Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cuộc đua vì màu cờ, sắc áo, vì danh dự bản thân

(VTC News) -

Người hâm mộ chắc hẳn không thể quên hình ảnh cô gái nhỏ đã ngất xỉu, thở bằng oxy ở vạch đích SEA Games 30 (2019) mang về tấm HCĐ đầy quý giá cho Việt Nam.

Em không lấy chị Oanh làm tượng đài hay thành tích của chị Oanh làm mục tiêu của mình. Em sẽ lấy chính mục tiêu mỗi kỳ của bản thân để tạo ra thành tích” - Người nói những lời này là VĐV Phạm Thị Hồng Lệ.

Khi mà tên tuổi và thành tích 4 tấm Huy chương Vàng của Nguyễn Thị Oanh đang tràn ngập các mặt báo và cả mạng xã hội tạo nên cơn sóng của lòng khâm phục và mơ ước của người hâm mộ thì có một cô gái chạy sau Oanh dám nói trực diện như thế trước nhà báo.

Không quan tâm tới sự ngỡ ngàng của tôi, nữ vận động viên Bình Định cứ tiếp tục mạch chuyện của mình: “Bản thân em cũng không đề ra mục tiêu mình là tượng đài cho một ai đó để cố gắng. Em chỉ tập trung vào chính bản thân em vì em biết khả năng, sức khỏe của mỗi người khác nhau. Trong thi đấu còn phụ thuộc vào tình huống, chiến thuật và chính vận động viên khi thi đấu. Cả quá trình tập luyện, thi đấu là vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, vì danh dự bản thân”.

Để có được mỗi tấm huy chương mang về Việt Nam, Hồng Lệ phải trải qua cả biển mồ hôi, cả hồ nước mắt.

Dù chỉ đạt được Huy chương Bạc, nhưng Hồng Lệ, Nguyễn Thị Oanh và các cô gái vàng Việt Nam thi đấu đỉnh cao dường như đều có chung một ý chí kim cương như vậy.

Lệ vui vẻ kể: “Ví dụ giải Vô địch Quốc gia năm 2020, mục tiêu của em là phá kỷ lục QG ở nội dung 10.000m và em đã làm được điều đó. Cụ thể, KLQG của Việt Nam tồn tại 17 năm qua là 34 phút 48 giây, em phá vỡ kỷ lục đó chỉ còn 34 phút 30 giây. Tuy nhiên, giải này, chị Oanh mới là kỷ lục gia với thành tích là 34 phút 8 giây.

Năm 2021, giải VĐQG tiếp tục diễn ra với nội dung 10.000m và em vẫn đặt mục tiêu phá kỷ lục của chị Oanh năm 2020. Giải này, chị Oanh không tham gia nội dung trên và em đã phá kỷ lục cũ của chị Oanh xuống còn 34 phút 01 giây. Và em là người nắm giữ KLQG cho đến giờ”.

Nói về đàn chị cùng phòng, cùng sân tập, tập cùng cự ly Lệ cứ vanh vách nhận xét về đối thủ với vẻ khâm phục không giấu diếm: “Em không nói là sẽ không vượt qua được chị ấy, nhưng khả năng vượt qua chị Oanh sẽ là khó. Chị ấy bây giờ đang ở cái tầm chỉ có tranh với nam thôi, nó đã ở một cái trình độ khác rồi. Tập luyện với nhau hằng ngày đủ biết đẳng cấp của nhau, em khó có thể thắng được chị Oanh và những VĐV dưới em cũng khó thắng được em”.

Đồng hành trên bục nhận huy chương Seagames 32 tại Campuchia của 2 cô gái vàng trong làng điền kinh Việt Nam : Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Hồng Lệ.

Chốt lại câu chuyện chuyên môn và cũng là lời lý giải chân thật về “không lấy chị Oanh làm tượng đài” Lệ nói: “ Em cũng biết trình độ chị Oanh cách mình xa rồi cho nên mình chỉ cố gắng mục tiêu của bản thân ngày càng tăng lên. Nếu cứ nhìn lên chị ấy để so sánh sẽ rất là buồn và tủi thân”.

Mỗi tấm huy chương là cả biển mồ hôi, cả hồ nước mắt

Hồng Lệ là con gái thứ 5 trong gia đình có 6 người con tại xã Cát Hanh (Phù Cát, Bình Định). Gia đình không có ai theo nghiệp thể thao, chỉ có cô gái sinh năm 1988 là quyết theo con đường này.

Ban đầu, cô gái muốn “đánh roi, đi quyền” như các bậc nữ nhi cân quắc miền đất võ, nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình không cho phép nên điền kinh đã trở thành mối lương duyên với cô từ đó.

