Tại Việt Nam, công nghệ này đang được nghiên cứu và triển khai thử nghiệm bởi nhóm các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam kết hợp với Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam từ năm 2011.
Hiện tại, giá thể gốm được ứng dụng trong trồng rau, hoa, các loại cây trang trí nội thất và tiến tới là cây ăn quả. Với tiềm năng phát triển của sản phẩm giá thể gốm xốp này trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhóm các nhà khoa học đã nhận được tài trợ từ “Chương trình phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ đến năm 2020 – Chương trình 2075” của Chính phủ. Đây là nguồn kinh phí quan trọng giúp họ đạt được các kết quả nghiên cứu có giá trị như hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Thế Hùng – Giảng viên khoa nông học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chủ nhiệm dự án “Thương mại hóa giá thể gốm xốp kỹ thuật”
Để tìm hiểu rõ hơn về tính hữu ích của Giá thể gốm xốp kỹ thuật ứng dụng trong nông nghiệp cũng như quá trình nghiên cứu sáng tạo của nhóm tác giả, phóng viên Báo điện tử VTC News đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Hùng – Giảng viên Khoa nông học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chủ nhiệm dự án “Thương mại hóa giá thể gốm xốp kỹ thuật”.
- Thưa PGS.TS Nguyễn Thế Hùng, xuất phát từ đâu khiến ông và nhóm nghiên cứu cho ra đời sản phẩm giá thể gốm xốp kỹ thuật trồng cây ?
Có 2 lý do chính để tôi và nhóm nghiên cứu tạo ra sản phẩm giá thể gốm xốp kỹ thuật trồng cây, đó là:
Thứ nhất, trong các lần công tác ở nước ngoài tôi nhận thấy họ sử dụng giá thể gốm dạng sỏi nhẹ trồng cây trong chậu. Trồng cây bằng giá thể gốm có các ưu điểm như:
Tạo ra các sản phẩm trang trí sạch, đẹp, chất lượng cao, các chậu cây có thể đưa vào trong phòng ở, trưng bầy tại các địa điểm công cộng như các trường học, sân bay, nhà ga, khu triển lãm, khách sạn ...Đáng chú ý nhất là các chậu cây trồng bằng giá thể gốm dạng sỏi nhẹ có giá bán cao, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các cư dân vùng đô thị có mức sống cao.
Thứ hai, tôi nhận thấy các sản phẩm cây trồng chậu của Việt Nam rất đẹp nhưng do thiếu công nghệ kể trên nên chưa tạo được các sản phẩm có chất lượng cao, giá bán phù hợp.
Tôi nghĩ ngành sản xuất cây cảnh, cây trang trí nội thất của Việt nam có nhiều ưu thế như: Có nhiều loại cây trồng chậu đẹp, người nông dân rất khéo tay, trình độ chuyên môn cao nếu có thêm công nghệ này sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị cao phục vụ tiêu dùng trong nước, thậm chí có thể xuất khẩu trong thời gian tới.
- Xin ông cho biết các tính năng, công dụng và ưu điểm nổi bật của sản phẩm? Sản phẩm này có gì khác biệt so với một số nước trên thế giới?
Công nghệ giá thể gốm xốp đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Châu Âu phổ biến công nghệ này khi trồng cây trong chậu. Tại Châu Á, công nghệ này đã được các nước Trung quốc, Nhật bản, Thái lan...sử dụng. Hiện đã có một số sản phẩm loại này bán trên thị trường, người Trung quốc đã sản xuất số lượng lớn và bán ở nhiều nước.
Thái lan cũng đã có sản phẩm bán tại Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn các sản phẩm dạng sỏi nhẹ, không hút nước, không trữ dinh dưỡng, nếu cho giá thể này vào trong nước thì các hạt sỏi sẽ nổi lên.
Giá thể gốm xốp kỹ thuật được nhóm nghiên cứu chế tạo từ đất sét, đất phù sa, các phụ phẩm nông nghiệp như bột trấu, lõi ngô và một số chất khác. Sản phẩm được nung thành các viên gốm ở nhiệt độ 1300oC, sản phẩm được dùng làm giá thể trồng một số loại cây hoa, cây rau và cây trang trí nội thất phục vụ canh tác tại các vùng đô thị (nông nghiệp đô thị).
Giá thể gốm xốp có các tính năng tốt như: là giá thể vô cơ, có độ rỗng khoảng 50%, các lỗ rỗng liên thông nhau nên có khả năng trữ nước và dinh dưỡng. Đây là sự khác biệt chính giữa giá thể gốm xốp do chúng tôi chế tạo so với giá thể gốm dạng sỏi nhẹ hiện có bán nhiều trên thị trường.
Nhóm nghiên cứu dự án “Thương mại hóa giá thể gốm xốp kỹ thuật”
Ngoài ra giá thể gốm do nhóm chúng tôi chế tạo có thêm các đặc tính như sạch, không gây ô nhiễm môi trường, có thể tái sử dụng nhiều lần, có thể trồng cây trực tiếp hoặc phối hợp với đất và các giá thể khác để trồng cây.
