Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cuộc chiến thiết giáp nhìn từ xung đột Ukraine

(VTC News) -

Quân đội Nga vẫn áp dụng chiến thuật của Liên Xô trong khi quân đội Ukraine đang dần thay thế bằng học thuyết xe tăng phương Tây, phương án nào sẽ hiệu quả?

Nga và Ukraine là những quốc gia sở hữu số lượng xe tăng hàng đầu ở châu Âu, Nga được thừa hưởng hàng chục nghìn xe tăng từ Liên Xô và số lượng xe tăng hiện có vẫn ở mức 5 con số, Ukraine cũng đã được thừa kế 6.500 xe tăng vào năm 1991, nhưng đến năm 2022 Ukraine chỉ còn khoảng 2.800 chiếc đang hoạt động. 

Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, ​​những trận chiến xe tăng lớn không xảy ra, mà thay vào đó là ​​hàng loạt cuộc tấn công do không kích, pháo kích do hai bên tiến hành. Nhưng số lượng xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy được dự tính cũng đã vượt quá 12.000 chiếc.

Đội hình chiến đấu

Trước năm 2014, các đơn vị xe tăng của quân đội Ukraine về cơ bản vẫn biên chế kiểu Liên Xô cũ, một đại đội xe tăng có 10 chiếc, mỗi đại đội có 3 trung đội xe tăng, mỗi trung đội gồm 3 xe và chỉ huy đại đội có 1 xe.

Trong lý thuyết chiến đấu thiết giáp của hầu hết các quốc gia, trừ khi trong chiến tranh đô thị hoặc điều kiện địa hình rất bất lợi, việc chiến đấu đơn phương tiện hoặc chiến đấu theo đội hình nhỏ thường không được khuyến khích hoặc thậm chí bị cấm.

Sau 8 năm chấn chỉnh, trang bị của các đơn vị xe tăng Ukraine đã được cải thiện, số lượng xe tăng trong biên chế của một đại đội đã tăng lên 14 chiếc, mỗi trung đội có 4 xe tăng và đại đội chỉ huy có 2 xe tăng.

Tất nhiên, có sự khác biệt trong việc tổ chức các đại đội xe tăng giữa các lữ đoàn xe tăng và lữ đoàn cơ giới, đồng thời do thiệt hại khi chiến đấu, đội hình thực tế của các đơn vị sẽ thay đổi linh hoạt.

Xe tăng trong cuộc tập trận giữa Nga-Belarus ngày 19/2/2022. (Ảnh: AP)

Tình hình của quân đội Nga thì ngược lại, họ đã kế thừa một cách nghiêm túc học thuyết xe tăng thời Liên Xô và nghiêng về tác chiến nhóm xe tăng lớn. Học thuyết tác chiến trên bộ của Liên Xô trước đây luôn bác bỏ tác chiến phân tán quy mô nhỏ, chủ trương tập trung binh lực tác chiến để tạo thành ưu thế áp đảo tiêu diệt đối thủ.

Theo tiết lộ của sĩ quan tiền phương quân đội Ukraine: “Quân đội Nga sử dụng xe tăng theo sách hướng dẫn của Liên Xô, không phải theo đơn vị trung đội mà theo đại đội, hoặc thậm chí là các đơn vị quy mô lớn hơn”. Tuy nhiên việc trải đội hình trên một chiến tuyến rộng cũng có những hạn chế.

Theo các chuyên gia quân sự, quân đội Nga thường không đủ xe tăng cho đợt tấn công thứ hai, đồng nghĩa với việc một khi đòn tấn công phủ đầu ồ ạt bằng thiết giáp bị thất bại, toàn bộ chiến dịch tấn công chắc chắn sẽ dừng lại, điều này đã được khẳng định vô số lần trong xung đột ở Ukraine.

Công tác đào tạo khó khăn

Mặc dù tư duy kỹ thuật của xe tăng Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh là giống nhau, nhưng đối với từng loại xe tăng khác nhau thì cũng có những yêu cầu vận hành khác nhau đối với tổ lái, điều này gây khá nhiều khó khăn cho quân đội Ukraine. 

Một sĩ quan quân đội Ukraine cho biết: “Rất khó để các kíp lái xe tăng T-64 được đào tạo lại có thể vận hành T-80 hoặc T-72 và ngược lại. Điều này cần phải được tối ưu hóa”.

Theo các báo cáo, kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, quân đội Ukraine đã thu giữ hơn 220 xe tăng T-72 và 130 xe tăng T-80, đồng thời cũng nhận được hơn 230 chiếc T-72 hoặc các phiên bản cải tiến từ các nước NATO. Tuy nhiên việc hoàn thành khóa đào tạo chuyển đổi cần khá nhiều thời gian.

Việc huấn luyện xe tăng từ đầu còn khó hơn nữa, sau khi Ukraine tiếp nhận các xe tăng phương Tây, các kíp lái đã mất một thời gian dài để học cách sử dụng những phương tiện này.

Ngoài ra, một số thiết bị tiên tiến sẽ yêu cầu đào tạo chuyên nghiệp lâu hơn để thành thạo, chẳng hạn như thiết bị nhìn đêm. Mục đích cuối cùng của huấn luyện quân sự là để binh lính thành thạo trong chiến đấu và phản ứng nhanh chóng với các tình huống bất ngờ, xét cho cùng sự khác biệt giữa phút và giây trong chiến đấu chính là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.

