Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cú chết hụt trên cung đường trek đẹp nhất Việt Nam

(VTC News) -

Ẩn sau nét hiền hòa thơ mộng với những thảm cỏ xanh mướt bạt ngàn là một Tà Năng – Phan Dũng “rừng thiêng nước độc” nhưng vẫn quyến rũ mê hoặc lòng người.

Sau chuyến leo Fansipan năm 2015 – chuyến trekking khổ hạnh đầu tiên trong đời, tôi từng thầm nhủ sẽ không bao giờ đâm đầu vào cuộc hành xác nào nữa. Thế nhưng “cuộc sống đâu lường trước điều gì”. Hai năm sau, vô tình “chạm mặt” Tà Năng – Phan Dũng qua một tít báo, tôi lập tức bị thu hút bởi cái tên lạ cùng hình ảnh đồi cỏ xanh choáng ngợp.

Thời điểm đó đã qua mùa cỏ cháy, không muốn bỏ lỡ luôn mùa cỏ xanh nơi đây, cuối tháng 9/2017, tôi cùng cô bạn cạ cứng quyết định lên đường.

Mục sở thị cung đường trek đẹp nhất Việt Nam

Tự ý thức mình chỉ là “tay mơ” trong bộ môn trekking đòi hỏi nhiều kỹ năng và bản lĩnh, chúng tôi lựa chọn tham gia tour khám phá Tà Năng 3 ngày 2 đêm của một công ty lữ hành uy tín. Hành trình dài hơn 50km bắt đầu từ xã Tà Năng (Lâm Đồng) và kết thúc tại xã Phan Dũng (Bình Thuận), đi qua nút giao ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Tương ứng với mùa mưa và mùa khô của Tây Nguyên, Tà Năng cũng có hai mùa: cỏ xanh và cỏ cháy. Mỗi mùa đều sở hữu vẻ đẹp riêng khó có thể so sánh. Nếu Tà Năng mùa cỏ xanh dịu dàng, mơn mởn như cô gái đang độ xuân thì, thì Tà Năng mùa cỏ cháy lại hoang dại, phong trần như chàng trai miền sơn cước.

Đỉnh đồi đầu tiên chúng tôi dừng chân. (Ảnh: Phong Linh).

Đón chúng tôi là Trăng và Sinh, hai chàng guide trẻ mỗi người một vẻ. Trăng là người dẫn đường, bằng tuổi tôi. Cậu gây ấn tượng với nước da ngăm nhuốm màu nắng gió cao nguyên, dáng cao gầy nhưng rắn rỏi, nét mặt hơi toát vẻ lạnh lùng đối nghịch với nụ cười má lúm cực duyên. Trong bộ đồ rằn ri, Trăng không khác nào soái ca quân nhân trong bộ phim gây sốt châu Á trước đó không lâu “Hậu duệ Mặt trời”.

Sinh kém tôi hai tuổi, cao ráo, khôi ngô và có nét thư sinh. Cậu vui tính dễ gần, vừa phụ Trăng dẫn đường, vừa kiêm luôn nhiếp ảnh gia trong đoàn. Ngoài ra còn anh Tuấn – đậm chất dân phượt, thích đội mũ cao bồi và rất yêu ngựa, cùng một số anh em porter – những người lo việc hậu cần như vận chuyển đồ, dựng trại, nấu ăn.

Anh Tuấn “cao bồi” và chàng Trăng “Hậu duệ mặt trời”. (Ảnh: Phong Linh).

Ngày đầu tiên khởi động khá nhẹ nhàng êm ả. Buổi sáng mưa nhỏ và âm u, cơn mưa lớn đêm hôm trước khiến đường đất thêm lầy lội khó đi nhưng bù lại là khung cảnh đồng quê thanh bình với ruộng lúa, vườn chuối, rừng thông và những thảm cỏ lác đác sương sớm.

Tạm biệt đoạn địa hình bằng phẳng, chúng tôi bắt đầu làm quen với những con dốc. Rút kinh nghiệm từ chuyến leo Fan ác mộng, tôi dành hẳn hai tuần để rèn thể lực cho chuyến trekking thứ hai. Dẫu vậy, những con dốc cao dài tít tắp vẫn khiến tôi thở không ra hơi vì mệt.

Đoạn đường đầu hành trình lầy lội khó đi. (Ảnh: Sinh).

Gần trưa, những vạt nắng đầu tiên xuất hiện, trời xanh hơn và những đồi cỏ mướt mát dần trải ra trước mắt. Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi dừng chân tại đỉnh đồi đầu tiên. Tôi nhận ra nơi này ngay lập tức bởi trước mắt tôi đây chính là khung cảnh trong bức ảnh khiến tôi “phải lòng” Tà Năng từ cái nhìn đầu tiên.

