Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng nở rộ với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến nhiều người điêu đứng khi mất vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Thời gian qua, Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực xây dựng các phương án, kịch bản để tuyên truyền cảnh báo người dân. Các đơn vị tổng hợp 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam, phổ biến rộng rãi từ cuối năm 2023 nhằm giúp người dân có thể nhận diện và biết cách phòng chống với các phương thức lừa đảo trực tuyến.
Tuy nhiên, các đối tượng vẫn đang hằng ngày, hằng giờ nghiên cứu để tích hợp và phát triển ra các thủ đoạn lừa đảo mới, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện và phòng tránh.
Xử lý bài toán SIM rác, tài khoản ảo
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, lừa đảo trực tuyến thay đổi liên tục theo các hoạt động, sự kiện hàng ngày.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, lừa đảo có nhiều hình thức nhưng tựu chung ở ba câu chuyện lớn: Đối tượng tấn công dẫn dụ người dùng cài phần mềm độc hại lên máy tính; lừa bấm vào link để gửi mã OTP chuyển tiền; dẫn dụ người dùng chuyển khoản.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Quang Hưng. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
"Gốc rễ của lừa đảo trực tuyến chính là động cơ tài chính. Nếu xử lý được bài toán định danh trên không gian mạng, định danh tài khoản, xử lý bài toán SIM rác, SIM chính chủ, tài khoản ngân hàng rác, câu chuyện lừa đảo trực tuyến sẽ giảm rõ rệt", ông Hưng nêu.
Ông Hưng thông tin, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông theo dõi, rà soát tình hình lộ, lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời một số nhóm tội phạm công nghệ cao.
Theo đó, ngày 13/3, Bộ Thông tin và Truyền thông ra thông báo quán triệt trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, đăng ký thông tin thuê bao, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm nghiêm túc triển khai, xử lý xong tất cả các SIM tồn kênh chuyển về SIM không có thông tin thuê bao (có hoặc không có gói cước).
Điều này nhằm đảm bảo SIM thuê bao phải chính xác, đúng quy định, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ có thể kích hoạt, phát triển mới bởi chính các nhà mạng theo thời hạn sau:
Trước ngày 22/3, các SIM đang khóa 2 chiều, có thông tin thuê bao, có gói cước phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao.
Trước ngày 15/4, các SIM đang khóa 1 chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao; xử lý xong tập thuê bao một giấy tờ đứng tên nhiều SIM (≥ 4 SIM/1 giấy tờ).
Từ ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm (như SIM tồn kênh có thông tin thuê bao…).
Bộ Thông tin và Truyền thông giao Thanh tra Bộ thanh tra, xử lý vi phạm với mức xử phạt cao nhất - đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới, đồng thời Bộ sẽ có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của doanh nghiệp vi phạm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, SIM điện thoại với đặc điểm phổ cập, dễ tiếp cận, giá thành rẻ… là một công cụ các đối tượng ở Việt Nam, cũng như trên thế giới, lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật (bao gồm thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, giả danh).
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Ông Nhã nhận định việc Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông di động xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định (SIM rác), chuẩn hoá thông tin thuê bao là một trong các biện pháp nhằm ngăn chặn các phương thức đối tượng lừa đảo có thể sử dụng.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường triển khai việc sử dụng cuộc gọi định danh, tin nhắn định danh (voice brandname); xử lý các website có dấu hiệu lừa đảo…
Cũng thông tin về chấn chỉnh SIM rác, trong đó có việc kiểm tra người sở hữu trên 4 SIM, ông Nhã cho biết theo báo cáo của các nhà mạng ước tính hiện có gần 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng gần 7,89 triệu SIM thuộc tập thuê bao 1 giấy tờ đang đăng ký từ 4 - 9 SIM/giấy tờ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đã và đang triển khai các biện pháp thông báo đề nghị các thuê bao rà soát, xác minh, làm rõ các SIM mình đang sử dụng, từ đó giúp xử lý các SIM có thông tin không đúng quy định.
