Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đã đến lúc Nga tăng ảnh hưởng trên toàn châu Âu, nhờ vào Novatek?

(VTC News) -

Novatek, công ty khí đốt danh tiếng, đã mở rộng khai thác đến cả Bắc Cực, góp phần làm tăng ảnh hưởng của Nga trên thị trường khí đốt châu Âu.

Hiện nay, Novatek đã chiếm tới 5% sản lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu. Với đà phát triển mạnh mẽ, rất có khả năng nhà sản xuất khí đốt tự nhiên sẽ đạt sản lượng 140 triệu tấn vào năm 2035, đưa Nga trở thành nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Giám đốc điều hành và cổ đông lớn của Novatek, Leonid Mikhelson, là một vị khách quen mặt của điện Kremlin. Hồi đầu năm nay, ông Mikhelson đã nói với chính phủ rằng công ty của ông cần tiếp cận với nhiều nguồn khí đốt hơn.

Tổng thống Putin đã nói rằng ông trân trọng Novatek vì những đóng góp của công ty trong việc phát triển năng lượng xanh. (Ảnh: Reuters)

Yêu cầu nhanh chóng được chấp thuận bởi Nga muốn trở thành một người chơi lớn hơn nữa trên thị trường LNG toàn cầu. Quốc gia này nuôi tham vọng thu lợi nhuận từ việc bán hàng xuất khẩu sang châu Á, giống như họ đã làm với vị trí thống lĩnh trong lĩnh vực cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Nhờ sự hậu thuẫn từ điện Kremlin, trong những năm qua, Novatek đã lấy được giấy phép khai thác LNG ở nhiều khu vực trên toàn nước Nga. Công ty đã nắm bắt được cơ hội phát triển nhiều dự án mới khổng lồ, bao gồm cả ở những vùng xa xôi của Bắc Cực. Trong số các dự án đó có nhà máy Yamal LNG, hiện có thể sản xuất nhiều hơn 14% so với công suất ban đầu. Đến năm 2023, Arctic LNG 2 cũng sẽ góp một chân vào hoạt động khai thác khí của Nga.

Theo ông Mikhelson, tiến độ triển khai Arctic LNG 2 đang vượt kế hoạch. Cùng với đó, một dự án khai thác khí khác dự định triển khai vào năm 2026 sẽ hoàn thành sớm trước 1 năm.

Theo báo cáo của Novatek, mỗi tháng công ty chuyển khoảng 2.000 tấn LNG đến các trạm chiết nạp ở nước ngoài. Trong số đó có khoảng mười nhà ga ở Đức và Ba Lan. Cùng với đó, vẫn còn nhiều trạm chiết nạp hơn nữa đang được lên kế hoạch triển khai.

Việc làm ăn của Novatek đặc biệt sôi nổi tại thị trường châu Á, hầu hết LNG từ các dự án ở Bắc Cực đã được Trung Quốc và các quốc gia khác đặt trước. Các quốc gia này rất cần LNG để giảm lượng khí thải carbon bằng cách thay thế than bằng khí đốt.

Các khách hàng châu Á của Novatek bao gồm Trung Quốc, Pakistan và Bangladesh, được cho là đã mua ít nhất 20 triệu tấn LNG/năm, trong đó, phần lớn đơn đặt hàng đến từ Qatar. 

Nga có cơ hội lọt top những nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới

Theo Liên minh Khí đốt Quốc tế (IGU), nếu Novatek hoàn thiện việc xây dựng tất cả các nhà máy trong kế hoạch, Nga sẽ trở thành nhà cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng lớn thứ tư thế giới trong những năm tới, sau Qatar, Mỹ và Canada.

Nga rõ ràng có tiềm năng trở thành một trong những nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, nhưng quốc gia này phải đối mặt với một số thách thức để đạt được mục tiêu của mình. Thứ nhất, rất khó dự đoán có bao nhiêu dự án tiềm năng sẽ được thực hiện, quy mô và thời gian triển khai các dự án cũng là một vấn đề cần cân nhắc. Thứ hai, các quan chức Nga sẽ phải phát triển các chiến lược hiệu quả nhằm đối phó với các đối thủ cạnh tranh hiện tại (Qatar, Australia và Mỹ) cùng các quốc gia đang trỗi dậy (các nước thuộc khu vực cận Sahara, châu Phi).

