Lừa đảo qua mạng hiện nay không chỉ còn là vấn đề riêng của Việt Nam, mà còn của nhiều nước trên thế giới. Lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng, kẻ xấu dễ dàng đóng "nhiều vai" để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2023, số tiền người dân bị lừa đảo trên không gian mạng là 8.000 - 10.000 tỷ đồng. Thực tế con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không trình báo. Dù cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông đã liên tục cảnh báo, thế nhưng tỷ lệ người dân sập bẫy không những không giảm mà còn có dấu hiệu tăng mạnh.
Lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng, kẻ xấu dễ dàng đóng "nhiều vai" khác nhau để thực hiện hành vi lừa đảo. (Ảnh minh họa: pandasecurity)
“Rải” đơn cầu cứu khắp nơi, từ cơ quan công an cho tới văn phòng luật sư, hay các cơ quan báo chí, hiện bà N.T.T.H (63 tuổi, ngụ Đắk Lắk) và chồng vẫn chưa tìm được tia hy vọng nào để lấy lại số tiền 300 triệu đồng vừa bị lừa mất.
Nghiệt ngã hơn, số tiền trên là “phí” mà bảo hiểm nhân thọ chi trả cho cái chết đau đớn của K., người con duy nhất của vợ chồng bà H.
K. qua đời vì bị đuối nước cách đây hơn 5 tháng. Cái chết của con trai khiến hai vợ chồng già suy sụp. Số tiền bảo hiểm chi trả, ông bà đem gửi ngân hàng, chẳng thiết tiêu xài. Thế nhưng, sau gần nửa năm, nghĩ về tai nạn của con trai, hai vợ chồng nhen nhóm ý định mở một trung tâm dạy bơi.
Song, để có một trung tâm dạy bơi đạt chuẩn, có hồ bơi, có giáo viên… số tiền 300 triệu đồng không đủ.
Cuối tháng 6, từ một tin nhắn chào mời vào gói đầu tư sinh lời trên ứng dụng Telegram, bà H. bị cuốn vào vòng xoáy lừa đảo.
Thông báo lãi hơn 11 tỷ đồng sau khi bà H. đầu tư 300 triệu đồng.
Nhóm trò chuyện gồm 6 thành viên, chủ nhóm tự xưng tên Hiền, giám đốc dự án “Sàn đầu tư nâng cao thu nhập cùng Shark”. Để tăng độ uy tín với các thành viên, Hiền gửi hình căn cước công dân của bản thân và địa chỉ công ty ở quận Tân Bình (TP.HCM).
Ban đầu, bà H. không quan tâm tới nhóm này, nhưng vì không biết cách rời nhóm, bà vẫn nhận tin nhắn mỗi ngày. Đến khi có 2 thành viên trong nhóm rối rít cảm ơn Hiền vì vừa rút lãi 5 tỷ đồng, bà H. mới bắt đầu để ý.
“Tôi cần hướng dẫn kỹ cách đầu tư”, bà H. gửi tin nhắn đầu tiên vào nhóm. Biết “con mồi” sắp cắn câu, Hiền làm giá: “Giờ tôi phải đi gặp đối tác nước ngoài, ai rảnh thì hướng dẫn cô ấy giúp. Chúng ta nên chia sẻ cách làm giàu với nhau”.
Ngay tức khắc, các thành viên còn lại ồ ạt chia sẻ cách kiếm tiền dễ dàng cho bà H. Đầu tư ít - lãi ít, đầu tư nhiều - lãi đậm là cách mà Hiền và các thành viên trong nhóm “thôi miên” bà H.
Sau khi dò được bà H. đang có khoản tiền dự trữ 300 triệu đồng tại ngân hàng, Hiền bật chế độ “chăm sóc” đặc biệt với bà H.
Dù phân vân, nhưng mỗi ngày đều thấy các thành viên khác thu về tiền tỷ, trong khi suất đầu tư có hạn, bà H. quyết định thử sức.
Phần vì sợ chồng can ngăn, phần lại muốn tạo bất ngờ, bà H. một mình đến ngân hàng tạo lệnh chuyển khoản. 300 triệu đồng được bà H. chuyển vào số tài khoản của một người tên Hùng vào ngày 13/6, theo hướng dẫn của Hiền.
Sau khi “đầu tư”, bà H. được cả nhóm tung hô có đầu óc làm kinh tế. Hiền cũng liên tục cập nhập hình ảnh khoản đầu tư của bà H. tăng theo cấp số nhân từng ngày.
