Cung nữ đó là Đậu hoàng hậu (205 - 135 TCN), có khuê danh là Đậu Y Phòng. Bà là hoàng hậu tại vị duy nhất của Hán Văn Đế Lưu Hằng và có ảnh hưởng lớn đến thời đại vàng son của nhà Hán.
Theo Sử ký tác ẩn của Tư Mã Trinh thời nhà Đường, Đậu Y Phòng xuất thân từ gia đình thường dân nghèo khó. Vì muốn có tiền lo cho bản thân và gia đình, Đậu Y Phòng dựa vào sắc đẹp vốn có để nhập cung, trở thành cung nữ hầu hạ các vị nữ nhân cao quý ở chốn hậu cung.
Để thoát khỏi cảnh nghèo, Đậu Y Phòng đã nhập cung làm cung nữ. (Ảnh: Sohu)
Đậu Y Phòng vào cung và được phân vào hầu hạ cho Lã Trĩ khi đó đã trở thành Lã Thái hậu. Do hiền lành, đoan trang nên Đậu Y Phòng nhanh chóng trở thành thị nữ được Lã Trĩ rất yêu mến và tin tưởng. Tuy cả ngày nơm nớp sợ bị chủ nhân trách phạt, nhưng so với những ngày đói khổ thì cuộc sống của cô giờ đây giống như thiên đường. Công việc của cô khá nhàn nhã, ngày ngày dọn dẹp phòng ốc và pha trà rót nước ở tẩm cung của Lã Thái hậu. Từ khi vào cung, Đậu Y Phòng mất liên lạc với người nhà.
Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời, Lã hậu trở thành Lã thái hậu nắm quyền nhiếp chính, quyền lực hơn người. Vì muốn lấy lòng các vương hầu, Lã hậu quyết định tặng các mỹ nữ cho các vương gia. Đậu Y Phòng nghe được tin này nên lấy hết tiền tiết kiệm của mình để mua chuộc thái giám. Cô hy vọng được đến nước Triệu để có thể tìm kiếm người thân.
Tên thái giám nhận tiền của Đậu Y Phòng không để tâm làm việc. Hắn đã ghi nhầm nước Triệu thành nước Đại khi soạn văn thư nên Đậu Y Phòng được đưa đến nước Đại xa xôi. Không thể kháng lệnh, Đậu Y Phòng đành chấp nhận số phận. Thế nhưng, sự cố này lại khiến cuộc đời cô thay đổi hoàn toàn.
Sau khi đến nước Đại, Đậu Y Phòng lại trở thành thiếp của đại vương Lưu Hằng - con trai thứ 4 của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Nhờ xinh đẹp, hiền thục, hiểu biết lễ nghĩa, Đậu Y Phòng càng ngày càng được Lưu Hằng yêu thương. Sau đó, bà hạ sinh cho Đại vương Lưu Hằng 1 con gái Lưu Phiêu và 2 con trai Lưu Khải, Lưu Vũ.
Cảnh trong fim về hoàng hậu Đậu Y Phòng. Đậu Y Phòng có sức ảnh hưởng rất lớn tới 2 đời vua là Hán Cảnh Đế và Hán Vũ Đế. (Ảnh minh họa: Sohu)
Sau khi Lã Thái hậu mất, các đại thần nổi dậy, trừ khử toàn bộ gia tộc họ Lã và phế truất Hán Hậu Thiếu Đế, cháu của Lã Thái hậu. Đất nước không thể không có Hoàng đế, do đó, các đại thần quyết định lập Đại vương Lưu Hằng lên ngôi vị, trở thành Hán Văn Đế.
Thời điểm Lưu Hằng đăng cơ, vị trí chính cung của ông vẫn còn trống, do đó không có Hoàng hậu. Một năm sau, Hán Văn Đế Lưu Hằng lập Lưu Khải thành thái tử. Vài tháng sau, Đậu Y Phòng trở thành Hoàng hậu Đại Hán, con gái Lưu Phiêu được sắc phong thành Quán Đào công chúa, con trai thứ Lưu Vũ được phong thành Đại vương, sau đổi thành Lương vương.
Năm 157 TCN, Hán Văn Đế Lưu Hằng qua đời, Thái tử Lưu Khải kế vị, tức Hán Cảnh Đế. Thời đại của Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế được hậu nhân gọi là Văn Cảnh chi trị, quốc gia có được sự thịnh vượng, người dân sống ấm no.
Năm 141 TCN, Hán Cảnh Đế Lưu Khải băng hà, thọ 47 tuổi, thái tử Lưu Triệt lên nối ngôi, tức là Hán Vũ Đế, Đậu thái hậu được tôn là thái hoàng thái hậu. Lúc này do Hán Vũ Đế Lưu Triệt còn trẻ tuổi, nên Đậu thái hậu tích cực can dự vào chính sự. Đậu thái hậu có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết sách chính trị của Hán Vũ Đế - hoàng đế được đánh giá là tài ba, đã làm nhiều việc củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài. Dưới thời trị vì của Hán Vũ Đế, nhà Hán có những phát triển lớn về chính trị và quân đội.