Cực Tây có Đồn biên phòng 317, có ngã ba biên giới Việt – Lào - Trung. Chúng tôi chỉ có 3 ngày để chinh phục cực Tây. Và để dự trữ sức lực cho cung đường gần 300km từ thành phố Điện Biên lên A Pa Chải, đoàn buộc phải ký gửi xe máy xuống khoang đựng hàng của ô tô để đi từ Hà Nội lên thành phố Điện Biên.
Xe tới thành phố Điện Biên lúc 7h sáng, dỡ xe và lắp ráp lại là đoàn chúng tôi lên đường đi A Pa Chải luôn. Chỉ cần chậm lại phút nào, những khó khăn khôn lường có thể phát sinh phía trước khi bóng tối bao trùm.
Sớm Tây Bắc mơ màng!
Đường lên Tây Bắc uốn lượn trùng điệp đẹp đến nao lòng.
Chúng tôi gặp sự cố ngay khi vừa ra khỏi thành phố Điện Biên. Một chiếc xe trong đoàn bị thủng săm. Rất may, những kỹ năng ứng phó với sự cố này đã được chúng tôi thực hành thuần thục và nó chỉ làm chậm hành trình của chúng tôi khoảng 20 phút.
Đường từ thành phố Điện Biên lên thị trấn Mường Chà đẹp đến mơ màng. Dọc quốc lộ 12, chúng tôi uốn lượn trên những thân đèo mà phía dưới là những thung lũng lúa vàng nhịp nhàng phân bậc.
Điểm hai bên đường đi là những ngôi nhà sàn của người Thái có chỗ xôm tụ, nằm đều nhau tăm tắp, rộn ràng, có chỗ đơn lẻ cô độc chỉ một sợi khói bay lẫn vào sương sớm, đẹp đến nao nao.
Dòng Nậm Nương chảy từ phía Bắc xuống phía Nam Mường Chà có nhiều đoạn bám sát đường quốc lộ. Nậm Nương đang mùa cạn nước, trơ những bãi cát trắng trải dài. Ở những quãng nông, có những đoàn trâu lội sông sang bãi.
Sớm Tây Bắc bình yên se lạnh, len lỏi vào tận bên trong lồng ngực theo những tiếng hít hà rồi phả ra trên môi những làn khói mỏng tan.
Từ thị trấn Mường Chà, xe bẻ lái hướng về phía Tây, chậm rãi leo lên lưng chừng trời để rồi khi ngoảnh lại, phóng hết tầm mắt, cả thị trấn vừa đi qua như còn đang ngủ vùi trong sương.
Đường từ thị trấn Mường Chà lên Si Pha Thìn có chiều dài khoảng 40km. Đường gập cua liên tục, ăn theo những đỉnh đồi gối vào nhau nhịp nhàng như một bản Valse. Ở nhiều quãng, bắt gặp những thung lũng, những hồ nước phả bóng những ngôi nhà sàn rợp hoa bên thềm hiên. Đó lại là một bức họa nữa về buổi sớm Tây Bắc với những nét cọ trên lưng chừng trời, thực ảo đan xen.
Trưa long lanh mắt trẻ
Cung đường phượt khá khó khăn, thách thức nhưng cũng đẹp mê hồn nhất là vào tháng 11.
Rời Si Pha Thìn sau những cung đường được cho là đẹp nhất trên hành trình về A Pa Chải cũng là lúc đoàn chúng tôi bước vào những cung đường nguy hiểm nhất.
Đường từ Si Pha Thìn vào Mường Nhé đang trong giai đoạn thi công, vật liệu ngổn ngang, toàn đá. Đá thành hòn bi dê trượt mọi vật bám trên nó bất cứ lúc nào.
Xe của tôi trượt bánh ngay ở đoạn đổ đèo đầu tiên. Đá cày sướt hai đầu gối khiến máu tứa ra phải băng bó. Đá tiếp tục đánh trượt một xe khác khi chúng tôi tới gần Chà Nưa. Lúc ấy, mặt trời đã đứng bóng, còn mặt mũi chúng tôi lấm lem hết thảy.
Đoàn tấp vào một ngôi nhà ven đường để băng bó vết thương cho các “nạn nhân” mới. Đó cũng thời điểm đám trẻ từ cổng trường tiểu học bên kia đường ỏa ra khiến chúng tôi như quên đi những vết đau.
Cả đoàn không ai bảo ai đều mở ba lô lấy ra những túi kẹo, những tệp sách, những cuốn truyện tranh, lần lượt sang đường chia cho mỗi em nhỏ. Dù không nhiều, không đủ nhưng trước những nụ cười hồn nhiên, long lanh niềm vui sướng trên khuôn mặt của lũ trẻ, chúng tôi ai ai cũng lâng lâng cảm xúc.
“Sáng đi học cũng có các cô chú cho kẹo cháu rồi. Trưa về lại được nữa. Mai chắc cũng được nữa cô chú nhỉ?” – Một đứa trẻ ngại ngùng lí nhí vào tai tôi. “Ừ, chừng nào còn những người đi về cực Tây, chừng đó các cháu luôn có kẹo để ăn mỗi ngày!” – Tôi chợt nghĩ và chợt nhớ tới một người bạn không thể theo đoàn đi chuyến này nhưng đã gửi theo một ít đồ làm quà dọc đường cho lũ trẻ.
