Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

COVID-19 năm thứ 2: Mỹ-Trung từ thương chiến sang gia tăng đối đầu trên biển

(VTC News) -

Dịch COVID-19 khiến đối đầu Mỹ-Trung chuyển trạng thái theo hướng giảm căng thẳng thương chiến song lại đẩy châu Á-Thái Bình Dương thành điểm nóng hơn bao giờ hết.

Trên truyền thông quốc tế năm 2021, “đối đầu”, “căng thẳng”, “cạnh tranh”… giữa Mỹ và Trung Quốc là những cụm từ quá đỗi quen thuộc. Thế nhưng, 2021 đã đưa đến một trạng thái quan hệ mới giữa hai quốc gia này. Không chỉ bao phủ toàn cầu một màu xám, COVID-19 còn biến đổi rất nhiều mối quan hệ chiến lược giữa hai cường quốc Hoa Kỳ - Trung Quốc. 

Thương chiến giảm nhiệt

Đại dịch COVID-19 hoành hoành, tiếp tục đeo bám nhân loại trong năm thứ 3 khiến thế giới đảo lộn. Quan hệ Mỹ - Trung cũng không phải ngoại lệ. Trong đó, thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như chìm hẳn trước sự lấn át của đại dịch.

Sự đối đầu trên mặt trận thương mại giữa Washington - Bắc Kinh bị chìm xuống không phải vì bất cứ thỏa thuận nào mới mà vì COVID-19 đã làm cho nền kinh tế hai nước kiệt quệ, hàng hóa ngừng lưu thông, trong khi tác động của các chương trình thuế quan dường như không còn hiệu quả.

Đối đầu trên mặt trận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có xu hướng giảm nhiệt trong năm 2021.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được phát động bởi cựu Tổng thống Donald Trump năm 2018, gây ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng ở cả 2 quốc gia. Leo thang trừng phạt thuế nhập khẩu cũng tạo ra những đứt gãy trong chuỗi cung hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Thế nhưng, đó là câu chuyện của quá khứ, của chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump. Kể từ khi ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, dường như những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã thay đổi theo chiều hướng hạ nhiệt.

Điều này xuất phát từ hai yếu tố, một mặt cả Washington và Bắc Kinh đã cảm thấy mệt mỏi với cuộc chiến thương mại giữa hai nước thời gian qua, cũng như nhìn thấy mặt trái của việc tiếp tục duy trì đối đầu trên mặt tận này. Song có lẽ hệ lụy từ đại dịch COVID-19 mới là lý do buộc Mỹ và Trung Quốc phải nhượng bộ lẫn nhau.

Đại dịch kéo dài, các biến chủng mới ra đời thách thức khả năng chống chịu của các nước. COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu đối mặt muôn vàn khó khăn, sản xuất kiệt quệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ… Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính là những quốc gia ngấm đòn từ tác động của đại dịch hơn bất kỳ nước nào khác.

Trên thực tế, chính quyền Joe Biden thừa hiểu các đòn áp thuế chính quyền Trump tung ra với Trung Quốc đến nay không phát huy nhiều tác dụng trước tác động của đại dịch COVID-19. Trong khi Bắc Kinh áp dụng chiến lược lưu thông kép, đề cao năng lực tự cường về công nghệ và dựa vào thị trường nội địa để tăng trưởng.

Dù nhận ra điều đó, song ông Biden không có quyền tự quyết, buộc duy trì chiến lược cứng rắn tương tự người tiền nhiệm Donald Trump khi đối phó Bắc Kinh. Bởi lẽ, chính sách đối với chính quyền Mỹ chịu sự chi phối lớn từ lập trường của lưỡng đảng Mỹ, với chủ trương phải quyết liệt với Bắc Kinh. Điều này đẩy ông Biden vào thế khó, nhất là trong thực thi chính sách với Trung Quốc.

Một trong những vướng mắc lớn nhất của Mỹ và Trung Quốc là vấn đề thực thi thỏa thuận giai đoạn một nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước. Thỏa thuận này yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh các quy định về sở hữu trí tuệ và một số lĩnh vực khác, đồng thời cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Washington từ năm 2020 đến 2021. Hôm 31/12 sẽ là hạn chót nhưng Trung Quốc đang bị tụt quá xa mục tiêu mua hàng hóa Mỹ (mới đạt 60%).

Nhiều phân tích cho rằng kết quả thực tế từ cuộc chiến thuế quan, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như các vấn đề kinh tế vĩ mô tại Mỹ cho thấy chính quyền Biden đang gặp khó trong việc sử dụng vũ khí hiệu quả để gây áp lực với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh, thậm chí có thể gay gắt hơn. Và trong cuộc đối đầu này, Mỹ sẽ không “thân cô, thế cô”, mà sẽ có sự sát cánh của đồng minh thay vì một mình ứng phó Trung Quốc.

