Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo lần 3 nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Bộ Công Thương quy định, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải sở hữu cảng chuyên dụng hoặc đi thuê sử dụng dịch vụ làm hàng xăng dầu tại cảng chuyên dụng. Các cảng này phải còn thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
"Cảng chuyên dụng đảm bảo tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 DWT, nằm trong hệ thống cảng biển Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền công bố tiếp nhận tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài", dự thảo quy định.
Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải có bến cảng, bể chứa và tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ. (Ảnh minh họa: Reuters)
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối cũng phải sở hữu kho tiếp nhận xăng dầu hoặc đi thuê còn thời hạn tối thiểu 5 năm. Kho tiếp nhận xăng dầu có các bồn, bể với tổng sức chứa tối thiểu 15.000 m3 để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu khác.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo có hệ thống phân phối xăng dầu.
Cụ thể, tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đi thuê, được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực, trong đó tối thiểu 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu mối phải có tối thiểu 40 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối, được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu còn hiệu lực.
Các doanh nghiệp đầu mối cũng phải kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, nhập, xuất, tồn kho và các dữ liệu khác theo quy định.
"Đối với thương nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, hoàn thành kết nối mạng với Bộ Công Thương trong thời gian 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Đối với thương nhân đề nghị cấp mới Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, phải hoàn thành kết nối mạng với Bộ Công Thương trước khi gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận", Bộ Công Thương lưu ý.
Ngoài ra, daonh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo đã kinh doanh, là nhà phân phối xăng dầu trong tối thiểu 36 tháng liên tục trước khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm doanh nghiệp đầu mối.
Trường hợp đến thời điểm thương nhân được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thời hạn thuê cảng chuyên dụng, thuê kho tiếp nhận xăng dầu còn dưới 5 năm, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận vẫn chấp nhận để cấp Giấy xác nhận cho thương nhân. Ngay sau khi được cấp Giấy xác nhận, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm điều chỉnh thời hạn thuê cảng chuyên dụng, thuê kho tiếp nhận xăng dầu đảm bảo đủ thời hạn quy định tại Giấy xác nhận và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận để kiểm tra, giám sát.
Các điều kiện về kho, bồn, bể tiếp nhận xăng dầu, hệ thống phân phối xăng dầu, kho tiếp nhận nhiên liệu hàng không, phương tiện và trang thiết bị tra nạp nhiên liệu hàng không đã được sử dụng để làm hồ sơ xin làm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thì không được cho thương nhân khác sử dụng để làm điều kiện xin làm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tại dự thảo này, Bộ Công Thương giữ đề xuất doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu sẽ tự quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.
Theo đó, giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống được doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối xăng dầu quyết định không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức quy định.
Trên cơ sở giá sản phẩm xăng dầu thế giới và báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp, Bộ Công Thương công bố chi phí tạo nguồn để thương nhân thực hiện.
Cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu).
Dựa trên những dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá bán tối đa. Song, giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2%.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.
Thời gian công bố giá bán xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được thực hiện ngay sau khi Bộ Công Thương công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium.
Theo Bộ Công Thương, việc thay đổi này xuất phát từ thực tế cơ chế điều hành giá hiện nay chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường, phải qua quá nhiều bước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương không đề xuất mức cụ thể với chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức doanh nghiệp được cộng vào giá bán lẻ (1.800-2.000 đồng một lít hoặc 4-20%) mà sẽ công bố định mức gốc ban đầu của chi phí lưu thông, rà soát 3 năm một lần. Dựa theo đó, doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh các chi phí này hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, lợi nhuận định mức vẫn là 300 đồng một lít, kg xăng dầu.
Các khoản chi phí khác như hao hụt, bốc dỡ, vận tải, bảo hiểm... được cơ quan quản lý đưa ra 3 tháng một lần. Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải gửi báo cáo đã kiểm toán độc lập về số liệu các khoản chi phí này của 3 tháng trước đó lên Bộ Công Thương.
Về hệ thống phân phối xăng dầu, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định doanh nghiệp phân phối chỉ được mua xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua xăng dầu của nhau. Việc này nhằm tránh mua chéo, tạo trung gian, thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.
Bộ Công Thương cho rằng, theo ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.