Từ Hi Thái hậu (1835-1908) từ nhỏ đã vào cung làm phi cho vua Hàm Phong. Năm 1856, bà sinh cho Hàm Phong Đế một con trai là Đồng Trị, người sau này lên ngôi hoàng đế Trung Hoa. Dù 109 năm sau cái chết của "lão phật gia" Từ Hi Thái hậu, người cai trị Trung Quốc gần 5 thập kỷ trong triều đại nhà Thanh (1644-1911), các học giả vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về vai trò của bà.
Từ Hi Thái hậu trong ảnh chụp năm 1903. Bà búi kiểu tóc phổ biến trong triều Thanh khi đó, có tên Lưỡng Bả Đầu, tóc được chia đều và búi sang hai bên. (Ảnh: SCMP)
Từ Hi Thái hậu bị chỉ trích vì lối sống xa hoa, hưởng đặc quyền hoàng gia trong hoàn cảnh dân chúng khốn khổ. Tuy nhiên, sau khi nắm quyền triều chính, bà tích cực ủng hộ Phong trào Tự cường - giai đoạn cải cách kinh tế và quân sự giúp Trung Quốc biến chuyển từ một xã hội phong kiến lạc hậu sang quốc gia hiện đại hơn trên vũ đài thế giới.
Các nhà sử học trong và ngoài Trung Quốc vẫn đang tranh luận về công và tội của bà. Một số mô tả bà là người tàn nhẫn, chuyên quyền, đổ lỗi cho bà về sự kết thúc của triều Thanh, số khác lại đề cao những thay đổi và cải cách do bà thực hiện.
Thích ăn diện
Từ Hi Thái hậu nổi tiếng là người thích ăn diện và chụp ảnh. Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh vẫn lưu giữ hơn 100 ảnh chụp của bà diện hơn 30 bộ váy áo lộng lẫy bằng lụa đính ngọc trai cao cấp. Trên người bà đeo đồ trang sức, ngọc bích. Dụng cụ làm tóc của bà có tới 25 món, dùng để uốn và chải nhiều kiểu khác nhau. Tóc bà thường cài hoa và trâm vàng.
Bộ dụng cụ lam tóc 25 món của Từ Hi Thái hậu. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung)
Di chuyển bằng đường sắt riêng
Để giành được sự ủng hộ của bà trong việc phát triển mạng lưới đường sắt của đất nước, đại thần Lý Hồng Chương đề nghị xây dựng một tuyến đường sắt dành riêng cho hoàng gia ở vườn Tây Uyển phía tây Tử Cấm Thành.
Tây Uyển bao gồm cả Bắc Hải và Trung Nam Hải, nơi ở chính của Từ Hi Thái hậu sau năm 1888.
Tuyến đường sắt hoàng gia đầu tiên ở Trung Quốc khởi công năm 1886, hoàn thành năm 1888. Tuyến đường dài 1.510 mét, bắt đầu từ gần Nghi Loan Điện, nơi ở của bà Từ Hi ở Trung Nam Hải và chạy thẳng tới nơi tổ chức yến tiệc Tĩnh Tâm Trai ở Bắc Hải.
Tuyến đường có một trạm dừng ở giữa, tại Tử Quang Các. Sau này, tuyến đường có tên Đường sắt Tử Quang Các.
Để làm nổi bật quyền uy, Từ Hi Thái hậu còn cho trang trí rèm toa xe của mình và Hoàng đế Quang Tự (con của em gái Từ Hi Thái hậu) màu vàng, còn màu đỏ và màu xanh dành cho hoàng thân và quan lại.
Không may là tuyến đường sắt này đã bị quân đội các nước phương Tây phá hủy trong cuộc chiến tranh năm 1900.