Công nghệ trồng cây bằng giá thể gốm xốp này dễ sử dụng, có thể áp dụng trên quy mô lớn hoặc quy mô nhỏ tại các gia đình. Cách sử dụng dễ, chi phí không cao. Thực tế, công nghệ chỉ thay thế một phần đất bằng giá thể gốm xốp, giúp trồng cây tốt hơn, cây có thời gian sống lâu dài hơn.
- Thưa ông, sản phẩm Gốm xốp kỹ thuật được đưa ra thị trường từ khi nào? Khách hàng nhận định và phản hồi như thế nào về sản phẩm?
Sản phẩm giá thể thể gốm xốp đã được đưa vào thị trường khoảng 1 năm, hiện chúng tôi đã bán thử sản phẩm tại các làng nghề trồng cây cảnh tại các vùng của Hà Nội, Hưng Yên, Đắc Lắc, đã gửi mẫu sản phẩm đi chào hàng giới thiệu sản phẩm tại Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, TP Huế ...
Nhìn chung các khách hàng đánh giá tốt khi sử dụng phối trộn tạo thành giá thể trồng các loại cây hoa, cây trang trí nội thất... Đáng chú ý chúng tôi có 1 loại giá thể gốm dạng hạt tròn, mầu trắng dùng để phủ lên mặt chậu làm tăng tính thẩm mỹ, thay cho đá trắng. Loại gốm này nhẹ, sạch, chống cỏ dại, hạn chế sâu bệnh có trong đất, giúp tăng giá trị hàng hóa của chậu cây cảnh.
- Giá thể này có nhiều ích lợi cho cây trồng, vậy chi phí sử dụng của nó có lớn không? Những đối tượng nào cần sử dụng sản phẩm thưa ông?
Hiện chúng tôi có nhiều nhóm sản phẩm khác nhau. Nếu mua các hạt gốm giá khoảng 25 – 30 ngàn đ/kg, thấp hơn giá gốm của Nhật bản và các nước khác từ 15-50%.
Nếu mua các loại giá thể đã được chúng tôi phối trộn sẵn để trồng cây rau, cây hoa, cây trang trí nội thất, mức giá bán khoảng 7.000 – 10.000 đ/kg, thấp hơn, hoặc tương đương với giá các loại đất sạch hay giá thể trồng các loại cây rau, cây hoa có bán trên thị trường .
- Thưa ông, trong quá trình nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm, ông đã gặp phải những khó khăn gì?
Để đạt dược kết quả như hôm này, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn như: Khó khăn lớn nhất là chế tạo 1 sản phẩm công nghiệp để ứng dụng vào nông nghiệp, việc này ít người làm.
Để làm được chúng tôi phải phối hợp với nhóm nghiên cứu về gốm của Viện Vật lý, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt nam cùng thực hiện. Khó khăn tiếp theo là chứng minh sản phẩm giá thể gốm xốp có các tính năng tốt, có thể áp dụng vào trồng cây tại Việt Nam. Và khó khăn hiện nay là thương mai hóa, đưa sản phẩm ra thị trường, tổ chức tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm.
- Ông đã có được những sự tài trợ/phối hợp từ các cơ quan, tổ chức nào? Họ đã giúp ông ở những giai đoạn nào của sản phẩm?
Vào năm 2012 khi bắt đầu làm, chúng tôi tự bỏ kinh phí chế tạo gốm ở quy mô phòng thí nghiệm. Sau đó vào năm 2014 chúng tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau chuyển sang bộ NN & PTNT) tài trợ kinh phí để chế tạo và thử nghiệm công nghệ chế tạo giá thể gốm xốp.
Hiện nay chúng tôi được tài trợ dự án: “Thương mại hóa giá thể gốm xốp kỹ thuật” của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN – Bộ KH&CN, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia.
Đây là hai nguồn kinh phí rất cần thiết giúp chúng tôi đạt được các kết quả như hiện nay. Ngoài các cơ quan tài trợ trên, nhóm chúng tôi còn được các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ nông dân tại các vùng trồng rau, hoa phối hợp để quảng bá, tổ chức tập huấn, tham gia hội chợ, thử nghiệm các sản phẩm của mình.
Video: Kết nối chuyển giao công nghệ
- Ông dự kiến thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ tập trung và phát triển ở những đâu?
Tôi dự kiến sản phẩm sẽ tập trung phát triển tại các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh, canh tác tại các đô thị, các trang trại, các hộ nông dân vùng ven đô và tại các khu trồng trọt công nghệ cao.
- Để phát triển và thương mại hóa rộng rãi trên thị trường, ông có kế hoạch như thế nào?
Hiện chúng tôi đang xây dựng kế hoạch thương mại hóa rông rãi các sản phẩm theo từng giai đoạn:
Giai đoạn 1: Trồng thử nghiệm và quảng bá các sản phẩm giá thể gốm. Chúng tôi đã tổ chức 1 hội thảo khoa học, 6 lớp tập huấn hướng dẫn cách sử dụng công nghệ trồng rau, hoa, cây trang trí nội thất bằng giá thể gốm xốp kỹ thuật, in 2000 tờ rơi giới thiệu sản phẩm; tham gia 3 hội chợ giới thiệu các sản phẩm giá thể gốm xốp.
Giai đoạn 2: Phối hợp với các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, chuyển bản quyền sản phẩm. Theo tôi các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và thương mại hóa rộng rãi trên thị trường trong giai đoạn tới.
Xin cảm ơn ông!