Trong hai ngày, Jeetender Mahender, nhân viên vệ sinh 36 tuổi, chỉ dám rời khỏi căn nhà lụp xụp của gia đình mình ở khu ở chuẩn Valmiki phía Bắc Mumbai, Ấn Độ vì một mục đích duy nhất: đến nhà xí công cộng.
Hàng chục triệu người ở các khu ổ chuột khó mà tuân thủ lệnh phong tỏa của chính phủ.
Hoàn cảnh của Mahender rất khổ sở. Căn nhà bé tí của anh không có nhà vệ sinh mà cũng chẳng có nước sạch để dùng. Cả gia đình đói ăn và nếu không đi làm thì anh sẽ chẳng kiếm được tiền về.
Mahender và hàng chục triệu người nghèo khổ ở khu ổ chuột đang chật vật với lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày mà Thủ tướng Narendra Modi ban bố nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới ở đất nước 1,3 tỷ dân. Ấn Độ đã có hơn một nghìn người nhiễm SARS-CoV-2, 29 người chết.
Những cư dân khu ổ chuột không thể tự cách ly theo lệnh phong tỏa của chính phủ. Họ phải ra ngoài làm việc.
Lao động nhập cư sống theo kiểu "tay làm hàm nhai", được trả lương từ 138 đến 449 rupee (tương đương khoảng 40 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng), theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
"Họ thuộc bộ phận không có tính tổ chức, không được tính ngày công nếu không đi làm", chuyên gia kinh tế học Arun Kumar cho biết.
"Không chỉ riêng mấy ngày đầu áp dụng lệnh phong tỏa mà xu hướng này đã manh nha từ 20 ngày trước rồi. Chuỗi cung ứng sụp đổ. Công việc mất đi. Họ không có tiền để mua nhu yếu phẩm. Không giống như những người có tiền, họ không thể dự trữ được. Họ chỉ chạy ăn từng ngày và bây giờ tất cả các ngăn tủ đều trống rỗng".
Video: Hàng vạn người Ấn Độ chen nhau về quê
Người lao động nghèo khổ bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ phải ra ngoài làm việc với nguy cơ nhiễm bệnh, hoặc ở nhà và đối mặt với cơn đói cồn cào.
Nhưng nhiều người lại không được lựa chọn. Ví dụ, những công nhân vệ sinh, được coi như dịch vụ thiết yếu, là ngoại lệ của lệnh phong tỏa.
"Họ buộc phải đi làm hằng ngày", Milin Ranade, người sáng lập tổ chức về các vấn đề lao động Kachra Vahatuk Shramik Sangh, cho biết. "Một số người thậm chí phải đi thu nhặt rác thải y tế rồi lại trở về nhà ở những khu ổ chuột".
Họ không được cung cấp bất cứ trang phục bảo hộ nào, không có khẩu trang hay găng tay. Không có chương trình tuyên truyền nào được thực hiện để cảnh báo họ về nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu họ nhiễm bệnh", Ranade đặt vấn đề.
Đối với cư dân khu ổ chuột, virus không đáng sợ bằng chết đói.
Gói kích thích kinh tế trị giá 22,5 tỷ USD của chính phủ bao gồm chế độ bảo hiểm y tế 66.451 USD/người cho các lao động ở tiền tuyến chống dịch như bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và nhân viên vệ sinh ở các bệnh viện công.
"Những nhân viên vệ sinh được bảo hiểm, nhưng còn những người khác sống quanh họ ở các khu ổ chuột với nguy cơ tiếp xúc dịch bệnh tương đương thì sao?", Raju Kagada, lãnh đạo của hiệp hội các nhân viên vệ sinh ở Mumbai nói.
Chuyên gia kinh tế Kumar cho rằng việc tăng cường xét nghiệm triệt để sẽ có ích. Tính đến ngày 29/3, Ấn Độ đã thực hiện 34.931 xét nghiệm, trung bình 19 xét nghiệm trên mỗi triệu người. Dù vậy theo Kumar, chi phí cho mỗi lần xét nghiệm ở bệnh viện tư hoặc viện nghiên cứu lên tới 4.500 rupee, hay 60 USD, trong khi xét nghiệm miễn phí ở bệnh viện công lại rất hạn chế.