Đường sắt chạy qua Tử Quang Các. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung)
Mỗi bữa dùng 120 món
Ngoài Ngự Thiện Phòng chuyên phục vụ cho phi tần của hoàng đế, Từ Hi Thái hậu cho xây nhà bếp riêng trong Tử Cấm Thành, gọi là Bếp Tây. Bếp Tây phân thành 5 phòng, chuyên làm các món mặn, chay, cơm - bánh bao - mì, điểm tâm và bánh ngọt.
Đầu bếp ở Bếp Tây biết làm hơn 400 loại bánh, 4.000 món ăn khác nhau, trong đó có các món quý hiếm như yến sào, vi cá, tay gấu.
Theo cuốn Từ Hi Thái hậu của tác giả Từ Triệt, học giả kiêm chuyên gia nghiên cứu về triều Thanh, mỗi bữa Từ Hi Thái hậu được phục vụ 120 món khác nhau. Tuy nhiên, bà chỉ ăn vài món, mỗi món một đến hai miếng vì sợ bị đầu độc.
Từ Hi Thái hậu còn ban thức ăn thừa cho các phi tần, quan lại và thái giám, những người coi đây là một vinh dự.
Từ Triệt cho biết, chuyện bà ăn 150.000 quả táo mỗi năm, tức hơn 400 quả một ngày, là không chính xác. Thực tế, bà không ăn táo, mà chỉ thích ngửi mùi táo. Bà cũng thích ngửi mùi nhiều loại hoa quả khác như lê và đào. Khi trái cây mất mùi, quả mới sẽ được dâng lên.
Phục dựng bữa ăn của Từ Hi Thái Hậu. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung)
Chó cưng có nô tài hầu hạ
Nuôi chó cảnh là thú chơi phổ biến trong cung cấm nhà Thanh. Trong cuốn Thanh Cung Nhị Niên Ký (ký sự hai năm trong cung đình nhà Thanh), Công chúa Dụ Đức Linh (Der Ling), con gái một quý tộc Mãn Châu và là một trong 8 nữ quan của Từ Hi Thái hậu, cho biết bà Từ Hi nuôi hơn 20 con chó và đặc biệt thích một con giống Bắc Kinh.
Thay vì nhốt chúng trong chuồng, Từ Hi Thái hậu cho chó ở trong ngôi nhà lớn làm bằng tre, có 4 thái giám hầu hạ. Mỗi năm chúng được cung cấp quần áo làm từ tơ lụa thêu hoa cúc, hải đường bằng chỉ vàng.
Quần áo dành cho chó cưng của Từ Hi Thái Hậu. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung)
Mai táng cùng trang sức và đồ xa xỉ
Từ Hi Thái hậu qua đời trong Nghi Loan Điện vào ngày 15/11/1908, một ngày sau khi Quang Tự Đế chết. Lễ tang của bà được tổ chức linh đình với nhiều hoạt động liên tục trong 12 tháng.
Theo một bài báo xuất bản năm 2002, bà được chôn cùng lượng trang sức và đồ xa xỉ trị giá 1,2 triệu lạng bạc. Một hoạt động tiêu biểu trong lễ tang là đốt thuyền vàng mã khổng lồ ngày 30/8/1909.
Con thuyền dài 72 mét, rộng 7 mét, làm từ gỗ quý, phủ vải lụa đắt tiền. Thuyền chở đầy vàng mã mô phỏng tháp, cung điện, chùa chiền, người hầu mặc quần áo làm từ vải thật.
Thuyền đưa tiễn Từ Hi Thái hậu về bên kia thế giới. (Ảnh: Bảo tàng Cố Cung)
Thuyền được hóa gần cổng Tây của Tử Cấm Thành, trong buổi lễ cầu nguyện cho Từ Hi Thái hậu có cuộc sống sung sướng ở bên kia thế giới.
Bà được an táng trong Thanh Đông Lăng, quần thể lăng tẩm chôn cất hoàng đế, hoàng hậu và phi tần triều đại Mãn Thanh thuộc tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh. Năm 1928, phần mộ của bà bị lãnh chúa Tôn Điện Anh và quân đội cướp phá.