Sáng 23/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó nêu lên nhiều vấn đề nóng.
Về kinh tế, ông Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao khi trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm.
Báo cáo giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% (tương đương 110.000 tỷ đồng), hoàn thành hơn 650km đường cao tốc. Bên cạnh đó, ngân sách tích lũy được hơn 500.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương.
Dù vậy, cử tri và Nhân dân lo lắng, kinh tế có tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm và thiếu tính ổn định; số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn lớn, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh; thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu sáng 23/10.
Về giáo dục, đào tạo, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn khi thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp; tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục, thiếu trường, lớp học khiến con em những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải học ở các trường ngoài công lập với chi phí cao.
Cử tri kiến nghị cần sớm xây dựng mức đóng học phí cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng học sinh bỏ học vì học phí quá cao. Đồng thời, cử tri mong Bộ GD&ĐT có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn để sớm khắc phục những bất cập trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa…
Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và Nhân dân quan tâm theo dõi và đồng tình với kết quả xét xử 54 bị can trong vụ án chuyến bay giải cứu.
"Cùng với xử lý kỷ luật bằng pháp luật, Đảng và Nhà nước đã kiên quyết kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, có cả lãnh đạo cấp cao, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai", ông Chiến nhấn mạnh.
Theo ông, cử tri và Nhân dân nhìn nhận công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng đã "truyền lửa" đến cấp tỉnh, thực sự trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Dù vậy, theo ông Chiến, cử tri băn khoăn, trăn trở khi tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ngày càng tinh vi hơn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính, ngân hàng, đất đai.
"Tham nhũng vặt", "nhũng nhiễu" doanh nghiệp và người dân vẫn xảy ra, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu Quốc hội lắng nghe báo cáo.
Về an ninh, trật tự xã hội, ông Chiến cho biết, cử tri "kịch liệt lên án tội phạm có tính chất khủng bố xảy ra ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk" và hoan nghênh cơ quan chức năng đã chỉ đạo quyết liệt, sớm ổn định tình hình.
Theo Bộ Công an, cơ quan điều tra đã làm rõ những người trực tiếp tham gia vụ khủng bố tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, trong đó 92 người bị khởi tố về các tội: Khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân, Không tố giác tội phạm, Che giấu tội phạm và Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc chia sẻ, người dân cũng đau xót, chia sẻ với mất mát của gia đình các nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội; lo ngại về việc bắt cóc, bạo hành trẻ em, tội phạm lừa đảo, cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, tổ chức cá độ trên không gian mạng...
Từ những vấn đề nóng được cử tri gửi ý kiến trên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị các bộ ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tổng thể các nguy cơ về thiên tai, sạt lở đất, cháy nổ, an toàn hồ đập, an toàn giao thông, chủ động đề phòng và xử lý khi sự cố.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần xử lý trường hợp thiếu trách nhiệm trong quản lý và thi hành công vụ, công khai danh tính, địa chỉ để nhân dân giám sát.
Ông Chiến kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi, phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống.
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ thảo luận kỹ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân khi Nhà nước thu hồi đất", ông Chiến nói.
Kỳ họp thứ 6 sẽ kéo dài 22 ngày, chia thành hai đợt, trong đó đợt một 15 ngày (23/10-10/11), đợt hai 7 ngày (20-28/11).