Cảnh sát Ukraine chụp ảnh trên một chiếc xe tăng do Nga bỏ lại tại Izium ngày 14/9/2022.

Kể từ khi xung đột bùng nổ, Ukraine đã liên tục đề nghị phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng bao gồm cả xe tăng. Gần đây Mỹ cũng đang xem xét liệu có nên cung cấp cho Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 hay không. Tuy nhiên xét từ tình hình thực tế, xe tăng phương Tây có thể không phù hợp, từ công tác hậu cần cho đến khó khăn trong huấn luyện.

Một nguồn tin quân sự Ukraine cho biết: “Lính xe tăng phải mất khoảng 1 tháng để bắt đầu làm quen với xe tăng phương Tây, còn nhân viên bảo trì hậu cần phải mất ít nhất 3 đến 4 tháng. Chúng tôi không cần xe tăng Leopard, nó hại nhiều hơn lợi, nhiều T-72 hơn sẽ giúp chúng tôi tốt hơn”.

Ngoài ra, theo thông tin hồi tháng 6/2022, quân đội Ukraine gặp vấn đề trong việc sử dụng kính ngắm ảnh nhiệt nhìn đêm của xe tăng do trình độ đào tạo còn thấp và số lượng người điều khiển chuyên nghiệp còn hạn chế.

Theo dữ liệu trên chiến trường Nga-Ukraine, loại xe tăng có giáp bảo vệ mạnh nhất trong quân đội Nga là T-80BVM, tiếp đến là T-90A và T-72B cải tiến. Theo tình báo quân đội Ukraine, 90% số xe T-80BVM trong quân đội Nga đã bị phá hủy, số lượng T-72B3 và T-72B3MS bị mất đã lên tới 900.

Ước tính còn lại 800 chiếc T-72 trên tiền tuyến có thể chiến đấu và các đội xe tăng bị mất không thể bổ sung phương tiện kịp thời. Tất nhiên, các thông tin một chiều về thiệt hại của quân đội Nga đối với Ukraine chỉ mang tính chất tham khảo.

Mặc dù con số tổn thất của xe tăng Nga vẫn còn phải kiểm chứng, nhưng có một thực tế là quân đội Nga đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huấn luyện cũng như bổ sung lực lượng cho các kíp xe tăng và hậu quả đã được thể hiện trên chiến trường. 

Giới phân tích quân sự cho rằng, việc quân đội Nga sử dụng xe tăng T-62 chứng tỏ họ đang gặp những tổn thất về lực lượng và phương tiện trong chiến đấu. Bên cạnh đó T-62 là dòng xe tăng có từ những năm 60 của thế kỉ trước, việc đào tạo kíp lái xe tăng cũng sẽ mất rất nhiều thời gian.

 Binh sĩ Ukraine bên cạnh chiếc xe tăng của Nga ở Kharkiv ngày 20/9/2022.

Vấn đề công tác hậu cần

Trong chiến tranh hiện đại, lực lượng tăng thiết giáp có yêu cầu rất cao về hỗ trợ hậu cần, đặc biệt là bảo dưỡng phương tiện. Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, cả hai bên đã không làm tốt công việc phục hồi và bảo dưỡng xe tăng và xe bọc thép. Họ phải mất 200 - 300km để vận chuyển những chiếc xe tăng bị hư hỏng về hậu phương để sửa chữa. 

Không thể sửa chữa tại chỗ và không bên nào có thể mạo hiểm với việc đưa các chuyên gia có kỹ năng sửa chữa cũng như thiết bị chuyên dụng có giá trị ở tiền tuyến. Phải biết rằng sau khi Liên Xô tan rã, rất nhiều máy móc chuyên nghiệp ở cả Nga và Ukraine đã cạn kiệt, thiết bị bảo dưỡng chuyên nghiệp dường như càng thiếu.

Theo quân đội Ukraine: “Vẫn còn ba nhà máy sửa chữa xe tăng ở Nga và khả năng sửa chữa xe tăng hoặc tháo dỡ xe tăng của họ bị hạn chế (không quá 100-200 xe mỗi tháng)”.

Tình hình của Ukraine cũng không khá hơn là bao. Có một phóng sự truyền hình về một nhà máy sửa chữa xe tăng ở Kiev, ngay sau khi phát sóng một tên lửa hành trình của Nga đã tấn công nhà máy, không chỉ mất thiết bị mà còn mất nhiều “chuyên gia xuất sắc”. 

Nhiều xe tăng Ukraine đã được sửa chữa ở châu Âu và các chuyên gia cho rằng chủ yếu được chuyển đến Ba Lan, Cộng hòa Séc và Romania, những quốc gia này vẫn đang vận hành loại xe tăng tương tự. 

Một nguồn tin trong quân đội Ukraine khẳng định: “Một nhà máy có thể sửa chữa 20-30 xe tăng hư hỏng mỗi tháng. Họ có một lượng lớn chuyên gia cơ khí”.

Quân đội Nga đã ném quá nhiều phương tiện thiết giáp vào chiến trường, nhưng không có đủ nguồn lực bảo trì hậu cần tương ứng, dẫn đến nhiều xe bọc thép bị Ukraine thu giữ.

Hưng Lê (Nguồn: Tổng hợp)

Tin mới