Hồng Lệ chia sẻ: “Khi học PTCS, vì đam mê em đã xin ba mẹ đi học võ nhưng do gia đình không có điều kiện, em chỉ học được đúng 1 tháng rồi phải nghỉ vì không có tiền để đóng học phí. Lúc đó học phí mỗi tháng là 60.000 đồng/tháng, nhưng gia đình khó khăn nên em đã chuyển sang bộ môn điền kinh”.

So với môn võ thì điền kinh không tốn tiền của gia đình và bản thân Lệ cũng có năng khiếu ở môn này. Khi còn là học sinh PTCS, Lệ đã đoạt các giải cao ở trường, ở huyện và ở tỉnh. Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Lệ ở môn điền kinh để được gọi lên tuyển tỉnh là khi chiến thắng ở giải việt dã liên tiếp 2 năm liền.

Mặc dù được chọn vào đội tuyển tỉnh là một niềm vinh dự lớn, nhưng ban đầu bố mẹ của Hồng Lệ cũng không ủng hộ con gái dấn thân vào thể thao. Bằng đam mê nhiệt huyết kèm theo thành tích, Lệ đã thuyết phục được gia đình để theo đuổi đam mê. Sau 4 năm tập luyện ở tỉnh, Lệ đã được gọi lên đội tuyển điền kinh quốc gia, điều mà ngay cả bản thân Lệ cùng gia đình đều cảm thấy rất bất ngờ.

Hồng Lệ luyện tập cùng đồng đội trong đội tuyển quốc gia.

Nhưng lên tuyển, đường chạy có rải hoa hồng nhưng chân cô và đồng đội cũng rướm đầy máu. Đã ra quốc gia là hầu như chỉ có tập, tập và tập. Cạnh tranh, cạnh tranh và đào thải ngay nếu không chịu được áp lực và thành tích không tốt.

Lệ nói: “Được gọi vào đội tuyển quốc gia, chúng em chỉ biết tâm niệm theo một hướng: Cố gắng tập luyện thật kiên trì và bền bỉ để mang thành tích về cho đất nước và chính bản thân mình”.

Tuy nhiên, đời vận động viên chẳng ai tránh được chấn thương. Đeo đẳng với Lệ là nhiều loại chấn thương và Hội chứng dải chậu chày (Lliotibial Band Syndrome - ITBS) - tình trạng tổn thương do hoạt động quá mức của các mô liên kết nằm ở phần cạnh hoặc bên ngoài của đùi và đầu gối.

Chạy là đam mê, là nghề kiếm sống, nhưng chạy cũng mang lại sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều trị - Phục hồi - Tập luyện - Lại phát sinh chấn thương... Chu trình đáng buồn đó cứ như sống chung với Lệ.

Có những ngày ra sân tập luyện là mồ hôi và nước mắt của Lệ cứ thay nhau chan rải trên suốt cả đường chạy. Hay đêm về, cô lại khóc vì... đau. Cũng chính vì chấn thương mà Lệ đã phải từ bỏ đường chạy marathon sở trường, từng giúp cô đoạt Huy chương Đồng ở SAE Games 30 tại Philippines.

Một suất để đi thi đấu ở SEA Games là cả mấy năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt và được thể hiện khả năng vượt trội bằng nhiều giải đấu. Mỗi vận động viên trên đường chạy như cá bày sàng, chẳng thể nào gian dối được. Lệ cũng như các đồng đội đến với SEA Games bằng thực lực của chính mình.

11 năm bền bỉ với điền kinh, Hồng Lệ đã giành được 1 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ SEA Games. Còn tại SEA Games 32 thành tích của Lệ chỉ là 2 tấm Huy chương Bạc nhưng với cô những tấm huy chương đó đều được kết tinh từ “cả biển mồ hôi, cả hồ nước mắt”.

 

Những người hâm mộ có thật sự hiểu thì mới biết được cho dù đó là huy chương gì với nội dung gì thì người VĐV đã phải nỗ lực cố gắng đổ mồ hôi, đổ nước mắt và thậm chí đổ cả máu để có được nó.

Nữ VĐV điền kinh Phạm Thị Hồng Lệ

Hỏi chuyện tương lai, Lệ khẳng định: “Em chỉ mong khỏi chấn thương để lại có thể tập luyện và thi đấu hết sức mình. Em là người rất cầu tiến. Chưa bao giờ em hài lòng với thành tích mình đã đạt được mà luôn muốn đạt thành tích cao hơn nữa”.

* Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp

Nguyễn Gia

Tin mới