Mahender là nhân viên vệ sinh cho một khu chung cư ở Mumbai. Anh kiếm được năm nghìn rupee mỗi tháng. Số tiền này được dùng để nuôi vợ, ba con nhỏ và ông bố 78 tuổi của anh. Nếu Mahender cần khám chữa bệnh, phần chi phí của anh không nằm trong gói kích thích kinh tế.
"Điện thoại của tôi cứ đổ chuông mãi không ngừng. Cư dân trong tòa nhà gọi tôi đi làm. Tôi phải vào bên trong tòa nhà, đứng ngoài cửa mỗi căn hộ và thu nhặt rác. Tôi không được phát khẩu trang hay găng tay, thậm chí xà phòng để rửa tay trước bữa ăn cũng không. Nhưng tôi cũng không biết được là nếu mình nghỉ một ngày, liệu họ có thuê người khác hay không", Mahender nói.
Nước là một trong những lý do quan trọng nhất buộc những người thuộc tầng lớp nghèo khổ ở Ấn Độ phải ra khỏi nhà mỗi ngày.
Sia, một thợ xây sống ở khu Gurugram gần New Delhi, thức dậy mỗi sáng lúc 5 giờ và phớt lờ lời kêu gọi ở nhà của Thủ tướng Modi. Lý do? Cô phải ra ngoài, đi 100 mét đến bể chứa nước dùng chung cho cả khu ổ chuột 70 người.
Cô không phải là người duy nhất ở hoàn cảnh như vậy. Hầu hết phụ nữ ở nơi này phải tắm giặt cùng nhau vào mỗi buổi sáng và lấy nước về dùng cho cả ngày. Họ không có phòng tắm ở nhà, nguồn nước duy nhất là bể chứa công cộng.
Thông qua một chiến dịch vệ sinh có tên gọi Swachh Bharat Abhiyan (SBA), được khởi động vào năm 2014 để nâng cấp cơ sở hạ tầng và chấm dứt tình trạng phóng uế nơi công cộng, Ấn Độ tuyên bố 100% các hộ gia đình đều có nhà xí.
Người Ấn Độ chen chúc trong bệnh viện chờ xét nghiệm virus corona.
Tuy nhiên theo Puneet Srivastava, Giám đốc tổ chức phi chính phủ WaterAid India, chiến dịch kể trên tập trung vào việc xây nhà vệ sinh cho các hộ gia đình và không bao gồm một số lượng đáng kể các khu vực nghèo khổ.
Ở Dharavi, Mumbai, trung bình cứ 1.440 dân chỉ có một nhà vệ sinh. 78% nhà vệ sinh công cộng trong các khu ổ chuột của Mumbai không có hệ thống cấp nước.
Chủ nhật tuần trước, Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Đô thị Ấn Độ Durga Shanker Mishra nói: "Nhà vệ sinh được phân bổ khắp Ấn Độ. Người dân khu ổ chuột có được dùng nhà xí riêng hay không không quan trọng. Họ có thể dùng nhà vệ sinh công cộng".
Chuyên gia dịch tễ học Sania Ashraf, chuyên về các vấn đề nước sạch, vệ sinh và các bệnh hô hấp, cho biết SBA chú trọng việc tăng thêm số lượng nhà vệ sinh hộ gia đình cũng như mật độ phân bổ nhà xí công cộng.
Người nghèo Ấn Độ khổ sở chạy trốn Covid-19.
Dù vậy, khi đại dịch bùng phát, nhà vệ sinh công cộng chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không được bảo đảm sạch sẽ. Hơn nữa, hệ thống thoát khí kém có thể góp phần thúc đẩy sự lây nhiễm virus.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại, dựa trên những bằng chứng về việc virus có thể lây lan qua phân người. Nguy cơ lây nhiễm từ những nhà vệ sinh công cộng càng lớn hơn, chưa kể có những nơi tình trạng phóng uế ngoài đường vẫn diễn ra.