Tuy nhiên, các dự án khai thác LNG ở Bắc Cực của Novatek đã mở ra cho Nga một con đường để đương đầu với thách thức.

Khí tự nhiên đã từng được quảng cáo như một loại nhiên liệu có thể giúp con người dần dần không còn phụ thuộc vào than đá. Nhưng việc khai thác loại nhiên liệu này đã bị giám sát chặt chẽ hơn do các chính phủ theo đuổi những mục tiêu khí hậu ngày càng tham vọng.

Sự phản đối ngày càng tăng đối với LNG cũng được phản ánh trong báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế Net Zero. Báo cáo nhấn mạnh rằng việc xây dựng một ngành năng lượng toàn cầu với lượng phát thải ròng bằng 0 đòi hỏi “một sự chuyển đổi chưa từng có về cách năng lượng được sản xuất, vận chuyển và sử dụng trên toàn cầu”.

Nhưng chính vì khai thác LNG không đơn giản, việc Novatek khai thác khí đốt từ Bắc Cực có thể giúp Nga tăng vị thế với châu Âu, đặc biệt là khi khí đốt của Nga đang đóng vai trò chủ chốt ở châu lục này. Từ đó, ngành xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ vững chân ở cả hai thị trường châu Âu và châu Á.

Các chuyên gia tạo dáng chụp ảnh sau khi hàn đường ống cuối cùng của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. (Ảnh: Reuters)

“Con tin” đổi lấy chứng nhận Nord Stream 2?  

Gần đây, Tổng thống Putin được báo chí phương Tây nhắc đến như người nắm giữ chìa khóa then chốt cho trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Âu tăng cao đột biến vì khan hiếm nguồn cung. Nhiều chuyên gia cho rằng Moskva đã cố tình từ chối cung cấp khí đốt cho châu Âu nhằm gây sức ép buộc Đức tăng tốc độ chứng nhận đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Nga đã bác bỏ điều này và khẳng định quốc gia không đóng bất kỳ vai trò nào trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Tuy nhiên, tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã có phát ngôn đi ngược với lời khẳng định trên. Ông cho biết chứng nhận ​​của Đức về đường ống dẫn dầu và khí đốt gây tranh cãi có thể giúp hạ nhiệt tình hình năng lượng ở châu Âu.

Timothy Ash, nhà chiến lược thị trường cao cấp tại Bluebay Asset Management, tin rằng Moskva đã có kế hoạch nhằm thúc đẩy chứng nhận cho Nord Stream 2: “Các thị trường sẽ thật ngây thơ nếu họ cho rằng Moskva sẽ xoa dịu cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu trước khi Nord Stream 2 được chứng nhận”.

Mike Fulwood, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cũng đồng ý rằng tất cả quyết định về việc cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu của Nga đều dựa trên mục đích “chính trị” và gắn liền với việc chứng nhận đường ống Nord Stream 2.

Về cơ bản, tình hình về phía Nga là ‘nếu bạn chấp thuận Nord Stream 2, chúng tôi sẽ gửi thêm khí đốt qua Nord Stream 2' ”, ông Fulwood nói.

Chi phí ước tính của dự án Arctic LNG 2 là 21,3 tỷ USD. (Ảnh: Gazprom)

Có thể thấy các dự án khai thác khí đốt, cụ thể là dự án LNG của Novatek rất quan trọng với Moskva. Vì vậy, Điện Kremlin mới hỗ trợ hết mình cho kế hoạch xây dựng mạng lưới cung cấp khí đốt LNG trên khắp châu Âu của công ty này. 

Dự án Arctic LNG 2 cũng đã nhận được khoản hỗ trợ hào phóng của chính phủ Nga. Chi phí ước tính của dự án này là 21,3 tỷ USD, trong đó, 73,43% sẽ do Novatek chi trả và 26,57% do chính phủ Nga chi trả. Hồi tháng 3, có thông tin cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành luật miễn giảm thuế (thuế chiết xuất bằng 0) cho các dự án LNG mới ở Bắc Cực.

Trần Trang (Tổng hợp)

Tin mới