) cũng tại Việt Nam.
Cả hai vợ chồng xin quốc tịch theo diện “đầu tư vào bất động sản và phát triển các dự án cơ sở hạ tầng”.
Bản đề xuất xin cấp quốc tịch cho vợ chồng ông Pham Phu Quoc được Bộ Nội vụ Síp gửi Hội đồng Bộ trưởng nước này. (Ảnh: Al Jazeera)
Bộ Nội vụ Síp dẫn luật: “Chiếu theo đoạn (2) điều 111A của Luật Lưu trữ Dân cư Síp, Hội đồng Bộ trưởng có thể xem xét cấp quốc tịch cho doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài có nguyện vọng nhập tịch Síp tùy vào trường hợp cụ thể”.
Bộ trưởng Nội vụ Síp cũng nói: "Bà Phan Dieu Phuong NGUYEN và chồng là ông Phu Quoc PHAM đáp ứng các tiêu chí và điều kiện do Hội đồng (Bộ trưởng) đề ra để được cấp quyền quốc tịch Síp đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các thành viên gia đình của họ".
Theo nội dung bản đề xuất, Bộ Tài chính Síp cũng đồng tình với trường hợp xin quốc tịch của vợ chồng ông Phạm Phú Quốc, với điều kiện là “đương đơn phải nộp cho Bộ Nội vụ mỗi năm một giấy chứng nhận tiến độ xây dựng của các công trình xây dựng và đầu tư trong và sau khi hoàn thành”.
Ở phần 7, Bộ Nội vụ có giải thích rằng, “vì nội dung của đề xuất liên quan đến các vấn đề cá nhân nhạy cảm, được bảo vệ bởi Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân năm 2002-2012” nên thông tin “sẽ không được công khai dưới bất kỳ hình thức nào".
Hồ sơ ông Pham Phu Quoc nằm trong những tài liệu mà Al Jazeera thu thập được, tức "Hồ sơ Síp", bao gồm 1.471 đơn đăng ký, có tên của 2.544 người nhận được hộ chiếu Síp từ 2017 đến cuối năm 2019.
Những tài liệu mật cho thấy, hàng chục quan chức cấp cao các nước mua "hộ chiếu vàng" của Síp từ 2017 cho đến cuối 2019.
Để có “hộ chiếu vàng”, người nộp đơn xin quốc tịch phải đầu tư một khoản ít nhất 2,5 triệu USD vào Síp.
Thông tin ông Phạm Phú Quốc trên Al Jazeera.
"Đại biểu mang 2 quốc tịch như ông Phạm Phú Quốc có vi phạm hay không? Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải thích rõ quy định và quyết định trường hợp này", Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nói.
Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận cho biết, được gia đình bảo lãnh để có quốc tịch Cyprus từ năm 2018.
Trả lời PV ngày 26/8, Tiến sỹ Luật học Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đánh giá, Đại biểu Phạm Phú Quốc "phạm vào điều cấm trong nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền" khi có quốc tịch Cyprus.
"Công chức, viên chức và cán bộ cơ quan Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Không có pháp luật nào cho phép Đại biểu Quốc hội nhập quốc tịch khác", ông Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.