Biện pháp giãn cách cộng đồng để ngăn chặn đại dịch sẽ ổn thỏa với tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Họ có thể ở yên trong căn hộ hay ngôi nhà của mình, chăm sóc khu vườn, lấy đồ ăn từ ngăn tủ dự trữ đầy ắp và làm việc từ xa bằng công nghệ hiện đại.
Nhưng tình cảnh hỗn loạn trong những ngày gần đây chỉ ra rằng đối với 74 triệu người nghèo ở Ấn Độ, tương đương một phần sáu dân số nước này, những người sống vai kề vai ở những khu ổ chuột, giãn cách cộng đồng là điều bất khả thi.
"Ngõ ngách chật hẹp đến nỗi khi đi ngang qua nhau, chúng tôi không thể tránh được việc người này chạm vào vai người kia", Mahender nói.
"Tất cả chúng tôi đều phải ra khỏi nhà để dùng chung một nhà vệ sinh công cộng. Có 20 gia đình đang sống quanh căn nhà nhỏ của tôi. Chúng tôi giống như đang ở chung với nhau vậy. Nếu một người dính bệnh, tất cả chúng tôi cũng bị lây".
Hàng vạn người nghèo khổ chen chúc ở các bến xe với hi vọng lên được một chuyến rời thành phố.
Có ít nhất một trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Ấn Độ được phát hiện trong khu ổ chuột. Sự hoảng loạn ngày một lớn hơn trong cộng đồng nghèo khổ nhất.
Hàng nghìn lao động nghèo đang tìm cách chạy trốn về quê bằng những chuyến xe buýt hay thậm chí là đi bộ, mang theo nguy cơ phát tán virus ra khắp đất nước.
Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, hàng vạn trong số 45 triệu lao động nhập cư ở Ấn Độ bắt đầu những hành trình dài và khổ sở trên đường về quê. Hệ thống đường sắt Ấn Độ tạm thời ngưng hoạt động. Không ít người không có lựa chọn nào khác ngoài đi bộ hàng trăm km.
Họ có quá ít lý do để ở lại thành phố. Hầu hết đều đã mất việc làm do lệnh phong tỏa, trong khi các khu ổ chuột đầy rẫy nguy cơ phát tán virus.
Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Phát triển bền vững chỉ ra rằng trong khi hệ số lây nghiễm của dịch Covid-19 trên toàn cầu là từ 2 đến 3 thì ở các khu ở chuột Ấn Độ, con số này có thể cao hơn đến 20% do điều kiện sống quá tồi tệ.
Có những người chấp nhận đi bộ hàng trăm dặm đường về quê.
Khi những cuộc tháo chạy khỏi các khu ổ chuột bắt đầu diễn ra, chính quyền các bang Uttar Pradesh, Bihar và Haryana đã bố trí hàng trăm chuyến xe buýt chuyên chở người nhập cư về quê. Điều này gây ra những cảnh tượng hỗn loạn khi hàng nghìn người chen chúc ở các bến xe.
Chủ nhật tuần trước, Thủ tướng Modi thúc giục các bang đóng cửa biên giới để ngăn chặn virus lây lan về các vùng nông thôn. Chính quyền địa phương phải chật vật đi tìm hàng triệu người vừa từ đô thị trở về làng quê để cách ly.
Sia, cô công nhân ở Gurugram, không bắt được xe về nhà. Con đường chạy trốn khỏi khu ổ chuột để về quê của cô có vẻ khá ảm đạm.
"Từ khi công việc bị đình trệ, tôi đã không kiếm ra tiền suốt 20 ngày rồi. Tôi vốn được trả công 5 USD mỗi ngày, số tiền ít ỏi đủ để gia đình tôi sống sót. Khi tất cả mọi thứ ngừng lại, tôi chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc sống trong cảnh nghèo đói và bẩn thỉu", Sia nói.