Năm 2023 mang đến những cảm xúc trái chiều cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Lần đầu tiên đoàn Việt Nam đứng đầu ở một kỳ SEA Games không diễn ra trên sân nhà nhưng khi bước ra sân chơi châu lục chỉ vài tháng sau đó, chúng ta lại đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines.
Sự đối lập của thành công trong khu vực và thất bại tầm châu lục là điều khiến các nhà quản lý thể thao phải trăn trở. Trong cuộc phỏng vấn với Báo điện tử VTC News, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao chia sẻ những tâm tư về bài toán làm thế nào để thể thao Việt Nam vươn tầm.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt
- Thể thao Việt Nam trải qua năm 2023 với nhiều cung bậc cảm xúc. Trên quan điểm “tư lệnh ngành”, ông đánh giá như thế nào về thành tích của thể thao Việt Nam năm qua?
Về mặt thành tích, thể thao Việt Nam có được thành tích tốt tại SEA Games 32 tại Campuchia. Đoàn thể thao Việt Nam có được 136 HCV, 115 HCB và 118 HCĐ và xếp ngôi đầu toàn đoàn.
Chúng ta đã có những bước tiến đáng ghi nhận về thành tích. Từ việc khó khăn khi tìm kiếm dù chỉ là 1 HCV SEA Games nhiều năm về trước, giờ đây thể thao Việt Nam luôn duy trì thành tích nằm trong top 3 khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thiếu sót.
Tại ASIAD 19, chúng ta chỉ đạt 3 HCV, không đạt được mốc thành tích tối đa là 5 HCV. Có nhiều điều tiếc nuối, ví dụ trường hợp của Nguyễn Thị Thật. VĐV này được đầu tư trọng điểm nhưng không may mắn gặp chấn thương, chỉ tập luyện trở lại trước giải trong vòng 2 tháng. Nguyễn Thị Thật có khả năng giành HCV, nhưng thực tế thì thành tích của cô cũng chỉ kém mốc giành huy chương vài phần trăm giây.
Ngoài ra, tôi cũng rất buồn khi có một vài con sâu làm rầu nồi canh, ảnh hưởng đến thể thao Việt Nam.
- Trong năm 2024, mục tiêu của thể thao Việt Nam là gì, thưa ông?
Thứ nhất, đây là năm chuẩn bị cho thay đổi về luật thể thao, có nhiều bất cập cần được giải quyết. Những quy định hiện tại không còn đáp ứng được mức độ phát triển của thể thao Việt Nam hiện nay. Chúng tôi rà soát, chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung về luật.
Thứ hai là mục tiêu về chuyển đổi số. Cần áp dụng công nghệ trong công tác về quản lý thể thao với thành tích cao, các hoạt động tập luyện, xếp hạng VĐV, HLV. Hiện nay, công tác này với thể thao Việt Nam còn rất thủ công. Đây là xu thế chung của quốc gia, ngành thể thao cần tập trung để chuyển đổi số.
Thứ ba là thành tích vể thể thao. Năm 2024 có Olympic Paris và đại hội võ thuật trong nhà châu Á. Đối với Olympic, thể thao Việt Nam tập trung trọng điểm 12 môn thể thao, cố gắng giành 12-15 suất dự giải, cố gắng giành huy chương tại Olympic.
Đoàn thể thao Việt Nam chỉ giành được 3 huy chương vàng ở ASIAD 19.
- Năm 2024, chúng ta có Olympic. Tuy nhiên, đây vẫn là giải đấu quá sức với thể thao Việt Nam. Chúng ta kỳ vọng gì ở Thế vận hội lần này?
Thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đánh giá Olympic là đấu trường rất khắc nghiệt. Chúng ta mới chỉ đặt mục tiêu giành 12-15 suất dự Olympic, trong đó tập trung vào bắn súng. Môn thể thao này mang theo hy vọng lớn để giành huy chương.
Trước đây, thể thao Việt Nam giành huy chương ở môn cử tạ. Ngành thể thao đầu tư nhiều cho môn này. Đến các kì Olympic gần đây, hạng cân thế mạnh của Việt Nam là 56kg nam đã bị bỏ. Các VĐV hạng 56kg bị đôn lên thi đấu ở hạng 61kg. Đây là bất lợi lớn khi chúng ta đã tập trung đầu tư cho vài chu kì, nhưng rất tiếc lợi thế này không còn.
- Thể thao Việt Nam đã duy trì sự ổn định tại Đông Nam Á. Bước tiếp theo là ASIAD và Olympic. Thể thao Việt Nam đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển dịch này?
Thành tích của chúng ta đang ổn định tại Đông Nam Á, nhưng cần rất nhiều thời gian để vươn tầm châu lục và thế giới. Thứ nhất, chúng ta cần thay đổi về chính sách cho VĐV về tiền thưởng, chế độ, kể cả là giai đoạn sau khi giải nghệ. Những ai có thành tích tại ASIAD và Olympic thì sẽ không phải lo về cuộc sống.
Tất cả đang vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể thao không năm ngoài vấn đề này. Những người có tài năng đặc biệt, không những về thể thao thì họ thường có thể lựa chọn các ngành nghề khác.
