"Người chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 3/11 sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Sẽ có một sự chuyển đổi trật tự, giống như những gì đã diễn ra 4 năm một lần kể từ 1792", ông McConnell viết Twitter.
Tuyên bố này được ông McConnell đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Trump không cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình nếu thất cử.
“Chúng ta sẽ phải xem điều gì xảy ra. Bạn có biết đấy, tôi đã phàn nàn rất nhiều về các lá phiếu và những phiếu bầu đó là một thảm họa. Những lá phiếu đó nằm ngoài tầm kiểm soát. Bạn hiểu điều đó và đảng Dân chủ biết rõ hơn ai hết. Cần loại bỏ những lá phiếu đó và chúng sẽ có một cuộc sống rất thanh bình. Thành thật mà nói, sẽ không có sự chuyển giao, mà sẽ là một sự tiếp tục”, ông Trump nói.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện McConnell. (Ảnh: AP)
Giống như ông McConnell, nhiều nghị sỹ Cộng hòa lên tiếng ủng hộ quá trình chuyển đổi quyền lực một cách hòa bình sau bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ, nhưng không ai trực tiếp chỉ trích ông.
"Việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình được ghi trong Hiến pháp Mỹ và là nền tảng cho sự tồn vong nền cộng hòa. Các lãnh đạo Mỹ đã tuyên thệ trước Hiến pháp. Chúng tôi sẽ giữ vững lời thề đó", nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Liz Cheney viết trên Twitter.
Thượng nghị sỹ Marco Rubio, cựu ứng viên đảng Cộng hòa khẳng định cuộc tranh cử sắp tới giữa ông Trump và đối thủ Joe Biden là hợp pháp, công bằng và phù hợp với thông lệ hơn hai thế kỷ của Mỹ.
"Có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường để biết kết quả, nhưng nó sẽ là một kết quả hợp lệ", ông này viết Twitter.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham, một đồng minh của Tổng thống Trump cho biết ông mong đợi một sự chuyển đổi hòa bình.
“Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng nó sẽ hòa bình. Bây giờ chúng ta có thể có kiện tụng về việc ai đã thắng cuộc bầu cử, nhưng Tòa án Tối cao sẽ quyết định và nếu đảng Cộng hòa thua, chúng tôi sẽ chấp nhận kết quả đó", ông nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News.
Tổng thống Trump nhiều tháng qua không ít lần bày tỏ hoài nghi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử, cho rằng việc bỏ phiếu qua thư sẽ đầy rẫy gian lận.
"Các lá phiếu là một thảm họa", ông nói.
Một số lượng kỷ lục người Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu qua thư trong cuộc bầu cử năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.