Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ với VTC News như trên về các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng không trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến nghiêm trọng.
“Ngành hàng không ngày càng bị ảnh hưởng nặng hơn bởi dịch. Các doanh nghiệp lớn đã lập ban ứng phó khẩn cấp hàng ngày họp đánh giá thiệt hại và giải pháp ứng phó. Cục Hàng không cũng xây dựng các kịch bản cho thị trường và đưa ra giải pháp điều tiết cũng như kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng”, ông Thắng nói.
Ông Đinh Việt Thắng cho biết Cục Hàng không đang áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Theo ông Thắng, để khôi phục thị trường, Cục Hàng không chỉ đạo các hãng hàng không tiếp tục nghiên cứu thị trường mới, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để mở lại chuyến bay sau khi dịch bệnh chấm dứt. Ngoài ra, các đơn vị cung ứng dịch vụ cũng đang lên phương án giảm chi phí cho các hãng bay.
“Đối với các nhà cung ứng dịch vụ lớn như Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, chúng tôi đã lên phương án báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải xin phép giảm giá điều hành bay, cất hạ cánh”, Cục trưởng Hàng không nói.
Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho các hãng hàng không để giúp đỡ các đơn vị này giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Cục Hàng không, các doanh nghiệp cũng cần có tâm thế chủ động khắc phục khó khăn, tự "cứu" mình trước, tích cực tìm kiếm thị trường thay thế. Cụ thể, hãng bay cần đàm phán với các hãng cho thuê máy bay, theo hướng giảm bớt tàu bay thuê, thậm chí trả lại tàu bay đã thuê trong giai đoạn khó khăn này.
Đồng thời, làm việc với các nhà sản xuất máy bay tạm hoãn lịch bàn giao máy bay. Do thời điểm này đang dư thừa máy bay, nếu nhận về cũng chưa khai thác được mà còn gánh thêm chi phí khác.
Theo tính toán của Cục Hàng không, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường hàng không của Việt Nam sẽ đạt 67 triệu hành khách, giảm 15% so với năm 2019.
Trường hợp xấu hơn, nếu dịch được kiểm soát trước tháng 6/2019, có tính đến việc hủy toàn bộ chuyến bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thì tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019.
Do đó, Cục Hàng không nhận định, diễn biến phức tạp của dịch có thể tác động làm ảnh hưởng doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng trong năm 2020. Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến doanh thu giảm 12.500 tỉ đồng, Jetstar Pacific dự kiến giảm thu nhập khoảng 732, 8 tỷ đồng.
Vietjet Air, Bamboo Airways tuy là hãng hàng không tư nhân nhưng cũng đều bị ảnh hưởng. Trong đó, Vietjet bị ảnh hưởng tương đương Vietnam Airlines. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, Vietjet bị ảnh hưởng nặng hơn Vietnam Airlines.
Giảm doanh thu, doanh nghiệp vẫn "gồng mình" gánh thuế, phí
Theo ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines, để đảm bảo các chuyến bay được vận hành trong giai đoạn khốc liệt này, Cục Hàng không cần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giảm 50% giá dịch vụ điều hành bay cho các hãng hàng không đối với các chuyến bay đi, đến nội địa.
Đồng thời báo cáo Bộ Tài chính việc tái cơ cấu thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu bay, thuế bảo vệ môi trường, cũng như giãn thời gian nộp thuế, đóng góp ngân sách trong bối cảnh sản xuất kinh doanh bị suy giảm và thiệt hại nặng nề.
Đại diện một hãng hàng không cho biết thuế nhiên liệu bay có 2 loại là thuế nhập khẩu xăng dầu 7% và thuế môi trường 3.000 đồng/lít. Với giá nhiên liệu JetA1 hiện nay dao động 18-19 triệu đồng/tấn, nhiên liệu chiếm khoảng 37% trong tổng chi phí hàng không. Do đó nếu giảm được thuế, phí xăng dầu khoảng vài phần trăm thôi cũng tiết kiệm được cho hãng hàng không rất nhiều.