Chỉ đến khi tận mục sở thị, tôi mới hiểu vì sao Tà Năng được dân phượt ưu ái gọi là cung đường trek đẹp nhất đất nước. Những quả đồi thoai thoải trập trùng bao phủ một màu xanh bạt ngàn mát mắt đang tắm trong ánh nắng vàng như rót mật.

Tôi vội lôi máy ảnh kỹ thuật số ra chụp nhưng mau chóng nhận ra sắc xanh đặc biệt ấy không máy ảnh cơ học nào có thể lột tả hết. Tôi và cô bạn quyết định ngồi bệt xuống cỏ, cố lưu giữ cảnh tượng thần tiên này bằng đôi mắt – máy ảnh tinh vi nhất mà tạo hóa ban tặng.

Đồi cỏ thoai thoải tiếp giáp nền trời. (Ảnh: Sinh).

Sau khoảng 30 phút dừng chân, chúng tôi tiếp tục băng qua con đường đất đỏ bazan vắt ngang triền đồi để tới điểm cao nhất hành trình – cách 1.701m so với mực nước biển, nơi đặt mốc tam giác đánh dấu nút giao ba tỉnh. Đứng từ đây có thể thu vào tầm mắt sự trùng điệp hùng vĩ của núi đồi, thả mình trong không gian lộng gió chiều tà và hít đầy lồng ngực bầu không khí thanh mát của đại ngàn.

Cảnh núi đồi hùng vĩ nơi đặt đỉnh tam giác – nút giao 3 tỉnh. (Ảnh: Sinh).

Điểm hạ trại đầu tiên nằm ngay dưới chân cột mốc, ai nấy đều háo hức khi Sinh giới thiệu đây là nơi đón bình minh và hoàng hôn đẹp nhất hành trình. Khi chúng tôi tới nơi, lều đã dựng, bếp đã nổi lửa nghi ngút khói, mùi thịt gà, thịt lợn nướng thơm nức đánh thức dạ dày và vị giác của những con người thấm mệt sau một ngày băng rừng.

Nhóm lửa nướng thịt cho bữa tối đầu tiên. (Ảnh: Huyền Mini).

Buổi tối, ăn uống no say xong, chúng tôi trở về lều nghỉ ngơi. Bạn cùng lều của chúng tôi là hai cô bạn đến từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Bốn chúng tôi không ngủ luôn mà ngồi quây tròn, kể cho nhau đủ thứ trên đời. Có lẽ chỉ đến khi wifi và sóng điện thoại trở thành thứ xa xỉ, những người trẻ như chúng tôi mới thực sự buông hết các thiết bị công nghệ xuống để trò chuyện, lắng nghe nhau như thế.

“Hút chết” nơi rừng thiêng nước độc

Chúng tôi nạp năng lượng bằng mỳ tôm và cà phê sáng để lấy sức lội suối băng rừng ngày thứ hai. Với tôi, đây là ngày đáng nhớ nhất hành trình bởi nhiều thứ. Đầu tiên là “dốc Mẹ ơi”. Chẳng hề dễ thương như tên gọi, con dốc dài hàng trăm mét đổ xuống liên tục khiến người lữ khách chỉ muốn gào thét gọi “mẹ ơi” trong phút yếu lòng.

Chúng tôi phải bấu víu vào cây cỏ và mọi thứ có thể để giữ thăng bằng nếu không muốn ngã sấp mặt. Cô bạn tôi vốn là người leo dốc cừ khôi, vậy mà cũng phải “vồ ếch” ba lần đau điếng trên con dốc này.

Những con dốc đặc trưng ở Tà Năng. (Ảnh: Huyền Mini).

Vượt qua con dốc kinh hoàng, chúng tôi nghỉ ngơi ăn trưa tại một con suối lớn trước khi tiếp tục hành quân về điểm cắm trại thứ hai. Chiều hôm ấy, chúng tôi mới thấm thía cái thất thường của thời tiết mùa mưa Tây Nguyên. Phút trước hãy còn nắng chang chang mà phút sau, mây đen đã ùn ùn kéo đến, mưa xối xả như trút.

Đường đất trơn trượt khiến mọi người phải chật vật lắm mới về đến điểm hạ trại, lúc này mưa cũng vừa ngớt. Theo lịch trình, nếu trời không mưa, chúng tôi sẽ được dẫn đi tắm thác vào chiều hôm đó, nhưng cuối cùng phải dời lại vào sáng hôm sau và mọi người sẽ tắm tại con suối cạnh điểm hạ trại.