Tối ngân nga giọng chèo
Sau một ngày tê bầm vết đau, chai rộp những bàn tay cầm lái, mỏi dã dời, chúng tôi cũng tới Đồn biên phòng 317, thuộc bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đây là nơi nghỉ lại qua đêm trước khi cả đoàn thức dậy, theo chân các chiến sĩ đồn lên cột mốc số 0.
Có lẽ trên lãnh thổ đất liền Việt Nam, Đồn biên phòng 317 A Pa Chải thuộc số ít đồn có khoảng cách xa trung tâm hành chính của tỉnh nhất (khoảng cách 270 km từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ lên).
Cung đường đèo quanh co uốn lượn như dải lụa bao quanh các ngọn núi.
Nếu tính từ Hà Nội, quãng đường bộ lên tới đồn 317 là 870km, còn khoảng cách từ đồn tới điểm mốc biên giới xa nhất (mốc 16/3) mà đồn phụ trách là 70km.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Đồn biên phòng 317 được tách ra một phần từ Đồn 405 Leng Su Sìn nằm ở xã Chung Chải. Khu vực phụ trách gồm toàn bộ xã Sín Thầu cùng 58,984km đường biên giới giáp hai nước Trung Quốc và Lào với 22 cột mốc.
Từ ngày con đường vào Sín Thầu được mở rộng, những cuộc hành trình đến với miền đất tận cùng cực Tây của đất nước đã lườm lượp hơn. Rất nhiều đoàn khách lên đây với ước nguyện được một lần chạm vào cột mốc số 0 ở ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung. Và trước khi ước nguyện được thỏa, luôn có những cuộc giao lưu thắm tình quân dân ở đồn lưu trú này.
Đêm hôm ấy, tôi được nghe một giọng chèo Thái Bình dưới gốc dâu trĩu quả. Giọng chèo khàn đục, nặng một nỗi nhớ quê nhà. Giọng chèo gửi tâm tình của người lính biên cương về với những người thân yêu cùng lời hẹn “mùa xuân trở về”.
Lên trên đỉnh “trời thiêng”
Đồi cỏ mọc trên Cột mốc số 0.
Các chiến sĩ Đồn 317 nói rằng, đến A Pa Chải mà chưa lên mốc số 0 coi như chưa từng đến đây. Cũng bởi vậy, Đồn luôn cắt cử các chiến sĩ thay nhau dẫn các đoàn chinh phục “đỉnh trời” Khoang La San - một ngọn núi cao đến 1.865m so với mực nước biển và là nơi cột mốc thiêng được cắm.
Tính theo đường chim bay, từ Đồn Biên phòng 317 đến cột mốc số 0 chỉ vỏn vẹn khoảng 5 km nhưng để đến được nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe được” ấy, chúng tôi phải trải qua 3 quả đồi cỏ ranh mọc cao quá đầu người; leo lên những vách đá dựng đứng, có chỗ mon men rìa núi; băng qua một cánh rừng già âm u, ẩm ướt với bạt ngàn gai rậm luôn chực chờ đâm vào những người ngang qua.
Anh bộ đội dẫn đoàn nhắc nhở chúng tôi phải theo sát chân anh kẻo lạc. Rừng già như ma trận lại bị sương mù bao phủ, lạc nhau rất dễ. Mà để lạc sang Trung Quốc hay sang Lào thì phiền phức hết đường. Các đoàn chinh phục đỉnh Khoang La San thường phải mất từ 4 đến 6 tiếng. Và có băng qua quãng đường lúc nào cũng phải thở dốc này mới thấy, những gì chúng tôi đã trải qua trên đường vào A Pa Chải trước đó chẳng thấm tháp chút nào.
Càng lên gần tới đỉnh, độ dốc càng cao, sức người càng cạn, sẩy chân là khôn lường. Nhưng cứ nghĩ tới giây phút chạm mặt cột mốc thiêng, phóng tầm mắt ra đường biên ba nước, chúng tôi lại háo hức, lại có thêm động lức để nhấc chân.
Cuối cùng, đích đến của hành trình cũng chạm. Ngã ba biên giới là ba sườn núi chạy về ba hướng, tạo nên 3 đường biên phân chia Việt Nam – Lào – Trung Quốc.
Ba sườn núi chụm lại ở đỉnh cột mốc số 0 với trụ cột hình tam giác có khắc nổi Quốc huy mỗi nước, mặt hướng về nội địa.Chúng tôi tới đỉnh cột mốc số 0 vào giữa trưa. Dù rất mệt và đói nhưng không ai ngồi nghỉ. Lá cờ Tổ quốc được căng lên, giây phút đầu tiên trên đỉnh trời thiêng của tổ quốc là giây phút quốc ca vang lên nghẹn ngào, xúc động.
Giây phút xúc động khi chạm mốc cột thiêng.
Từ đỉnh cực Tây của Tổ quốc, ngắm núi rừng bao la trùng điệp mới cảm thấy rõ hơn xứ sở mình hùng vĩ biết bao. Và đó cũng là giá trị lớn nhất thôi thúc những bước chân ham khám phá lên đường!