Những triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 vẫn là khó thở, ho và sốt. Tuy nhiên, các chuyên gia đang phát hiện ra các triệu chứng khác, ít phổ biến hơn, nhưng lại gây bất ngờ hơn: viêm kết mạc, hay còn gọi là mắt đỏ.
Theo chuyên gia Sonal Tuli thuộc Học viện Nhãn khoa Mỹ, ước tính khoảng 5% bệnh nhân COVID-19 phát triển triệu chứng mắt này.
Vì thế, nếu bạn bị đau mắt đỏ, đừng ngay lập tức cho rằng mình mắc COVID-19, nhưng cũng đừng loại bỏ khả năng này, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Viêm kết mạc là gì?
Tiến sĩ Tuli cho biết, viêm kết mạc (mắt đỏ) là một bệnh nhiễm trùng mắt. Nguyên nhân thường là do virus hoặc vi khuẩn và đôi khi là do một số tác nhân kích ứng.
Triệu chứng phổ biến là các phần màu trắng của mắt trở thành màu hồng hoặc đỏ. Bên cạnh đó, mắt có thể bị đau, có cảm giác ngứa hoặc cộm, chảy nhiều nước mắt và nhiều rử mắt. Vào buổi sáng, dỉ mắt có thể làm dính hai mí mắt lại.
Mối liên hệ giữa mắt đỏ và COVID-19
Do virus là nguyên nhân chính gây đau mắt đỏ, nên virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cũng có thể liên quan. Giống như mũi và miệng, mắt của bạn được bao phủ bằng một lớp màng nhầy (kết mạc). Đây cũng là con đường chính để virus SARS-CoV-2 và các virus khác xâm nhập vào cơ thể. Đó là lý do tại sao nhân viên y tế bắt buộc phải đeo khẩu trang và kính bảo hộ.
Không rõ liệu virus có thể lây truyền qua dịch mắt hay không, mặc dù SARS-CoV-2 có thể được tìm thấy trong nước mắt.
Làm sao biết mắt đỏ là triệu chứng của COVID-19?
Điều này rất khó, bởi các triệu chứng phần lớn giống nhau bất kể nguyên nhân nào gây ra hiện tượng đau mắt đỏ. Tiến sĩ Pandit, từng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 bị viêm kết mạc cho biết, viêm kết mạc liên quan đến COVID-19 cũng không liên quan đến một giai đoạn cụ thể của COVID-19 (sớm hoặc muộn) hoặc với mức độ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu bị viêm kết mạc cùng với các triệu chứng khác của COVID-19 như sốt, ho, khó thở và mất khứu giác hoặc vị giác, bạn có thể nghi ngờ mắc COVID-19.
Bên cạnh đó, cũng nên xem xét hoàn cảnh của bạn như có bị phơi nhiễm gì gần đây không? Đã được bảo vệ đầy đủ chưa? Đã tiêm phòng đầy đủ chưa? Có mức độ lan truyền cộng đồng cao trong khu vực của bạn không? Các câu trả lời có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh của bạn.
Nên đi xét nghiệm?
Chỉ bị viêm kết mạc thì không đủ lý do để đi xét nghiệm COVID-19. Nhưng nếu mắt đỏ đi kèm với các triệu chứng giống như COVID-19, thì xét nghiệm có thể là một ý kiến hay.
Tiến sĩ Pandit cho biết thêm, điều này đặc biệt đúng nếu các triệu chứng viêm kết mạc cấp tính hơn như chảy nước, nhiều vết thương, đau và khó chịu hay bề mặt mắt sưng, phồng.
Làm thế nào để điều trị mắt đỏ do COVID-19?
Tương tự như bất kỳ bệnh đau mắt đỏ do virus nào khác, thực sự không có loại thuốc điều trị cụ thể nào, mà bạn chỉ có thể thực hiện các biện pháp đơn giản để giảm bớt sự khó chịu cho đến khi bệnh tự biến mất.
Theo Tiến sĩ Pandit, Steroid nhẹ và chườm lạnh rất hữu ích. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn rõ rệt trong khoảng thời gian 72 giờ, hãy gọi cho bác sĩ.
COVID-19 liên quan đến các vấn đề về mắt?
Có, nhưng chỉ gián tiếp. Bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời gian ngồi trước màn hình tivi, điện thoại, thiết bị thông minh nhiều hơn trong thời kỳ COVID-19 cũng làm gia tăng nguy cơ mỏi mắt, nhức đầu, khô mắt và mờ mắt ở trẻ em.
Một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí JAMA Ophthalmology đã phát hiện ra sự gia tăng tình trạng cận thị ở học sinh Trung Quốc sau 6 tháng cách ly do đại dịch.
Nên đeo tấm che mặt hay kính bảo hộ?
Bạn nhất định phải đeo khẩu trang. Còn tấm che mặt hay kính bảo hộ thì hiện không rõ những dụng cụ này có giúp tăng thêm khả năng bảo vệ hay không trừ khi bạn là người chăm sóc hay nhân viên y tế.
Tuy nhiên, cách tốt nhất tuyệt đối để bảo vệ bản thân và những người khác chống lại COVID-19 vẫn là tiêm phòng. Ngay cả khi điều này không hoàn toàn ngăn ngừa nhiễm trùng, song bạn cũng sẽ ít có nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong hơn.
Rửa tay thường xuyên và không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Hãy nhớ rằng mắt đỏ, dù có liên quan đến COVID-19 hay không, cũng rất dễ lây lan.