Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dâu tây 'đắt nhất thế giới' trồng ở Đà Lạt giá chỉ còn vài trăm nghìn đồng/kg

Trái ngược với giá nhập khẩu lên đến 2,5-3 triệu đồng/kg, dâu tây trắng hay dâu tây Bạch Tuyết trồng tại Đà Lạt chỉ có giá bán từ 65.000 đồng/hộp 250 gram.

Thời gian gần đây, bên cạnh dâu tây Sơn La, Đà Lạt được rao bán rầm rộ từ kênh chợ truyền thống đến chợ mạng thì dâu tây Hàn Quốc, Nhật Bản giá cao cũng được mùa đắt khách.

Đáng chú ý, dâu tây Bạch Tuyết của Nhật Bản - giống dâu từng có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới - trồng ở Đà Lạt đang được dân buôn rao bán với mức giá rẻ hơn nhiều so với giá nhập khẩu.

Theo khảo sát của Zing, một hộp dâu tây Bạch Tuyết 250 gram loại 15-30 quả có giá dao động 65.000-225.000 đồng, tương đương 260.000-900.000 đồng/kg, tùy size.

Đơn cử, một cửa hàng trái cây tại quận Tân Bình (TP.HCM) đang bán dâu tây Bạch Tuyết với giá 225.000 đồng/hộp loại 15 quả; 210.000 đồng/hộp loại 20 quả; 180.000 đồng/hộp loại 24 quả và 140.000 đồng/hộp loại 30 quả.

Chị Nguyễn Hường, chuyên kinh doanh các mặt hàng dâu tây Đà Lạt, cho biết loại dâu tây này phù hợp với điều kiện khí hậu ở Đà Lạt nên ngày càng được người dân trồng nhiều. "Riêng hôm nay, tôi bán được khoảng 5 kg dâu Bạch Tuyết", chị nói và cho biết đang bán với giá 100.000 đồng/hộp 250 gram loại 24 quả.

Tương tự, chị Hoa, chuyên giao sỉ mặt hàng dâu tây Đà Lạt, cho biết tại cửa hàng chị, dâu Bạch Tuyết có giá 140.000 đồng/hộp loại 15 quả, 120.000 đồng/hộp loại 20 quả, 90.000 đồng/hộp loại 24 quả và 70.000 đồng/hộp loại 30 quả. Mỗi hộp có trọng lượng 250 gram và mức giá này áp dụng cho khách mua từ 10 hộp trở lên.

"Hiện tại, Đà Lạt đang là mùa dâu Bạch Tuyết lên trái nên có mức giá rẻ. Hơn nữa, cách đây khoảng 2 năm, loại dâu tây Bạch Tuyết có ít người trồng thành công nên giá đắt, nhưng nay nhiều hộ đã trồng được dẫn tới giá rẻ hơn trước", chị lý giải.

Một hộp dâu Bạch Tuyết loại 20 quả có giá 140.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Hường.

Tuy nhiên, chị Hoa đánh giá dâu tây Bạch Tuyết ở Đà Lạt vẫn là loại dâu có mức giá nhỉnh hơn so với các loại dâu tây thông thường.

Theo nhiều người bán, loại dâu tây này đắt hơn vì chúng thuộc loại hiếm và ngon. Giống dâu tây “hạng sang” này ngon hơn hẳn so với các loại khác, khi dâu chín nhiều sẽ chuyển từ màu xanh sang trắng và các hạt có màu đỏ sậm. Dâu có vị ngọt thanh, thơm nhẹ còn khi chín vừa thì chua ngọt.

Thực tế, dâu tây Bạch Tuyết được xếp vào một trong những loại hoa quả có giá đắt đỏ nhất thế giới. Loại dâu tây này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, từng gần như tuyệt chủng trên thế giới, đến năm 2010 thì được nông dân Hà Lan, Bỉ "hồi sinh" thành công, nhân giống thành dâu tây thương mại và người Nhật Bản nhập về trồng.

Tại Nhật Bản, dâu tây Bạch Tuyết được gọi là giống Shiroi Houseki (White Jewel) vì vỏ dâu có màu trắng, hạt thường có màu đỏ. Dâu được trồng trong nhà kính để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tại đây, nhiệt độ, ánh sáng, nước và phân bón cần thiết cho sự phát triển của cây đều được kiểm soát bằng máy tính.

Ở Việt Nam, giống dâu tây Bạch Tuyết này được trồng thành công ở Đà Lạt khoảng 2-3 năm trước. Theo số liệu thống kê của Phòng kinh tế Đà Lạt, diện tích dâu tây Đà Lạt dao động 120-130 ha, được trồng ở độ cao từ 1.400 m đến 1.535 m so với mực nước biển, tổng sản lượng bình quân khoảng 1.500 tấn/năm.

Nguồn: Zing News

Tin mới