Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Con trai Đức Phật xin cha chia gia tài, kết quả ra sao?

(VTC News) -

Gặp cha lần đầu tiên khi đã 7 tuổi, con trai Đức Phật theo lời mẹ dặn, níu áo cha xin được ngài trao lại phần gia sản của mình.

Đức Phật có một người con duy nhất, đó là vương tôn La Hầu La (Rahula) được sinh ra khi Phật còn là thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha).

Cậu bé xin Phật chia tài sản

Cậu bé ra đời vào đúng dịp thái tử quyết định rời bỏ gia đình, từ bỏ vị trí người kế thừa ngai vàng cùng đời sống xa hoa thế tục để lên đường tìm đạo.

Khi nhận tin vợ mình, công chúa Da Du Đà La (Yasodhara), sinh con trai, trái với vẻ vui sướng thường thấy ở mọi người cha, thái tử Siddhattha lại than rằng: "Lại thêm một trở ngại, lại thêm một dây trói buộc". Vì thế mà đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đặt tên cháu nội là La Hầu La (có nghĩa là trở ngại, chướng ngại).

Quyết ra đi, thái tử ra lệnh cho người đánh xe thắng yên ngựa, còn mình đến điện của công chúa, khẽ hé cửa nhìn vợ và đứa con sơ sinh đang yên giấc với tấm lòng từ ái nhưng không dao động, rồi rời bỏ cung điện lúc nửa đêm. Lúc đó ngài 29 tuổi. 

La Hầu La lớn lên trong cảnh không cha, được mẹ và ông nội nuôi dưỡng. Lúc Đức Phật thành đạo và trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) gặp lại gia quyến, La Hầu La lên bảy. Vào ngày thứ 7 Phật lưu lại đây, công chúa Da Du Đà La mặc áo chỉnh tề cho con trai, dặn: "Con nhìn kìa, vị sa môn đắp y vàng, trông như một vị Phạm Thiên giữa đám hai vạn tu sĩ! Ngài là cha của con và ngài là một kho tàng vô giá, vô cùng vĩ đại. Từ ngày ngài xuất gia, chúng ta chưa được gặp. Hãy chạy đến và xin ngài trao lại cho con phần gia sản của con".

Tranh vẽ La Hầu La Hầu La gặp cha lần đầu khi lên 7.

Vâng lời, cậu bé ngây thơ đến gần Đức Phật, nói với ngài đầy kính mến: "Bạch Sa môn, chỉ cái bóng của ngài cũng làm cho con hết sức mát mẻ, an vui".

Sau bữa trưa, Đức Phật rời hoàng cung. La Hầu La đi theo ngài và nói lời mẹ dặn: "Kính thưa cha, con là hoàng tử. Sau khi lên ngôi, con sẽ là một vị vua cai trị cả vương quốc. Hiện giờ con đang cần gia sản. Kính xin cha trao cho con, vì tài sản của cha tức là của con".

Rahula còn đi bên cạnh cha nói thêm nhiều chuyện nữa, nhưng không ai ngăn cản. Đức Phật cũng không ngăn. Về đến nơi tăng đoàn lưu trú, Đức Phật suy nghĩ: "Nó muốn gia tài của cha, nhưng tài sản trong thế gian quả thật đầy phiền não. Như Lai sẽ ban cho nó gia tài cao thượng gồm bảy phần mà Như Lai đã thâu đạt dưới cội bồ đề. Như Lai sẽ giúp cho nó trở thành chủ của một gia tài siêu thế".

Vậy là Phật gọi đệ tử Xá Lợi Phất (Sariputta) đến, bảo làm lễ xuất gia làm sadi cho La Hầu La.

Hai con trai xuất gia, đứa cháu trai duy nhất cũng xuất gia nốt, vua Tịnh Phạn đau buồn khôn xiết. Ngài đến gặp Phật và nói: "Khi Đức Thế tôn ra đi, trẫm vô cùng đau xót. Rồi đến Nan Đà (em cùng cha khác mẹ với Phật), và nay lại đến La Hầu La. Tình thương của người cha mất con quả thật như bị ai cắt da, xẻ thịt, cắt gân, cắt luôn cả xương, cả tủy. Xin Đức Thế tôn chấp nhận lời thỉnh nguyện này, sẽ không ban hành lễ xuất gia cho một người con nào mà chưa được cha mẹ cho phép". 

Đức Phật chấp thuận lời thỉnh cầu này và ban hành thành luật.

Cuộc sống xuất gia của La Hầu La

Dù còn nhỏ tuổi, quen sống trong nhung lụa nhưng khi tu hành, sadi La Hầu La thích nghi rất tốt. Cậu bé rất thông minh, biết vâng lời và tôn trọng giới luật, chuyên cần tu học. Mỗi sáng, La Hầu La dậy sớm, ra ngoài bốc  một nắm cát, tung ra và nguyện: "Mong rằng ngày hôm nay ta học được nhiều như bao nhiêu cát đây!".