Điểm nóng châu Á - Thái Bình Dương

Khi thương chiến không còn là mặt trận cạnh tranh chính, cuộc đối đầu Mỹ - Trung tập trung hoàn toàn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Không nói quá khi cho rằng COVID-19 là chất xúc tác khiến những mâu thuẫn giữa hai cường quốc ở mặt trận biển đẩy cao hơn bao giờ hết. Hai nước kèn cựa nhau từ việc gây ảnh hưởng đối với các quốc gia trong khu vực, lôi kéo các bên liên quan, can dự sâu trên lĩnh vực thương mại, quân sự… để khẳng định sức mạnh với mục đích hiện thực hóa tham vọng bá quyền ở khu vực và thế giới.

Đồng thời, chính vì đại dịch, các cuộc gặp gỡ song phương quan trọng đã không thể giải quyết được mâu thuẫn giữa Washington và Bắc Kinh. Ngay cả cuộc gặp thượng đỉnh rất được mong chờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chỉ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Dù hai bên cam kết ngăn mối quan hệ song phương vượt khỏi "rào chắn" an toàn và sa vào xung đột, song không đem lại kết quả thực chất, không có bước đột phá.

Sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Biden đã lật ngược khá nhiều chính sách của người tiền nhiệm, song các thành tố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” thì hầu như được giữ nguyên. Khi can dự sâu vào khu vực, ông Biden không chọn cách đơn phương đối đầu trực diện với Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực.

Thay vào đó, chính quyền Biden chủ trương xây dựng liên minh, đối tác, đề cao trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Điều này dường như không chỉ “trói” địch thủ mà còn có đối với đồng minh, đối tác. Để cụ thể hóa cách tiếp cận đối với khu vực, chính quyền Biden chú trọng củng cố các trụ cột trong triển khai chiến lược ở khu vực, trong đó có nhóm QUAD, quan hệ với các đồng minh trong khu vực gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia, quan hệ với ASEAN và các đối tác như Indonesia, Việt Nam và Singapore…

Tàu chiến của Mỹ và đồng minh tiến hành nhiều cuộc tập trận trong năm 2021.

Chưa hết, Mỹ cùng với đồng minh Anh và Australia công bố thỏa thuận an ninh - quốc phòng có tên gọi AUKUS. Không phải ngẫu nhiên mà 3 nước này liên minh cùng nhau, thành lập nên AUKUS. Cơ chế này được Mỹ khởi xướng nhằm cụ thể hóa ý đồ của nước này tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, chính quyền Biden muốn tăng cường sức mạnh hải quân, năng lực trên biển cho đồng mình Australia với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, ngăn chặn mối đe dọa cũng như mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh.

Biểu hiện của sự quan tâm của Mỹ đối với khu vực còn được thể hiện ở việc ông Biden liên tục cử quan chức trong chính quyền (Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin…) đến thăm các quốc gia đồng minh, đối tác trong khu vực. Mục đích của Washington là lôi kéo các nước về phía mình, cùng chí hướng đối chọi với Bắc Kinh.

Đáng chú ý, chủ trương lôi kéo, tập hợp liên minh, đối trọng với Trung Quốc của chính quyền Biden nhận được sự hậu thuẫn, ủng hộ rất lớn từ đồng minh và đối tác. Loạt nước hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, cùng đưa ra chính sách can dự sâu rộng đối với Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẵn sàng thách thức mối đe dọa cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Cạnh tranh ảnh hưởng, thị uy sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt tại khu vực Đông Nam Á và ở Biển Đông. Trên mặt trận ngoại giao, Washington và Bắc Kinh liên tục thay nhau cử quan chức đến khu vực, khẳng định cam kết đối với các quốc gia Đông Nam Á thông qua các hỗ trợ quân sự, kinh tế, nhất là vaccine cho các nước trong chống dịch COVID-19.

Trong năm qua, loạt nước châu Âu theo tiếng gọi của Mỹ, điều tàu chiến đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tham gia tập trận cùng đối tác, đồng minh trong khu vực. Tàu chiến Đức Bavaria lần đầu tới Biển Đông sau gần 20 năm. Pháp và Anh cũng đã gửi khí tài hải quân, điều tàu chiến tham gia tập trận ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ đẩy mạnh hiện diện quân sự ở khu vực dưới thời chính quyền Biden bằng việc điều tàu sân bay, khu trục hạm, tàu ngầm… tập trận tại Biển Đông. Mỹ và đồng minh thời gian đã tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và tập trận ở Biển Đông, thách thức các đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, đồng thời khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng chỉ trích Mỹ và đồng minh đang gây bất ổn trong khu vực với các hoạt động quân sự.

