Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao Mỹ, châu Âu lâm vào cảnh khan khẩu trang, thiếu máy thở chống Covid-19?

(VTC News) -

Tình trạng thiếu máy thở, khan hiếm khẩu trang trong cuộc chiến chống Covid-19 không dễ giải quyết chỉ bằng việc tăng cường sản xuất.

Tắc chuỗi cung ứng khẩu trang

Tờ New York Times trả lời câu hỏi này cách đây một tuần với dòng tiêu đề: “Thế giới cần khẩu trang. Trung Quốc làm ra chúng nhưng lại tích trữ”. Một nửa số khẩu trang trên toàn cầu được sản xuất ở công xưởng thế giới. Tỉ lệ này có lẽ đã tăng thêm đáng kể khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán.

Sau một tháng, số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc tăng hơn 70 nghìn người và tính đến thời điểm hiện tại là hơn 81 nghìn ca bệnh. Trung Quốc cung không kịp đủ cầu và phải nhập khẩu, có lúc lên tới 20 triệu khẩu trang phẫu thuật, kháng khuẩn trong vòng 24 giờ.

Hầu hết khẩu trang thế giới dồn về Trung Quốc trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19.

Indonesia, Tanzania hay Kenya là những nguồn cung cho Trung Quốc. Các nước khác, khi chưa rơi vào cảnh khốn khó vì đại dịch Covid-19, cũng gửi hỗ trợ hàng trăm nghìn chiếc mỗi đợt.

Khối lượng sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc tăng mạnh trong cuộc chiến chống đại dịch, theo Bloomberg. Tính đến đầu tháng Ba, Trung Quốc đạt năng suất xuất xưởng 116 triệu thành phẩm mỗi ngày, cao gấp 12 lần so với trước đây.

Trung Quốc huy động toàn bộ năng lực sản xuất, kể cả nhà máy của các công ty nước ngoài đặt tại đây, để phục vụ nhu cầu trong nước. Do đó, xu hướng chuyển cơ sở sản xuất tới công xưởng thế giới để giảm thiểu chi phí là một phần lý do khiến Mỹ và các nước châu Âu rơi vào cảnh thiếu hụt khẩu trang vào lúc này.

Video: Tổng thống Putin thăm bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19

Nguồn cung khẩu trang từ các nước khác cũng bị chặn lại. Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nga, Đức, Séc… ra lệnh ngừng xuất khẩu mặt hàng này để ưu tiên đáp ứng cầu trong nước. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn.

Tình trạng khan hiếm xảy ra theo hiệu ứng domino là lý do để Mỹ xem lại chuỗi cung ứng mà hiện tại đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và một số ít quốc gia khác.

Mike Bowen, đồng sở hữu Prestige Ameritage, nhà cung ứng khẩu trang lớn nhất Mỹ, từng cảnh báo điều này và kêu gọi chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp trải rộng công xưởng, chi nhánh ra các khu vực khác ngoài Trung Quốc.

Tình trạng cung không đủ cầu xảy ra theo hiệu ứng domino.

Trong khi đó, nguồn cung trong nước của Mỹ không đủ thay thế. Một nhà máy của Strong Manufacturers có thể đạt năng suất 9 triệu khẩu trang mỗi tháng, nhưng để mở rộng trong thời gian ngắn là điều không thể.

Nguyên liệu sản xuất khẩu trang của công ty này được nhập chủ yếu từ Vũ Hán. Để đẩy mạnh sản xuất đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc cũng phải hạn chế xuất khẩu và tăng cường thu mua nguyên liệu từ nước khác. Strong Manufacturers khó mà tìm được nguồn cung nguyên liệu đủ để mở rộng sản xuất.

Mỹ và các nước châu Âu có lẽ đang mong đợi Trung Quốc, khi dịch bệnh dần “hạ nhiệt” và quy mô sản xuất được mở rộng gấp nhiều lần, sẽ kích thích lại chuỗi cung ứng để giải quyết tình trạng khan hiếm.

Máy thở đắt đỏ, khó sản xuất

Theo New York Times, Mỹ có 12,7 nghìn máy thở nhưng không phải tất cả đều được đưa vào sử dụng. Bài toán đặt ra cũng gần giống như câu chuyện về vaccine, khi đại dịch qua đi, bệnh viện sẽ không cần đến số lượng máy thở nhiều đến vậy trong khi chi phí cho chúng quá đắt đỏ. 

Máy thở không hề rẻ, giá từ 25 nghìn đến 50 nghìn USD mỗi chiếc, theo Washington Post và đòi hỏi những chuyên viên được đào tạo vận hành. Cách tốt nhất để tăng số lượng máy thở được sử dụng trong thời kỳ đại dịch là chính phủ thu mua và cho các trung tâm điều trị "mượn" tạm thời. Dẫu vậy, không phải nước nào cũng có nguồn ngân sách và tài trợ như Mỹ.

Máy thở là một trong những thiết bị duy trì sự sống cho bệnh nhân nguy kịch.

Nguồn cung loại thiết bị y tế này cũng không nhiều và không thể tăng lên trong thời gian ngắn như khẩu trang. Ở Mỹ và nhiều nước khác, quy trình sản xuất máy thở buộc phải qua kiểm nghiệm trong thời gian dài, bởi chiếc máy có năng lực duy trì duy trì sự sống cho bệnh nhân phải đáp ứng những quy định khắt khe. Chỉ có năm công ty cung cấp hơn một nửa số máy thở cho cả nước Mỹ.

Mỹ tạm thời chưa rơi vào tình trạng thiếu máy thở trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên một số nước khác như Italy, nơi bệnh viện và các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 quá tải, tình hình xấu hơn nhiều.

Italy chỉ có khoảng ba nghìn máy thở với một công ty cung cấp duy nhất là Siare Engineering. Tốc độ sản xuất của Siare là 160 chiếc/ngày và cần phải tăng gấp bốn lần để đáp ứng nhu cầu hiện tại. 

Theo tạp chí MIT Technology Review, chuỗi cung ứng cũng là vấn đề khiến việc sản xuất máy thở không thể diễn ra ồ ạt. 

“Máy thở có rất nhiều linh kiện phức tạp và hàng trăm bộ phận rất nhỏ được sản xuất ở nhiều nơi, trong khi nhu cầu cả thế giới đang tăng cao. Không có cách nào để tăng cường sản xuất nhanh chóng", Tiến sĩ Tom Frieden, từng làm việc ở Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết.

Minh Ngọc (Nguồn: Vox, CNN, Bloomberg, New York Times)

Tin mới