Dù nước đục ngầu do mới mưa lớn, chúng tôi vẫn thích thú ngâm mình sau hai ngày trek vất vả mà chưa được tắm. Tôi và cô bạn là hai người xuống suối cuối cùng. Để đôi dép lê trên một mỏm đá nhỏ, tôi vục đầu vào làn nước mát lạnh để gột sạch nắng gió bụi đường. Đột nhiên một chiếc dép trôi qua trước mặt, tôi ngoái đầu lại vừa lúc chiếc dép còn lại bị nước cuốn đi. Theo quán tính, tôi vươn tay định vớt dép nhưng không kịp, toàn thân loạng choạng mất thăng bằng. Tận lúc này, não tôi mới chịu “nảy số” để nhận ra dép trôi vì mỏm đá đã bị nuốt chửng, nước đang dâng rất nhanh.

Trong vòng vài giây, nước từ thượng nguồn đổ xuống ào ào như lũ, cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó. Tôi lồm cồm bò lên bờ nhưng nước quá xiết và bờ đất quá trơn. May thay, Sinh kịp nhận thức tình hình, chạy đến kéo tôi thoát khỏi con nước dữ. Nếu không có đôi dép “thần thánh” cảnh báo, và nếu Sinh đến muộn chỉ vài tích tắc thôi, có lẽ tôi đã bị cuốn đi và bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc.

Khúc suối “tử thần” hiền hòa trở lại vào sáng hôm sau. (Ảnh: Phong Linh).

Nếu hai ngày đầu là ngày của những con dốc và đồi cỏ xanh ngút ngàn, thì ngày thứ ba đích thị là ngày của những con suối. Đây cũng là ngày bào mòn thể lực nhất khi chúng tôi phải lội gần chục con suối và đi bộ đường dài dưới cái nắng như rang của Tây Nguyên.

Hầu hết nước suối chỉ cao lưng chừng gối, nhưng có khi nước chảy xiết đến độ Trăng phải vắt dây thừng từ bờ này sang bờ kia để làm điểm tựa và đích thân dẫn từng người một qua để đảm bảo an toàn.

Một con suối trên hành trình. (Ảnh: Huyền Mini).

Sau khi vượt qua con suối cuối cùng và tạm biệt đoạn đường có thảm thực vật phong phú cùng các cây cổ thụ râm mát, chúng tôi có hai lựa chọn: tiếp tục đi bộ về Phan Dũng hoặc bắt xe ôm nếu cảm thấy không đủ sức khỏe. Muốn chinh phục trọn vẹn cung đường, tôi và cô bạn quyết định đi tiếp.

Đoạn đường về Phan Dũng bằng phẳng nhưng nắng gắt không một bóng cây thật muốn khiến con người ta héo hon. Chúng tôi cứ vừa đi vừa nghỉ, cuối cùng cũng cán đích thành công dù thân xác mệt rã rời.

Ba ngày ngắn ngủi trôi qua, thiệt hại một đôi dép và “lãi thêm” vài vết cháy nắng, tôi đã đi hết các cung bậc cảm xúc, từ hào hứng phấn khích đến mỏi mệt muốn gục ngã, từ hoảng sợ hãi hùng đến thở phào nhẹ nhõm khi vừa “chết đi sống lại”.

Tà Năng – Phan Dũng cũng giúp tôi nhận ra một điều: tuyệt đối không chủ quan trên mọi cung đường, dù cung đường đó có vẻ dễ dàng hay bạn có am hiểu nó đến đâu. Cứ khát khao trải nghiệm, cứ mạo hiểm khám phá, nhưng hãy trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết, không gì quý giá bằng tính mạng và sự an toàn của bạn. Còn khỏe, còn sống mới còn có thể đi!

Một số hình ảnh khác của chuyến đi:

Tà Năng mùa cỏ xanh đẹp mơn mởn như cô gái đang độ xuân thì. (Ảnh: Phong Linh).

Sự hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên. (Ảnh: Sinh).

Phút nghỉ ngơi giữa hành trình. (Ảnh: Huyền Mini).

Đường hành quân về điểm cắm trại đầu tiên. (Ảnh: Sinh).

Cả đoàn tạo dáng chụp ảnh tập thể. (Ảnh: Sinh).

 Bình minh ở điểm cắm trại đầu tiên. (Ảnh: Huyền Mini).

Cây cầu bằng thân cây bắc qua suối. (Ảnh: Huyền Mini).

Hậu quả sau cú vồ ếch của một thành viên trong đoàn. (Ảnh: Sinh).

Người bản địa chạy xe máy băng băng trên các con dốc đất gồ ghề. (Ảnh: Huyền Mini).

Thác Yavly hùng vĩ. (Ảnh: Sinh).

PHONG LINH

Tin mới