Trong các phiên thảo luận tại Hội thảo quốc tế Biển đông lần thứ 13, các học giả nhận xét tình hình tại Biển Đông và khu vực có thể trở nên phức tạp trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung.
“Một sự thật có lẽ không mấy dễ chịu là chúng ta đang ở trong giai đoạn cạnh tranh chiến lược đáng kể giữa hai cường quốc toàn cầu”, theo Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd. Có 3 lý do chính cho sự cạnh tranh này, thứ nhất là sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế, công nghệ, quân sự, dẫn đến sự thay đổi cân bằng quyền lực với Mỹ. Một yếu tố khác là sự thay đổi chiến lược của chính Trung Quốc và cuối cùng là phản ứng chiến lược của Mỹ với những thay đổi này.
Các chuyên gia đều nhận định rằng dù giữa Mỹ và Trung Quốc có sự cạnh tranh gay gắt, việc mô tả đây như một cuộc chiến tranh lạnh mới là "sai lầm". "Mỹ và Liên Xô từng đưa ra các hệ thống khác nhau và sự cạnh tranh của họ là xem hệ thống nào sẽ chiếm ưu thế. Ngược lại, Mỹ và Trung Quốc bây giờ đều là những thành phần quan trọng, không thể thay thế của một hệ thống duy nhất được kết nối với nhau và với các bộ phận khác của hệ thống", ông BilahariKausikan, nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore nhận định.
Hội thảo quốc tế Biển Đông ngày 18/11.
Chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tiếp tục, nhưng vì cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh những thiệt hại chính trị và ngoại giao nếu xung đột lớn hơn xảy ra, nên sự cạnh tranh này sẽ được “quản lý” trong những “hành lang” phù hợp hơn.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến các diễn biến trên Biển Đông, cũng như các thách thức mà các nước trong khu vực và ASEAN phải đối mặt. Bên cạnh đó, các thể chế an ninh và chính trị mới nổi như QUAD, AUKUS, có thể khiến khu vực lo ngại vì sự cạnh tranh của các cường quốc bên ngoài nhưng cũng có thể đem lại một cơ chế cân bằng khác.