Theo Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/7/2024, khách hàng của các ngân hàng khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt khớp đúng với dữ liệu được lưu trữ trong chip của căn cước công dân. Phương thức xác thực này nhằm bảo đảm an toàn giao dịch cho khách hàng, tránh bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News, Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm cao (A05) Bộ Công an, đánh giá, Quyết định 2345 là một trong những giải pháp rất quan trọng trong việc phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo.
"Tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang là vấn nạn của những quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam, bởi sự thay đổi nhanh chóng về phương thức, thủ đoạn phạm tội.
Giải pháp xác thực sinh trắc học là một trong những giải pháp nhằm kiềm chế tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Bên cạnh đó, phải có nhiều giải pháp khác đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cốt yếu là nâng cao ý thức cảnh giác của người dân", Đại tá Bách nêu vấn đề.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm cao.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách cho hay, qua những thống kê ban đầu từ phía ngân hàng, A05 nhận thấy quy định xác thực sinh trắc học đã có tác dụng hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng tài khoản cá nhân để chuyển tiền.
A05 sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại đánh giá hiệu quả việc áp dụng Quyết định 2345 trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trên cơ sở đó sẽ có những giải pháp tiếp theo.
"Qua thống kê chưa đầy đủ, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân liên quan đến các vụ việc, vụ án sử dụng không gian mạng chiếm đoạt tài sản đã có dấu hiệu giảm", Đại tá Bách cho hay.
Tuy vậy, Trưởng phòng 4, Cục A05 cho hay, nếu trước đó tội phạm lừa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân thì hiện nay, chúng tạo ra chiêu trò "dụ" người dân chuyển tiền vào tài khoản doanh nghiệp.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách phân tích, với Quyết định 2345, chuyển tiền cá nhân với số tiền 10 triệu đồng trở lên bắt buộc phải sử dụng sinh trắc học, đây là giải pháp ngăn chặn việc tội phạm sử dụng tài khoản cá nhân để bán, thuê mở tài khoản. Vì vậy, các đối tượng chuyển sang sử dụng tài khoản doanh nghiệp, bởi hiện nay chưa áp dụng sinh trắc học với tài khoản doanh nghiệp. Do đó, đây là kẽ hở để tội phạm tiếp tục lợi dụng.
Thủ đoạn sử dụng tài khoản doanh nghiệp không phải là mới, đại diện Cục A05 đã cảnh báo từ nhiều năm trước. Tội phạm lập doanh nghiệp "ảo", sử dụng tài khoản doanh nghiệp để tạo lòng tin, lôi kéo người dân đầu tư và nhận dòng tiền nạn nhân chuyển tiền đến. Trong khi đó, người dân thấy tài khoản của doanh nghiệp nên cho rằng "sàn" đó là hợp pháp, đầy đủ tính pháp lý, tin tưởng để đầu tư.
Sau khi người dân đầu tư, nộp tiền vào những tài khoản này, đối tượng liền đánh sập hoặc liên tục viện những lý do để buộc người dân phải nạp thêm tiền, từ đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Nói rõ thêm về thủ đoạn này, Đại tá Bách cho biết, đầu tiên các đối tượng lập lên sàn đầu tư giả mạo, chạy các chiến dịch quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, thậm chí nhiều vụ án, vụ việc giả mạo các KOL để thu hút người tham gia. Khi mới tham gia, các đối tượng có quyền quản trị hệ thống kỹ thuật cho phép người chơi thắng một số lệnh nhỏ và rút được tiền lãi để tạo lòng tin.
Kể từ khi xác thực sinh trắc học được áp dụng, xu hướng tội phạm dùng tài khoản thanh toán cá nhân ở các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có chiều hướng giảm. (Ảnh minh họa)
Nhưng khi người dân đầu tư có lợi nhuận lớn hơn (thực chất là do các đối tượng cầm đầu chỉnh sửa hệ thống kỹ thuật, mang lại lợi nhuận "ảo" cho người tham gia), các đối tượng sẽ viện ra nhiều lý do (nhà đầu tư không nạp tiền theo đúng quy định hay nhà đầu tư chậm hạch toán, chậm đóng thuế thu nhập cá nhân...) để cản trở hoạt động rút tiền. Khi đó, đối tượng yêu cầu nhà đầu tư phải nạp thêm tiền vào để hoàn thiện các yêu cầu thì mới được rút tiền lãi.
Điều này tạo ra tâm lý nạn nhân "đâm lao phải theo lao", người dân nghĩ do lỗi của mình và cố gắng đầu tư thêm tiền để rút khoản tiền đầu tư trước đó.
"Chính vì thế nhà đầu tư sẽ bị đối tượng dẫn dụ và thao túng về tâm lý. Đây là đặc điểm chung, trong bối cảnh lúc đó, nhà đầu tư không thể nghĩ được việc gì khác ngoài việc lấy lại tiền mình đã đầu tư. Đến khi họ hết tiền đầu tư, họ mới bắt đầu hỏi vay người thân, được người thân cảnh báo, lúc bấy giờ mới biết bị lừa", Đại tá Bách nói.
Mặc dù tội phạm mạng là vấn đề nhức nhối nhưng việc triệt phá thường gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện A05, nguyên nhân bởi các đối tượng luôn tung ra nhiều thủ đoạn mới. Đáng chú ý, tội phạm không chỉ hoạt động trong nước mà có sự liên kết với các đối tượng ở nước ngoài.
Cụ thể, trong các vụ án lừa đảo qua mạng, đối tượng cầm đầu và các đối tượng thực hiện lừa đảo đa phần đều ở nước ngoài. Vì vậy thời gian qua, Cục A05 tăng cường công tác hợp tác quốc tế để đấu tranh, triệt phá tội phạm này.
"Chúng tôi đang phối hợp tích cực với các cơ quan, ban, ngành để rà soát và ngăn chặn tình trạng này. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với nhiều giải pháp khác, chúng ta sẽ có những giải pháp hữu hiệu để giảm một cách tối đa tội phạm công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của người dân", Trưởng phòng 4, Cục A05 cho hay.