Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giải cứu hàng không trong cơn khủng hoảng Covid-19: 'Cần gấp rút giảm thuế, phí'

(VTC News) -

Doanh nghiệp và giới chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có các giải pháp để “cấp cứu” ngành hàng không vốn đang điêu đứng vì Covid-19.

“Gồng mình” trước đại dịch

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, tích lũy trong 4 – 5 năm qua của doanh nghiệp này đã quay về con số 0 bởi dịch Covid-19. “Dịch bùng phát tại Hàn Quốc, Italy khiến tình hình căng thẳng hơn, khách bỏ chỗ nhiều”, ông Thành chia sẻ tại cuộc họp đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước mới đây.

Các hãng hàng không Việt Nam nguy cơ giảm doanh thu 25.000 tỷ đồng trong năm 2020 vì Covid-19.

Ông Thành nói thêm, Vietnam Airlines phải đàm phán với nhiều lao động, đặc biệt người nước ngoài để họ nghỉ không lương trong một thời gian: “Trước mắt, phi công nước ngoài nghỉ không lương 3 tuần. Phi công người Việt cũng được bố trí nghỉ 10 ngày đến 2 tuần. Cùng với đó, lương lãnh đạo bị giảm 40%”.

Trả lời VTC News, lãnh đạo Bamboo Airways cho hay, hãng cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố virus vì nhu cầu đi du lịch giảm. “Nhiều đường bay Bamboo Airways đã bị giảm số chuyến hoặc dừng tạm thời vì Covid-19”, đại diện hãng bay cho biết.

Trong khi đó, việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…khiến Vietjet chịu ảnh hưởng nặng nề. “Vietjet bị ảnh hưởng tương đương Vietnam Airlines. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, Vietjet bị ảnh hưởng nặng hơn Vietnam Airlines”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Theo Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh doanh số từ cuối 1/2020. Hiện tại, các hãng hàng không đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay cả quốc tế lẫn nội địa. Doanh thu các hãng hàng không trong nước năm nay ước giảm khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến giảm 12.500 tỷ đồng, Jetstar Pacific dự kiến giảm 732,8 tỷ đồng.

Tính toán của Cục Hàng không cho thấy, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với 2019. Trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ).

Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách, giảm 22,6% so với 2019. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế, giảm 41,2% và 35,3 triệu khách nội địa, giảm 5,5%.

“Sốt vó” vì thuế, phí

Theo ông Dương Trí Thành, để đảm bảo các chuyến bay được vận hành trong giai đoạn khốc liệt này, Cục Hàng không cần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giảm 50% giá dịch vụ điều hành bay cho các hãng hàng không đối với chuyến bay đi, đến nội địa.

Video: Covid-19 hoành hành, hãng hàng không Emirates cho nhân viên nghỉ 1 tháng không lương

Đồng thời báo cáo Bộ Tài chính việc tái cơ cấu thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu bay, thuế bảo vệ môi trường, cũng như giãn thời gian nộp thuế, đóng góp ngân sách trong bối cảnh sản xuất kinh doanh bị suy giảm và thiệt hại nặng nề.

Đại diện một hãng hàng không cho biết thuế nhiên liệu bay có 2 loại là thuế nhập khẩu xăng dầu 7% và thuế môi trường 3.000 đồng/lít. Với giá nhiên liệu JetA1 hiện nay dao động 18-19 triệu đồng/tấn, nhiên liệu chiếm khoảng 37% trong tổng chi phí hàng không. Do đó nếu giảm được thuế, phí xăng dầu khoảng vài phần trăm thôi cũng tiết kiệm được cho hãng hàng không rất nhiều.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, dịch bệnh đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng. Chính phủ cần có cơ chế chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không. “Doanh nghiệp hàng không đang chịu rất nhiều thuế, phí. Chính phủ có thể cân nhắc việc giảm hoặc miễn thuế để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, ông Long nói.

Chung quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là hỗ trợ về thuế. “Tài khóa ngân sách của Chính phủ đang bị ảnh hưởng, nguồn thu sụt giảm trong những tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, chính sách tài khóa và tiền tệ cần phải được điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Vũ Thế Phiệt cho biết ACV sẽ cùng họp bàn với các hãng hàng không trong việc chia sẻ một số chi phí trong điều kiện cho phép để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn này.

Ông Phiệt cũng đề xuất Cục hàng không nhanh chóng ban hành những chính sách mới, tạo điều kiện tái cơ cấu mạng bay để kích cầu và khuyến khích đường bay mới, an toàn, không lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục Hàng không đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng như áp dụng chính sách giảm 50% giờ cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi đến đối với các chuyến bay nội địa, thời gian dự kiến từ 1/3- 31/5/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Đồng thời, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng. Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn, thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Và cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế cũng như các khoản đóng góp ngân sách.

“Việc áp dụng chính sách hỗ trợ giảm giá dịch vụ hàng không cho các chuyến bay nội địa và miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt một phần gánh nặng chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo Cục Hàng không nói.

H.Bình

Tin mới