Theo Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông (SCSPI), Washington tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông trong năm 2021, với hơn 500 chuyến bay do thám trong khu vực. Con số này lên tới hơn 2.000 chuyến nếu tính cả biển Hoàng Hải và biến Hoa Đông, trong khi năm ngoái Mỹ thực hiện chưa tới 1.000 chuyến bay trên các vùng biển này.

Không chịu kém cạnh, Trung Quốc cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như eo biển Đài Loan. Tần suất tập trận của Bắc Kinh tại eo biển Đài Loan gia tăng khi Mỹ thường xuyên điều tàu chiến qua đây trong năm qua. Trung Quốc cũng tuyên bố mạnh mẽ về việc thống nhất Đài Loan khi Mỹ lớn tiếng ủng hộ, công khai bán vũ khí cho hòn đảo này.

Rõ ràng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là điểm nóng trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung năm 2021. Trong đó các hoạt động quân sự được đẩy lên cao trong nỗ lực “nắn cơ” đối phương của Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 11.

Bản chất không thay đổi

Đối đầu Mỹ - Trung dù dịch chuyển theo các chiều hướng, trạng thái khác nhau, song bản chất sự đối đầu giữa hai cường quốc không thay đổi. Bởi lẽ, tham vọng của cả Washington và Bắc Kinh là muốn nắm quyền chi phối, dẫn dắt thế giới theo trật tự mà Mỹ và Bắc Kinh sắp đặt.

Cần phải khẳng định rằng, với tham vọng đó, xét tương quan từ thực lực giữa Mỹ và Trung Quốc, thì cạnh tranh giữa hai bên sẽ khó có thể kết thúc. Có chăng, Washington và Bắc Kinh sẽ có những điều chỉnh mang tính chiến thuật, giảm leo thang tùy theo thời điểm khi hai bên cùng chung lợi ích.

Cạnh tranh Mỹ - Trung mang tính xuyên suốt và dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng vậy. Chính quyền Biden chủ trương, Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề cùng chung lợi ích, cạnh tranh khi cần cạnh tranh và đối kháng ở những vấn đề cần phải đối kháng.

Dù công khai tuyên bố vậy song lĩnh vực hai bên hợp tác là rất “nhỏ giọt”. Ngay cả trên lĩnh vực chống biến đổi khí hậu vốn được cho là có điểm tương đồng lớn nhất giữa Washington và Bắc Kinh thì cả hai vẫn xung khắc trong cách xử lý vấn đề này. Ông Biden thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc, cho rằng việc Chủ tịch Tập Cận Bình bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 26), hồi tháng 11 là “sai lầm lớn” bởi điều đó sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Thời điểm ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng và bày tỏ hy vọng thúc đẩy quan hệ song phương. Nhiều kỳ vọng được đặt vào chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden sẽ hạ nhiệt căng thẳng, ít nhất là tốt hơn thời cựu Tổng thống Donald Trump. Thế nhưng, sau năm đầu nhiệm kỳ ông Biden, như những "ảo mộng" ban đầu của Trung Quốc về một mối quan hệ dễ chịu hơn với Mỹ cũng đã tan theo.

Cả Mỹ và Trung Quốc hiện nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề và cùng thừa nhận thực tế rằng, khác biệt trong thế giới quan giữa hai lãnh đạo hai quốc gia chẳng còn là điều bí mật, bất đồng trên các lĩnh vực giữa hai nước không phải là điều quá khó hiểu.

Tuy nhiên, Mỹ - Trung sẽ tìm cách giữ cho căng thẳng song phương bên trong "rào chắn" an toàn, bởi cả hai đều hiểu rằng mâu thuẫn giữa hai bên mang tính cố hữu, và cả hai sẽ hứng tổn hại nếu để mối quan hệ tan vỡ. Mỹ - Trung có mối liên kết sâu sắc về kinh tế, do đó, bất kỳ chia rẽ nghiêm trọng nào cũng mang đến những tổn thất rất lớn. Vì vậy, để ngăn chặn bất kỳ đối đầu nghiêm trọng có thể xảy ra, hai nước sẽ tiếp tục tìm cách sống chung.

Bài 1: Kinh tế toàn cầu hỗn loạn

Bài 2: Khi các lãnh đạo thế giới không thể 'nói chuyện' với nhau

Đón đọc bài 4: Trung Quốc - đất nước 'một mình một kiểu'

Năm 2021 qua đi với những thách thức từ đại dịch COVID-19 vẫn còn nguyên dù tình hình thế giới có nhiều biến chuyển tốt lên, nhưng khó khăn chưa thực sự chấm dứt.

VTC News xin gửi tới độc giả chùm bài viết tổng kết tình hình thế giới năm 2021 thông qua những góc nhìn phản chiếu ảnh hưởng của COVID-19 và những dự báo trong tương lai các vấn đề bao trùm lên các mối quan hệ quốc tế chiếm ưu thế trên toàn cầu.

Kông Anh

Tin mới