Đức Phật rất quan tâm dạy bảo vị sadi nhỏ tuổi. Một trong những bài giảng đầu tiên dành cho La Hầu La là về tầm quan trọng của hạnh chân thật. Sau khi rửa chân trong chậu nước mà cậu bé chuẩn bị, Phật để lại ít nước, hỏi: "La Hầu La, con thấy còn lại một chút nước trong thau không?". "Bạch Đức Thế tôn, dạ con thấy". "Cũng thế ấy, La Hầu La, đời sadi quả thật không có nghĩa lý gì nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn".

Sau đó, Phật đổ hết nước trong chậu, nói: "Đời sadi quả thật như bỏ đi, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn". Rồi ngài lật úp cái chậu, bảo: "Đời sadi quả thật bị đảo lộn, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn". 

Cuối cùng, Đức Phật lật chậu lên, để nó ngay ngắn và dạy: "Đời sadi quả thật trống không và vô vị, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Với người nói dối mà không biết hổ thẹn, Như Lai tuyên bố, không có điều tội lỗi xấu xa nào mà người ấy có thể không làm. Do đó, La Hầu La, con phải cố gắng lập tâm quyết định: Dù trong lúc chơi đùa, tôi cũng không nói dối".

La Hầu La nhận được một bài học quý khi hầu Phật rửa chân.

Hôm khác, Đức Phật giải thích cho La Hầu La giá trị của sự suy luận và đức hạnh căn bản, theo cách mà trẻ con cũng có thể lĩnh hội: "La Hầu La, cái gương để làm gì?". "Bạch Đức Thế tôn, để phản chiếu lại hình ảnh". "Cùng thế đó, La Hầu La, trước khi hành động con phải dò xét, suy ngẫm tận tường. Trước khi nói phải dò xét, suy ngẫm. Trước khi nghĩ gì phải dò xét và suy ngẫm tận tường.

Bất luận điều gì con muốn làm, phải suy ngẫm thế này: 'Bây giờ, chính điều này mà ta muốn thực hiện, hành động này có hại cho ta, hay có hại cho kẻ khác, hoặc có hại cho ta và cho kẻ khác'. Vậy thì hành động này là bất thiện, hành động này đem lại phiền não và đau khổ. Hành động như vậy, con phải tránh, không nên làm.

Nếu khi suy luận, con nhận định rằng: 'Bây giờ chính hành động này mà ta muốn thực hiện sẽ không có hại cho ta, không có hại cho ai khác, cũng không có hại cho ta và cho kẻ khác.' Như vậy, đó là hành động thiện, sẽ đem lại an vui và hạnh phúc. Hành động như thế con phải làm"...

Năm 18 tuổi, có lần La Hầu La theo Đức Phật trì bình khất thực. Hai người nổi bật trên phố với phong độ oai nghiêm cao quý. Vị sadi nghĩ: "Ta cũng đẹp đẽ như Đức Thế tôn, cha ta. Thân hình của Đức Phật vô cùng đẹp đẽ và thân hình ta cũng vậy".

Đọc được ý nghĩ này,  Phật dừng chân, quay lại nói: "Bất luận hình dáng đẹp đẽ hay xấu xa, hay thế nào đi nữa, cũng phải được quan sát như vầy: Cái này không phải của ta; cái này không phải là ta; cái này không phải là linh hồn của ta...".

Sau khi nghe giáo huấn, La Hầu La xin phép không đi theo vào làng trì bình nữa mà dừng lại dưới gốc cây, ngồi  chú tâm hành thiền. Sư phụ của La Hầu La - đức Xá Lợi Phất - không biết La Hầu La đang thiền về đề mục mà Phật vừa dạy nên khuyên chú tâm về pháp niệm hơi thở. Sadi thấy khó xử nhưng vẫn làm theo lời thầy, sau đó đến gặp Phật xin được giải thích về điểm này.

Làm đúng theo lời dạy của Đức Phật, La Hầu La thêm chăm chú hành thiền và không bao lâu, khi nghe kinh Cula Rahulovada Sutta, ngài đắc quả A La Hán.

Đại đức La Hầu La nổi tiếng là người rất tôn trọng kỷ luật. Những vần thơ sau trong kinh Theragatha được xem là của ngài:

"Ta được diễm phúc hai lần thọ hưởng phước báu và được bạn hữu gọi là La Hầu La hữu phước', vì là cả hai -- con của Đức Phật và người đã chứng ngộ chân lý.

Thật vậy! (Ta) không còn trở lại nữa (trên thế gian).

A La Hán, ta xứng đáng nhận lãnh lòng tôn kính cúng dường của nhân loại.

Chúng sinh bị nhục dục ngũ trần làm mù quáng.

Những khát vọng của cơ thể vật chất bao trùm lên chúng sanh như một màng lưới kín mít.

Chúng sinh bị bao phủ trong tham ái, không khác nào cá nằm trong rọ.

Nhưng nay ta đã xoay lưng, không còn nghe tiếng gọi của ngũ trần.

Đã cắt đứt và phá vỡ mọi thằng thúc,

Đã tận diệt tham ái, bứng tận gốc rễ.

Giờ đây ta mát mẻ, thanh bình, an lạc.

Bao nhiêu lửa đã bị dập tắt".

Mười bốn năm sau khi Đức Phật thành đạo, sadi La Hầu La trở thành tỳ khưu. Ngài viên tịch trước Đức Phật và cả sư phụ Xá Lợi Phất.

Huyền Vy

Tin mới