Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại thảo luận tổ sáng 24/10 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV rất xác đáng. Thực tế chứng minh, bức tranh toàn cảnh của kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 có những điểm sáng, thậm chí có những mảng rất sáng so với thế giới, trong đó kinh tế vĩ mô được đảm bảo, GDP đạt 5,33%, xuất khẩu tăng dần qua các tháng.
Dẫn lại báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trí cho biết, 9 tháng năm 2023, quy mô GDP của nước ta ước đạt khoảng 435 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Nhiều công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành, nhiều công trình giao thông trọng điểm mới được khởi công.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/10. (Ảnh: Quochoi.vn).
“Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, đại biểu Trí nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Trí, đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20, góp phần duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Đây là thành công làm nức lòng Nhân dân, qua các chuyến đi, chuyến làm việc, ký kết của các nguyên thủ đến các nước và các nước đến Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay”, đại biểu Trí nói.
Đồng tình với nhận định trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho thấy, sau cơn đại dịch COVID-19 hàng loạt yếu tố khác tác động vào Việt Nam, trong đó là suy thoái kinh tế toàn cầu, yếu tố địa chính trị như chiến tranh Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas khiến Việt Nam chịu tác động nặng nề.
Bối cảnh chung này khiến năm 2023 kinh tế - xã hội của nước ta chưa đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, so với bối cảnh chung trên toàn thế giới, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có vấn đề kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Thế giới liên tục tăng lãi suất điều hành thì chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất điều hành, giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đó là một thành công lớn của Việt Nam”, ông Cường nhận định.
Về mức tăng trưởng những tháng cuối năm 2023 GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5 - 4%, ông Cường cho rằng, GDP có thể tăng cao hơn 5% và Việt Nam vẫn là ngôi sao dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế trên thế giới năm 2023. Bởi, sau đại dịch, trên thế giới diễn ra một làn sóng nợ, trong đó có nợ công tăng rất cao, nhưng chúng ta kiểm soát rất tốt.
Ông Cường cũng đánh giá cao chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Mỹ, trong đó Thủ tướng đã trực tiếp đến các “hang ổ” của các doanh nghiệp Mỹ để khảo sát, đánh giá và kêu gọi đầu tư.
“Nếu không có những chuyến đi, chúng ta sẽ không chuẩn bị được các điều kiện cần, đủ để đón các đối tác mạnh, không có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt đủ mạnh để đón tiếp, song hành với các doanh nghiệp công nghệ lớn”, ông Cường nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đưa ra những cảnh báo về nợ doanh nghiệp hiện nay rất đáng báo động. Một số doanh nghiệp đã giải thể, nguy cơ giải thể. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước đối với các doanh nghiệp gần như đang bão hoà, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, trong khi Ngân hàng Nhà nước đang tồn dư lượng tiền rất lớn.
“Nếu chúng ta thực hiện chính sách có hiệu quả như hỗ trợ lãi suất cho vay sẽ giúp cho nền kinh tế hấp thụ một khoản tiền để sản xuất, kinh doanh rất lớn. Nếu có chính sách mới, chính sách tích cực hơn thì nền kinh tế sẽ có sự thay đổi lớn”, ông Cường nhận định.
Về dự báo năm 2024, ông Cường cho rằng, các dự báo cho thấy sự khó khăn, trong đó bất ổn về địa chính trị, kinh tế thế giới sẽ tác động mạnh đến nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024 thì cần phải dựa vào chính sách tài khoá ngược, trong đó tiếp tục thực hiện Nghị quyết về giảm 2% thuế VAT, thời hạn nên kéo dài đến hết năm 2024.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại tổ. (Ảnh: Quochoi.vn).
Cùng với đó là tiếp tục giảm thuế đất, thậm chí là miễn thuế đất để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và việc miễn thuế đất cơ bản không ảnh hưởng gì đến chính sách thuế.
Về đầu tư công, ông Cường cho rằng, thời gian qua chúng ta có nhiều kết quả cao nhưng tỷ lệ vẫn chưa như mong đợi. Do vậy, cần phải có sự thay đổi chứ không làm theo cách truyền thống như trước đây, trong đó có chính sách đặt hàng cho các tập đoàn lớn để tạo ra các ngành, các lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, việc đầu tư, thu hút đầu tư, Nhà nước cần cân đối phân vùng đầu tư để giới thiệu, quảng bá, quan tâm đến việc điều chỉnh đầu tư vào những vùng khó khăn.
“Bởi, nếu chỉ tập trung vào vùng dễ, vùng thuận lợi để tính chỉ tiêu vào phát triển kinh tế thì cũng không nên, mà đã đến lúc phải dịch chuyển đến vùng khó khăn để giải quyết bài toán an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân các vùng “lõm”, đại biểu Trí nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu thực trạng tín dụng khó khăn.
“Chúng ta phải làm rõ nguyên nhân vì sao ngân hàng thừa thanh khoản, còn doanh nghiệp lại khó tiếp cận? Nếu không tháo gỡ được điểm nghẽn này thì làm sao phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Dũng đặt vấn đề.
Cùng với đó, ông Dũng cũng nêu một thực trạng buồn của các dự án bất động sản hiện nay.
“Không biết cả nước có bao nhiêu dự án bất động, còn riêng Hà Nội có 712 dự án chậm tiến độ, đang nằm đấy hàng chục năm khiến người dân hết sức bức xúc, doanh nghiệp, xã hội lãng phí, đất đai thì bỏ hoang”, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói và đề nghị Quốc hội có sự chỉ đạo để tháo gỡ sau khi có sự giám sát, khảo sát thực tế.
“Không biết nguồn lực là bao nhiêu, nhưng hiện nay rất lớn. Đây là điểm rất quan trọng cần phải tháo gỡ. Nếu giải quyết được bài toán về bất động sản sẽ giải quyết được các yếu tố khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo việc làm, ổn định đời sống, thu nhập của người lao động, kích thích tăng trưởng kinh tế...”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.