Ngày 22/6, cập nhật khoản lãi của bà H. đã lên tới hơn 11 tỷ đồng, Hiền yêu cầu bà H. chuyển thêm 100 triệu đồng để hoàn thành gói đầu tư. Theo lời của Hiền, phải hoàn thành gói đầu tư mới có thể rút được lãi.
Tuy nhiên, đối với một người dân quê, xoay xở 100 triệu đồng trong thời gian ngắn không hề dễ. Vì vậy, bà H. gọi điện cho Hiền, nhờ Hiền đóng nốt số tiền 100 triệu đồng còn lại, bà hứa sẽ chia lãi 2 tỷ đồng.
Khi nhận được câu trả lời “con đầu tư hết tiền rồi” từ Hiền, bà H. mới ngờ ngợ có gì đó bất ổn. Bởi, một người cầm đầu những nhà đầu tư siêu lợi nhuận, kiếm vài chục tỷ đồng dễ dàng trong 10 ngày, nói không có nổi 100 triệu đồng thì thật vô lý.
Lo lắng, bà H. đề nghị Hiền cho nhận lại tiền gốc, không cần lãi, nhưng vô ích. Lý do Hiền đưa ra là khoản đầu tư chờ hoàn tất quá lâu, đã tự động khóa. Điều này đồng nghĩa, số tiền 300 triệu đồng của bà H. cũng “bốc hơi”.
Từ thời điểm này, mọi kênh liên lạc qua Telegram và số điện thoại của Hiền cùng nhóm đầu tư đều mất kết nối.
Các nạn nhân "sập bẫy", tự động chuyển khoản đầu tư.
Vẫn hy vọng có thể lấy lại tiền, bà H. đón xe khách xuống TP.HCM và đến địa chỉ công ty trước đây Hiền cung cấp. Tới đây, người phụ nữ 63 tuổi chỉ biết nức nở khóc khi bảo vệ cho hay không có tên công ty bà đang tìm.
Thấy có lỗi với chồng và con trai đã mất, bà H. không dám về lại nhà. Một mình lang thang khắp TP.HCM 3 ngày liền, biết là vô ích, bà vẫn mong tìm được nhóm người của Hiền.
Chồng bà H., sau đêm đầu tiên không thấy vợ về nhà thì cuống cuồng tìm kiếm khắp nơi và hay tin bà đón xe đi TP.HCM.
Lúc chuẩn bị khăn gói xuống TP.HCM, ông sững sờ nhận được tin nhắn tuyệt mệnh từ vợ: “Thật sự tui không phải tham tiền, chết cũng không mang theo được. Mà vừa rồi trên Zalo, họ mời tui tham gia đầu tư, họ nói bỏ 400 triệu sẽ ra 11 tỷ. Tui nghĩ nếu có tiền thì nhanh xây được hồ dạy bơi, nên tui rút hết tiền bảo hiểm của con. Bị lừa hết rồi. Giờ tui chỉ còn cách chết, không dám về gặp ông và đứng trước di ảnh con nữa”.
Tuy sốc khi tiền bảo hiểm của con đã bị lừa sạch, nhưng việc vợ có ý định tự tử khiến người chồng "chết đứng". Phải mất hơn 30 phút, ông mới lấy lại bình tĩnh gọi cho vợ: “Tiền mất rồi thì thôi. Chứ thằng K. chết rồi, bà mà chết nữa thì tui cũng đi luôn. Bà về đi, tui với bà già rồi, tiền cũng không làm gì cả”.
Được chồng thông cảm, bà H. mới dám bắt xe về nhà.
Bà H. chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bị lừa đảo qua mạng hiện nay. Không dừng lại con số vài trăm triệu đồng, nhiều người thậm chí có người mất tới vài tỷ.
Anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) chuyên viên an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam cho biết, có những ngày anh nhận được hơn 10 email cầu cứu từ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.
Dẫn chứng mới nhất cho chúng tôi, anh Ngô Minh Hiếu chuyển tiếp nội dung email nhận ngày 5/7 từ nạn nhân T.T.L.A (33 tuổi, ngụ TP.HCM). Chị A. vừa bị lừa 2,2 tỷ đồng theo hình thức bị đối tượng xấu giả danh nhân viên ngân hàng tạo tài khoản tiết kiệm.
Cụ thể, ngày 25/6, chị A. nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên ngân hàng, hướng dẫn tạo tài khoản và định danh tài khoản trên app ngân hàng.
Sau đó, người này gửi cho chị A. một đường link, hướng dẫn click vào để nâng cấp tài khoản. Thao tác này sẽ giúp chị A. nhận được gói lãi suất tiết kiệm cao hơn.
