Theo Sci-News, trong một bài báo khoa học mới, nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư Timothy Darvill từ Đại học Bournemouth đã phân tích Stonehenge và nhận thấy rằng nó là một chiếc "máy tính thời đại đồ đá" được căn chỉnh chuẩn xác theo 8 vị trí cực đoan của Mặt Trời và Mặt Trăng, với mục đích tính toán thời gian.
Stonehenge. (Ảnh: Sally Wilson)
Công trình cũng giúp hiện thực hóa lịch vạn niên, hoàn toàn trùng khớp với thời gian của một năm dương lịch ngày nay là 365,25 ngày.
Trong toàn bộ cấu trúc, một số khối sa thạch silic hóa được gọi là đá sarsen đã được thêm vào một cách cẩn thận và chúng chính là những dấu mốc để tính toán lịch vạn niên.
"Mỗi viên trong số 30 viên đá trong vòng tròn sarsen đại diện cho một ngày trong vòng 1 tháng, chia làm 3 tuần, mỗi tuần 10 ngày. Những viên đá khác biệt trong vòng tròn đánh dấu thời điểm bắt đầu mỗi tuần. Ngoài ra còn có một "tháng liên năm" gồm 5 ngày và 1 ngày nhuận sau mỗi 4 năm. Tháng liên năm được coi là những ngày của các vị thần" - giáo sư Darvill phân tích.
Bảng tóm tắt cách thức kết hợp số học của các nguyên tố sarsen tại Stonehenge để tạo ra lịch vạn niên. (Ảnh: Timothy Darvili)
Như vậy, Stonehenge đã được xây dựng như một quyển lịch chung giúp cư dân cổ đại trong vùng theo dõi được ngày, tuần, tháng và dự đoán các lần nhật thực.
Điều này cũng cho thấy dương lịch đã du nhập vào miền đất này theo chân một trong 2 nền văn hóa có lịch sớm hơn là Đông Địa Trung Hải (có dương lịch khoảng năm 3000 trước Công Nguyên) hoặc Ai Cập (có từ năm 2700 trước Công Nguyên). Stonehenge được xây dựng vào những năm 2500 trước Công Nguyên.
Trước đó, giới khoa học đã tìm thấy nhiều dấu tích sinh hoạt nghi lễ ở khu vực và đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, mà phổ biến nhất là nơi thực hành nghi lễ.
Nghiên cứu mới vừa công bố trên tạp chí Antiquity.