Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đâu là giới hạn tiếp theo khi phương Tây dần dỡ bỏ các lằn ranh đỏ với Ukraine?

Từ xe tăng chiến đấu chủ lực cho đến tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí NATO, những lằn ranh đỏ của phương Tây đối với Ukraine đang dần bị xóa bỏ.

Từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu bùng phát vào tháng 2/2022, những hạn chế do các quốc gia NATO đặt ra do lo ngại xung đột leo thang ra bên ngoài Ukraine đã dần bị xóa bỏ.

Mọi quyết định quan trọng, từ việc cung cấp xe tăng Leopard do Đức sản xuất tới tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất, đều phải trải qua các cuộc đàm phán kéo dài.

Giờ đây, một trong những ranh giới đỏ tồn tại kể từ khi phương Tây bắt đầu viện trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga đã bị xóa bỏ: sử dụng vũ khí do NATO cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Ukraine khai hỏa pháo HIMARS ở Donetsk, ngày 18/5/2023. (Ảnh: Getty Images)

Cuộc tấn công do Nga tiến hành từ hôm 10/5 vào khu vực Kharkov khiến các nước phương Tây nhận thấy cần thiết phải cho phép Ukraine sử dụng tên lửa và pháo binh do NATO cung cấp để chống lại các mục tiêu ở bên kia biên giới.

Lực lượng Nga tập trung pháo binh, hệ thống tên lửa, các đơn vị hàng không và máy bay không người lái tại tỉnh Belgorod, giáp với vùng Kharkov của Ukraine.

Những lằn ranh đỏ lần lượt bị xóa bỏ

Từ đầu tháng 5, Ukraine đã thúc ép các đối tác cho phép sử dụng vũ khí viện trở để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Sau những lời từ chối ban đầu, cuối cùng Kiev cũng nhận được sự chấp thuận của một số nước trong đó có Pháp, Đức và tiếp theo là Mỹ.

Truyền thông Mỹ cho hay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bí mật cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở bên kia biên giới, nhưng chỉ giới hạn ở các khu vực gần Kharkov. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinlken đã xác nhận quyết định này hôm 31/5 sau cuộc họp của NATO ở Praha (Séc).

Chìa khóa cho sự thay đổi quan điểm của Mỹ là chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới Kiev 2 tuần trước đó, trong đó người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ trực tiếp nhìn thấy nhu cầu quân sự của Ukraine.

Hiện tại Mỹ vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng Kiev sẽ tìm cách vượt qua rào cản này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước nói rằng Nga đang tập trung hàng nghìn binh sĩ cách biên giới 90 km để gia tăng áp lực lên mặt trận Kharkov.

Petro Chernik, Đại tá quân đội Ukraine, hôm 28/5 nói rằng cách duy nhất để đánh vào nơi tập trung quân của Nga là tấn công bằng tên lửa ATACMS biến thể đạn chùm.

Ngoại trưởng Blinken, khi được hỏi về điều này ở Praha, đã nói rằng Mỹ sẽ “thích ứng và điều chỉnh” quan điểm của mình nếu cần thiết.

Ông John Herbst thuộc Trung tâm Á - Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, quyết định của Nhà Trắng là “mức độ tối thiểu để hỗ trợ Ukraine trong tình huống khó khăn ở phía Đông Bắc nước này. Nó loại bỏ trở ngại lớn trong nỗ lực của Ukraine nhằm bảo vệ dân thường ở Kharkov và ngăn chặn cuộc tấn công của Nga”.

“Đó là một bước đi nửa vời, nhưng có còn hơn không và nó cũng gửi thông điệp cần thiết tới Điện Kremlin về quyết tâm của Mỹ trong cuộc xung đột ở Ukraine”, ông Herbst bình luận.

Mọi quyết định đều “trễ một năm”

Mỗi lần phương Tây bật đèn xanh ủng hộ Ukraine đều vấp phải những lời đe dọa từ Moskva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/5 cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” nếu tên lửa NATO được sử dụng để chống lại Nga.

“Các nước thành viên NATO, đặc biệt là ở châu Âu, nên nhận thức được họ đang chơi trò gì”, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Ông Mikola Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, cho rằng mối đe dọa hạt nhân của Nga đã làm trì hoãn và hạn chế viện trợ quan trọng cho Ukraine.

Một ví dụ là việc Berlin đồng ý cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine vào tháng 1/2023. Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong nhiều tuần trước đó đã từ chối cung cấp xe tăng Leopard với lý do đó là hành động khiêu khích đối với Nga.

Ông Scholz cho đến nay vẫn loại trừ khả năng gửi tên lửa tầm xa Taurus của Đức cho Ukraine vì lo ngại xảy ra xung đột trực tiếp với Nga, mặc dù các quốc gia khác đã làm như vậy sau hơn một năm Kiev yêu cầu. Anh và Pháp đã cung cấp tên lửa Storm Shadow/SCALP cho Ukraine từ năm 2023 và Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS biến thể tầm xa vào mùa xuân năm nay.

“Mọi quyết định đều bị trễ khoảng một năm”, ông Zelensky nói với Reuters hôm 20/5.

Một trường hợp điển hình là máy bay chiến đấu F-16. Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất nên việc giao những chiếc máy bay này cho Ukraine cần có sự cho phép của Washington.

Trong gần một năm, việc chuyển giao F-16 đã bị từ chối với lý do quá trình đào tạo phi công gặp khó khăn, sự phức tạp trong việc cung cấp linh kiện và khả năng Ukraine sử dụng chúng để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga.

Phải đến tháng 8/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới chấp thuận để các nước phương Tây chuyển F-16 cho Ukraine. 6 chiếc máy bay đầu tiên do Đan Mạch tài trợ dự kiến ​​sẽ tham gia chiến đấu vào mùa hè này.

Những chiếc máy bay F-16 mà Kiev sẽ nhận từ Đan Mạch, Bỉ, Na Uy và Hà Lan rất quan trọng trong việc phòng thủ của Ukraine. Tuy nhiên, tháng 11/2023, cựu Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi thừa nhận rằng những chiếc máy bay này sẽ được chuyển giao muộn ít nhất một năm và như vậy là quá muộn để nó có thể đóng vai trò quyết định vì lực lượng Nga đã có thời gian thiết lập mạng lưới hệ thống phòng không mạnh mẽ trên chiến trường.

Đâu sẽ là giới hạn tiếp theo?

Ukraine cũng đang thử thách giới hạn của các đồng minh. Xe bộ binh bọc thép do Mỹ và Ba Lan cung cấp đã được các nhóm bán quân sự sử dụng trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga hồi tháng 5/2023.

Trong chiến dịch do cơ quan tình báo Ukraine điều phối này, súng trường tấn công của Bỉ và Séc cũng như tên lửa chống tăng của Thụy Điển đã được sử dụng. Điều này gây ra sự bất an ở các quốc gia nói trên, nhưng bất đồng còn gay gắt hơn trong việc sử dụng tên lửa phòng không Patriot của Mỹ do Đức viện trợ để bắn hạ máy bay Nga trên lãnh thổ đối phương.

Hồi tháng 2, các nguồn tin của Lầu Năm Góc tiết lộ với New York Times rằng một tên lửa Patriot khác đã phá hủy một máy bay vận tải quân sự ở tỉnh Belgorod của Nga.

Tờ Bild của Đức hôm 28/5 cho hay, Đức và Mỹ đã dọa sẽ ngừng cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Kiev.

Có những ranh giới đỏ của Mỹ đã biến mất do Kiev không tuân thủ. Cơ quan tình báo Ukraine liên tiếp tấn công các cơ sở dầu mỏ của Nga bằng UAV kể từ tháng 1. Các cuộc tấn công như vậy ngày càng gia tăng bất chấp chính phủ Mỹ cả công khai lẫn riêng tư yêu cầu Kiev dừng lại vì nó gây nguy hiểm cho sự ổn định của giá nhiên liệu toàn cầu.

Vào những tháng đầu năm 2022, Tổng thống Biden cũng phản đối tương tự khi Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga trên bán đảo Crimea, nhưng lập trường của ông đã thay đổi vào tháng 8 cùng năm sau khi một lần nữa phát hiện ra rằng lực lượng Ukraine đã làm như vậy mà không xin phép.

Hiện tại ngay cả tên lửa ATACMS cũng đang được sử dụng để nhắm vào mục tiêu ở Crimea, chẳng hạn như trong cuộc tấn công vào phà của Nga ở eo biển Kerch hôm 30/5.

Tổng thống Zelensky đã tính đến việc thách thức giới hạn tiếp theo của đồng minh, đó là yêu cầu máy bay và lực lượng phòng không của NATO từ Ba Lan và Romania đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Nhà nghiên cứu Bielieskov cho rằng, Ukraine muốn thấy các ranh giới đỏ khác được xóa bỏ, chẳng hạn như việc nhận được thông tin tình báo của Mỹ về vị trí của các mục tiêu quân sự trên đất Nga, điều mà Nhà Trắng vẫn từ chối cung cấp, hoặc việc NATO triển khai binh sỹ tới Ukraine.

Nhưng rào cản quan trọng nhất sẽ vẫn là Ukraine trở thành thành viên NATO.

“Chừng nào điều này là không thể thì sẽ luôn có những ranh giới đỏ”, ông Bielieskov nói.

Hoàng Phạm/VOV.VN (Theo El Pais)

Tin mới