"Các biện pháp nêu trên, cùng với việc từ 1/7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các giao dịch chuyển tiền ngân hàng hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu phải được xác thực bằng sinh trắc học sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo trên không gian mạng", Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nói.
Liên quan đến việc ngân hàng áp dụng sinh trắc học khi thực hiện giao dịch chuyển tiền, đại diện BIDV cho biết, dù chưa có thống kê chi tiết nhưng ứng dụng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền online cơ bản giúp phòng tránh nạn lừa đảo trực tuyến.
Vị này phân tích, trước đây kẻ xấu thường hay lợi dụng những tài khoản trôi nổi bằng cách tìm vào các trường học để mua lại tài khoản ngân hàng của học sinh, sinh viên. Do chưa nhận thức hết hậu quả của việc chuyển tài khoản của mình cho người khác sử dụng, một bộ phận học sinh, sinh viên đã bán cho những đối tượng đi thu mua để hưởng lời mà không biết họ sử dụng với mục đích lừa đảo.
Kể từ khi xác thực sinh trắc học được áp dụng, cơ bản đã phòng tránh được những vụ lừa đảo qua mạng xã hội.
Tuy nhiên bây giờ, khi ứng dụng sinh trắc học được thực hiện thì những tài khoản đã mua đó buộc phải xác thực, nếu không phải chính chủ sẽ không chuyển được tiền đi. Điều này giúp hạn chế rất nhiều số lượng tài khoản ảo, từ đó hạn chế số vụ lừa đảo chuyển tiền có thể xảy ra. Và đặc biệt là giúp hạn chế được số vụ lừa đảo với số tiền lớn, vì muốn chuyển được 10 triệu đồng/lần, 20 triệu đồng/ngày hay lớn hơn thì bắt buộc phải sử dụng sinh trắc học để xác thực khuôn mặt.
"Điều này góp phần hỗ trợ ngân hàng, khi nhận được thông tin của người bị lừa sẽ sớm ngăn chặn được hành vi chuyển tiền lừa đảo từ tài khoản này sang tài khoản khác", vị đại diện BIDV nói.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cũng cho biết, thông qua sinh trắc học, tội phạm gần như không thể thực hiện việc giả mạo khách hàng. Mỗi giao dịch có giá trị lớn đều phải xác thực, nếu không chính là khách hàng thực hiện thì không chuyển tiền được.
"Nếu anh không phải là người mở tài khoản thì sẽ không thể chuyển được tiền đi, cũng sẽ giảm được việc sử dụng tài khoản không chính thống. Nhờ vậy, chúng ta cũng ngăn chặn được tình trạng những đối tượng lừa đảo thu mua tài khoản ngân hàng của người khác dùng để luân chuyển dòng tiền lừa đảo", vị này khẳng định.
Cũng theo ông, xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền giúp ngăn chặn dòng tiền khi đã bị chuyển đi khỏi tài khoản. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là các đối tượng lừa đảo giả danh công an, giả danh cán bộ thuế, tòa án hay nhiều lực lượng chức năng khác và gọi điện, thao túng tâm lý khiến nhiều người làm theo và chuyển tiền.
Điều này đồng nghĩa với việc xác thực xong thì vẫn có thể bị lừa đảo và chuyển tiền đi. Do đó, hiện các ngân hàng và Bộ Công an đã có sự liên thông để cảnh báo sớm đến người dân ngay từ khi nhập tài khoản chuyển tiền. Từ đó dừng lại ngay việc chuyển khoản để tránh những rủi ro phát sinh.
"Mê cung" lừa đảo công nghệ cao
Hành vi của đối tượng lừa đảo qua mạng không phải bất biến mà thường được áp dụng rầm rộ một thời gian và chuyển sang hình thức lừa đảo khác khi người dân đã được cảnh tỉnh.
Các thủ đoạn ấy như một "mê cung", ban đầu đối tượng có thể tiếp cận bị hại bằng thủ đoạn này nhưng một thời gian sẽ đưa bị hại mắc bẫy ở một thủ đoạn khác. "Vòng xoáy lừa đảo" khiến nhiều bị hại rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang, lo sợ hoặc hưng phấn, vui mừng vì sắp nhận được khoản tiền lớn, nhưng tất cả sẽ đều chung một thao tác là chuyển tiền vào tài khoản đối tượng cung cấp.