Tôi từng huấn luyện đội bóng rổ trẻ ở TP.HCM. Giờ chỉ còn Triệu Hán Minh thi đấu chuyên nghiệp. Có bạn đi du học, người học Bách khoa, người học kiến trúc. Trong số trụ cột có bạn Thành Công, giờ đã là nhà thiết kế nổi tiếng. Họ có tài năng nhưng đều chuyển dịch ngành nghề khác, bởi sau thể thao, các em sẽ phải bắt đầu lại một cuộc sống mới.
Thứ hai, ngành thể thao cần thu hút tài năng về mặt khoa học, không thể chỉ chờ vào các HLV. Nếu không, chúng ta phải đối đầu với cả một bộ máy huấn luyện của đối thủ.
Thứ ba, cơ sở vật chất là vấn đề khó khăn. Làm sao đảm bảo cơ sở vật chất để VĐV tập luyện ở tiêu chuẩn Olympic là chuyện rất khó để đáp ứng với cả các tỉnh thành.
Về góc độ ngắn hạn, thể thao Việt Nam cần chú ý thu hút nguồn nhân lực từ VĐV Việt kiều. Kế đến, cần tận dụng các điều kiện cơ sở vật chất có sẵn để tập trung nguồn lực. Hiện nay, cần tập trung trọng điểm vào một số môn để có thành tích tốt. Chúng tôi đang có một số giải pháp để VĐV đạt thành tích trong thời gian ngắn nhất.
Thể thao Việt Nam có bước tiến ổn định tại Đông Nam Á, nhưng cần rất nhiều thời gian để vươn tầm châu lục và thế giới.
- Vậy sự chuyển dịch về định hướng đầu tư của thể thao Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
Thành tích tại SEA Games là tốt nhưng VĐV chưa phải những người giỏi nhất mà thể thao Việt Nam có thể có được. Những người giỏi nhất đang có sự chuyển dịch sang ngành nghề khác. Làm sao biến huy chương SEA Games thành huy chương Olympic là bài toán lớn.
Hiện tại, tuổi của VĐV giành HCV SEA Games khá cao, những huy chương ấy cần rơi vào VĐV trẻ tuổi hơn. Với các môn thể thao Olympic, VĐV cần có thành tích từ sớm. SEA Games chỉ là đại hội đánh giá sự phát triển của VĐV, nằm trong hệ thống SEA Games – ASIAD – Olympic.
Hiện tại, thành tích giành HCV SEA Games của VĐV vẫn còn hạn chế so với châu lục. Trước đây, ở nội dung 100 mét nữ có Tú Chinh. Cô có thành tích ở mức 11 giây 06, nhưng bây giờ VĐV của Singapore ổn định ở mức 11 giây 02. VĐV Thái Lan còn ở ngưỡng 10 giây, Trung Quốc còn hơn thế nữa.
Ngay cả Nguyễn Thị Huyền cũng không thể vượt lên ở đấu trường châu Á. Đây là khó khăn thực tế. Với các môn chưa có suất dự Olympic, thử thách này không dễ vượt qua dù có HCV Đông Nam Á.
Với các môn như bắn súng, bắn cung, chúng ta có khả năng đạt huy chương. Các môn này yêu cầu sức ép tâm lý lớn, chúng ta có hy vọng 2-3 người đạt HCV ASIAD như Minh Thành, Thu Vinh. Nhiều người nhắc đến Quang Huy, rõ ràng là cậu ấy có khả năng làm được điều này, cậu ấy có HCV SEA Games và được đánh giá đúng.
Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam có 50% số HCV đạt được đến từ các môn Olympic, nhưng thành tích còn cách xa đấu trường châu lục. Chúng ta cần tìm các nguồn lực trẻ hơn, đầu tư cho họ để làm sao có được thành tích tốt nhất.
- Xin phép kết lại bằng hành động của Cục trưởng khi ASIAD 19 kết thúc. Ông đưa ra lời xin lỗi dù đoàn thể thao Việt Nam đã đạt mục tiêu đề ra. Lời xin lỗi ấy có ý nghĩa gì?
Đoàn thể thao Việt Nam đạt mục tiêu nhưng chưa được như kì vọng, mong đợi. Lời xin lỗi này từ đáy lòng của tôi, không phải lời xã giao. Bản thân tôi cũng là vận động viên, thi đấu nhiều lần ở đấu trường Đông Nam Á, cũng từng thắng và thua, nhưng thua nhiều hơn.
Là người Việt Nam, cống hiến cho ngành thể thao, tôi xin dùng từ xấu hổ sau mỗi lần thất bại. Chúng tôi nỗ lực bằng nhiều cách để thắng được đối thủ. Ví dụ, khi đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 giành huy chương, tôi chảy nước mắt vì các em làm được việc mà chúng tôi nung nấu bao nhiêu năm qua. Chúng tôi muốn đánh bại đối thủ bằng nỗ lực, trí tuệ của mình. Các em đã làm được điều đó thay mình, những người làm bóng rổ thế hệ chúng tôi.
Ở đấu trường ASIAD, chúng tôi cảm thấy vẫn thua kém các đối thủ. Điều đó có nghĩa là thể thao Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
- Cảm ơn những chia sẻ của Cục trưởng.