Thấy đường link đúng của internet banking ngân hàng, chị A. không nghi ngờ mà nộp 3 tỷ đồng vào tài khoản.
Thế nhưng, chỉ 15 phút sau khi nộp, tài khoản của chị A. bất ngờ tự động chuyển tiền tới số tài khoản của người có tên LE VAN DONG (cùng hệ thống ngân hàng) với các số tiền lần lượt là 280 triệu đồng (4 lần), 400 triệu đồng (3 lần)… “Tôi ra ngân hàng ngay sau đó nhưng nhân viên báo việc phong tỏa tài khoản nhiều thủ tục nên hướng dẫn đổi mật khẩu ứng dụng và chuyển nốt số tiền còn lại ra ngoài. Tôi bị lừa mất 2,2 tỷ, chỉ còn giữ được 800 triệu đồng”, chị A. cho hay.
Trường hợp khác là nạn nhân N.T.N (39 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bị lừa hơn 1 tỷ đồng, hiện chị N. rơi vào cảnh túng quẫn, không dám đối mặt với gia đình.
Do làm ăn thua lỗ, chị N. tự tìm đến các sàn đầu tư chứng khoán trên mạng với hy vọng “1 lời 100” như “dân tình” đồn nhau. Số tiền để gia nhập sàn chỉ 200.000 đồng, chị N. không đắn đo.
Sau khi nộp 200.000 đồng, chị N. được thêm vào nhóm chat trên ứng dụng Telegram. Nhóm này có hàng chục thành viên.
Sau hơn một tuần tham gia, thấy nhiều người trong nhóm đầu tư thành công, chị N. dù muốn nhưng vẫn chưa dám thực hiện vì sợ bị lừa. Lúc này, một người trong nhóm qua tin nhắn riêng “làm thân” và chia sẻ nhiều điều về cuộc sống với chị N.
Vài ngày sau, người này khoe với chị N. vừa đầu tư thành công, nộp vào 100 triệu đồng nhưng rút ra hơn 3 tỷ đồng tiền lãi. Người này khuyến khích chị N. nên mạnh dạn để có tiền giải quyết nợ nần.
Nghĩ số tiền 100 triệu không là gì so với cả chục tỷ đồng đang nợ, nếu đầu tư thành công thì tốt, còn không thì xem như trả giá và “gánh” thêm số nợ, chị N. quyết định “liều”.
“Tôi bắt đầu đầu tư gói 100 triệu để liều chơi. Tôi không nghĩ tới chuyện họ sẽ dẫn dắt đủ đường mà tôi đều nghe theo. Với nhiều lý do như chơi quá hạn mức, lãi cao phải bù gốc mới rút ra được, lỗi xác minh tài khoản trên sàn… Cứ thế, trong 3 ngày tôi đã mê muội đóng vào đó hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này là tôi vay nóng mà có.
Tôi tha thiết van xin, cầu xin mọi người cứu tôi. Tôi không dám nói với ai và cũng không biết làm gì lúc này. Tiền vay nóng, lãi rất cao. Tôi không thể báo công an địa phương được vì khi sự việc công khai, tôi sẽ không thể ở đây được. Gia đình tôi sẽ không chấp nhận sự ngu ngốc của tôi. Nếu không lấy lại được tiền, chắc tôi chỉ còn đường chết”, chị N. cầu cứu.
Hay những cách lừa đảo dễ gặp nhất là từ những cuộc gọi mời nhận quà tặng miễn phí.
Chị L. (46 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), để nhận được phần quà tưởng chừng miễn phí, chị vừa phải trả giá bằng toàn bộ số tiền gia đình chị chắt chiu cả đời.
Đóng tiền "đầu tư" sau cuộc gọi mời tham gia chương trình giả mạo "Quà tặng miễn phí của Đ.M.X".
Như các cuộc gọi lừa đảo thông thường, chị L. bị kẻ xấu gọi điện, mời tham gia chương trình giả mạo "Quà tặng miễn phí của Đ.M.X". Sau khi gọi, kẻ này gửi cho chị L. mã quà tặng và đường link vào nhóm Zalo để được hướng dẫn nhận quà.
Theo hướng dẫn, chị L. tham gia vào nhóm Zalo “Sự kiện tri ân 7377”, gồm 3 thanh viên tham gia chơi với các “nhiệm vụ” sinh lời. Dù không hề miễn phí như chào mới trước đó, nhưng không hiểu vì lý do gì chị L. vẫn lần lượt đóng các khoản tiền không hề nhỏ cho cuộc chơi.
Để rồi, tới khi nhận ra bản thân bị lừa, chị đã nộp vào nhóm này hơn 470 triệu đồng.