Trước câu hỏi được nhiều người quan tâm "cơ hội nào để các nạn nhân lấy lại số tiền bị chiếm", Thiếu tá Nguyễn Việt Thắng, Phó Đội trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hải Dương), cho rằng: "Cơ hội lấy lại những khoản tiền đã mất của nạn nhân là không cao".
Lý giải điều này, Thiếu tá Nguyễn Việt Thắng cho biết, khi tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp (hầu hết là các tài khoản không chính chủ) ngoài việc đối tượng lập tức rút tiền, nhiều trường hợp sẽ chuyển tiếp, chia nhỏ dòng tiền đến nhiều tài khoản khác nhau để gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Chúng sử dụng mua thẻ game (trò chơi), mua tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Ngoài ra, nhiều đối tượng khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, số tiền chiếm đoạt đã sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân, tham gia đánh bạc nên khả năng trả lại tiền cho bị hại là không cao.
Quá trình điều tra của công an gặp nhiều khó khăn khi tội phạm lừa đảo công nghệ cao không phải tội phạm truyền thống, chúng có tính ẩn danh cao, dễ che đậy nguồn tấn công, truy cập bất hợp pháp. Vì vậy, các bên liên quan như ngân hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cần chung tay, nhanh chóng vào cuộc mới có thể sớm làm rõ cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm.
"Nhiều người bị lừa trên môi trường mạng nhưng vì nhiều lý do khiến tâm lý e ngại nên không đến cơ quan công an trình báo. Chúng tôi luôn khuyến cáo người dân nên chủ động trình báo sớm vì giai đoạn ban đầu đối tượng có thể lưu lại nhiều thông tin có giá trị, từ đó làm căn cứ để cơ quan công an có thể làm rõ những cá nhân, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng", Thiếu tá Thắng nhấn mạnh.
Với những công nghệ mới, tiện ích giải trí, theo Thiếu tá Thắng, người dân cần hết sức lưu ý khi sử dụng các phần mềm này.
"Không nên sử dụng hoặc nếu sử dụng thì cần chú ý trong bảo mật tài khoản, bảo vệ thông tin cá nhân. Hình ảnh, thông tin, dữ liệu cá nhân dễ bị lọt, vô tình trở thành nguồn cho các đối tượng xấu sử dụng phục vụ mục đích vi phạm, chiếm đoạt tài sản", Thiếu tá Nguyễn Việt Thắng khuyến cáo.
Thời gian qua, Công an tỉnh Hải Dương đã thực hiện rất nhiều biện pháp tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng như tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền bằng tờ rơi, áp phích hoặc qua ấn phẩm sách gửi tới từng hộ dân từ tuyến xã, huyện đến tuyến tỉnh để người dân có thể nắm bắt cụ thể từng hành vi của loại tội phạm này.
Tuy nhiên, bên cạnh một bộ phận nhỏ người dân chưa được tiếp cận hoặc đã tiếp cận, được cảnh báo nhưng lại chưa nắm chắc, chưa hiểu sâu, đôi khi mang tâm lý chủ quan... dẫn tới vẫn trở thành bị hại của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trước tình hình đó, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hải Dương luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo trong tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh, được đầu tư về trang thiết bị, phương tiện, nhân lực hơn nữa trong thời gian tới, cũng như tổ chức các khoá đào tạo về bảo mật thông tin, phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lực lượng để có thêm kiến thức đấu tranh tội phạm vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
24 hình thức lừa đảo trên mạng Việt Nam
1. Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ".
2. Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
3. Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
4. Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
5. Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
6. Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
7. Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
8. Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,...
9. Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng...)
10. Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
11. Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
12. Lừa đảo tuyển cộng tác viên online.
13. Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo.
14. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo.
15. Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
16. Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
17. Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
18. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
19. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
20. Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
21. Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
22. Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
23. Lừa đảo cho số đánh đề.
24. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng.