Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, khi mắc căn bệnh này, đường thở của bệnh nhân bị chít hẹp do nhiều nguyên nhân khiến luồng không khí ra vào khó khăn, nhất là luồng khí thở ra.
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp phải các triệu chứng ho, khó thở, thở khò khè và tiết chất nhầy (đờm) ra ngoài.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tỷ lệ tử vong cao. (Ảnh minh họa)
Bệnh COPD đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu đến từ việc người bệnh tiếp xúc lâu với các hạt vật chất kích thích, chất khí trong đó chủ yếu là khói thuốc lá. Tác nhân thuốc lá không chỉ gây ra bệnh COPD, mà nó còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, ung thư vòm họng, xơ vữa động mạch, và một số bệnh lý nghiêm trọng khác.
COPD có 2 thể: khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Trong đó:
Khí phế thũng: là tình trạng các phế nang của người COPD bị căng giãn trong một thời gian dài gây giãn phế nang, lâu dần hình thành nên các kén khí khiến cho việc trao đổi khí trong phổi ngày càng suy giảm.
Viêm phế quản mạn tính: thường có biểu hiện ho khạc ra đờm trong ít nhất 3 tháng liên tục và kéo dài trong tối thiểu hai năm, đặc trưng của tình trạng này là đờm nhầy trong phế quản tiết ra rất nhiều so với lúc bình thường.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp ở độ tuổi từ trung niên đến người cao tuổi, đặc biệt là người có thói quen hút thuốc.
Triệu chứng của bệnh này tương tự như nhiều bệnh lý khác nên nhiều người không nhận ra bản thân đang mắc COPD. Thế nhưng, theo thời gian vấn đề hô hấp sẽ trở nên tồi tệ hơn, làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường. Do đó, cần phải điều trị sớm để hạn chế tình trạng xấu xảy ra.
Triệu chứng
Vậy, đâu là những dấu hiệu ban đầu để nhận biết liệu mình có đang bị COPD? Theo Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, khó thở là triệu chứng thường gặp và quan trọng nhất.
Ban đầu người bệnh khó thở thành cơn, khó thở khi gắng sức sau khó thở tăng dần, liên tục cả khi gắng sức lẫn khi nghỉ ngơi và giai đoạn cuối bệnh nhân có thể xuất hiện các cơn suy hô hấp bất chợt.
Ngoài ra, là tình trạng ho dai dẳng, ho khan, ho có đờm kéo dài; sốt nhẹ hoặc cảm thấy ớn lạnh khi có tình trạng bội nhiễm; tức ngực; người cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng.
"Những biểu hiện ban đầu thường khiến người bệnh chủ quan lầm tưởng mình đang bị viêm phế quản thông thường. Nếu như không được can thiệp kịp thời sẽ khiến tình trạng trở nên nặng hơn, xuất hiện triệu chứng khó thở liên tục. Từ đó, khi bệnh bước vào giai đoạn cuối sẽ dẫn đến những biến chứng vô cùng nghiêm trong như suy hô hấp, suy tim,...", bác sĩ Vũ Thanh Tuấn nói.
Ở giai đoạn COPD trở nặng, chức năng của phổi bị suy giảm nặng nề, khiến bệnh nhân phải nhập viện thường xuyên. Dấu hiệu, triệu chứng khi bị COPD nặng bao gồm tình trạng khó thở kéo dài và nặng dần, thở khò khè, thở rít; ngực bị đau tức, hay cảm thấy nặng ngực; thường xuyên đau đầu vào buổi sáng.
Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện tình trạng nói khó hoặc thều thào, ngắt quãng; tím môi; người bệnh thường ở trạng thái lơ mơ; nhịp tim bất thường; có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và cân nặng giảm.
Khi nhận biết bản thân đang gặp phải những triệu chứng này cần phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và những biến chứng không mong muốn xảy ra.
Theo bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, COPD là căn bệnh viêm phổi mạn tính với mức độ nguy hiểm cao, có thể tồi tệ hơn nếu như không được điều trị kịp thời.
Đặc biệt, với những người có độ tuổi từ 40 trở lên đã và đang hút thuốc trong thời gian dài với lượng thuốc lớn thì cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức nếu như gặp phải các triệu chứng của COPD.
Thông thường, bác sĩ chuyên khoa sẽ tìm hiểu tình trạng người bệnh thông qua một số triệu chứng đang gặp, có hút thuốc hay có tiền sử hút thuốc hay không. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân đo chức năng hô hấp, test hồi phục phế quản và chụp X quang ngực để phục vụ cho việc chẩn đoán bệnh.