Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Con tôi rất láo vì biết ông bà nội ‘to’ hơn bố mẹ

(VTC News) -

Khi tôi buộc con trai 7 tuổi ngừng chơi game trên chiếc điện thoại bà nội cho mượn, nó nổi giận hét: “Bà nội to hơn mẹ, bà cho con chơi, mẹ không được cấm!”.

Tôi đang cực kỳ bế tắc và bức xúc. Con tôi sắp hư đến nơi nhưng không cách nào dạy được vì vấp phải sự cản trở từ bố mẹ chồng. Một phần vì quan điểm giáo dục trẻ em khác nhau, một phần có lẽ vì ghét tôi nên ông bà nội luôn can thiệp vào việc dạy con của tôi, và can thiệp ngay trước mặt cháu khiến hai vợ chồng không “đỡ” được.

Chẳng hạn, đến bữa cơm, thấy con cầm bát ăn luôn, tôi nhắc mời ông bà, bố mẹ… nhưng nói chưa hết câu, bố chồng đã gạt phắt: “Cứ ăn đi con, không phải mời. Khổ thân thằng bé, đói đến thế rồi mà mẹ nó còn thủ tục nọ kia”.

Tôi luôn dạy con là có thể bày bừa đồ chơi thoải mái, nhưng khi không chơi nữa thì phải dọn hết và cất đi để nhà cửa gọn gàng và mọi người đi qua không đá hay giẫm phải. Thấy con đổ cả thùng Lego ra sàn, đến khi không chơi nữa thì mặc nhiên đứng dậy, tôi nhắc, thằng bé quay lại đang định dọn thì bà nội nói to: “Bi ra đây uống sữa, Lego để đó mẹ mày không dọn được thì bà dọn”. Vậy là thằng bé sung sướng chạy lại với bà.

Sau những lần như vậy, con tôi dễ dàng nhận ra ông bà nội có quyền chặn đứng những mệnh lệnh của bố mẹ dành cho nó, và sự can thiệp đó phù hợp hơn với mong muốn của nó. Vì thế, cháu rất biết lợi dụng quyền lực của ông bà những khi không muốn làm theo yêu cầu của bố mẹ.

Tôi không muốn con nghiện thiết bị điện tử nên quy định mỗi tối chỉ được dùng điện thoại nửa tiếng để xem clip hoặc chơi game, nhưng ông bà nội vẫn luôn đưa máy của họ cho thằng bé chơi rất lâu. Những lúc tôi không có mặt thì chẳng nói làm gì, những lúc có mặt bố mẹ, ông bà cũng công khai làm ngược với quy tắc chúng tôi đề ra cho con trẻ.

(Ảnh minh họa: AI)

Hôm qua, tôi cố nhịn khi bà nội đưa điện thoại cho Bi, 1 tiếng sau mới yêu cầu con bỏ máy xuống. Thằng bé không hề ngẩng lên, chống lệnh bằng câu: “Bà nội cho phép con chơi thoải mái”. Tôi kiên quyết giằng lấy điện thoại trong tay con, nó nổi giận hét: “Bà nội to hơn mẹ, bà cho con chơi, mẹ không được cấm!”.

Nhìn ánh mắt có ý thách thức kiểu “mẹ không có quyền” trong mắt nó, tôi thấy đau nhói cả tim. Sau đó bà nội từ trong phòng chạy ra, “xoa dịu” bằng một câu khiến tình hình càng thêm bế tắc và tôi càng thêm bất lực: “Thôi mẹ xin phép con, cho nó chơi thêm một chút, khổ thân Bi còn bé tí đã học hành vất vả. Cứ để nó chơi, có gì mẹ chịu trách nhiệm”. Bà đã nói thế, tôi coi như hết cách phản kháng.

Kiểu dung túng cháu và cố tình đối nghịch với bố mẹ của ông bà nội khiến con tôi trở nên hỗn, thậm chí là láo, sẵn sàng cãi lại, chống lệnh bố mẹ, lấy ông bà ra làm “thế lực chống lưng”. Điều đáng nói là những lúc ông bà không có mặt, cháu hoàn toàn không dám thế mà răm rắp nghe lời. Với cái kiểu “khôn” như vậy, con tôi sẽ hư mất nếu bố mẹ và ông bà cứ thể hiện sự “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” ngay trước mắt nó.

Vợ chồng tôi đã góp ý với ông bà rất nhiều về việc này, nhưng lần nào họ cũng dùng cách giận dỗi để lảng tránh đối thoại. Tôi nghĩ rất nhiều nhưng vẫn chưa tìm ra cách nào để thay đổi thực trạng, xin mọi người cho lời khuyên, làm sao để tôi lấy lại quyền dạy con, lấy lại ảnh hưởng, uy lực với con cái khi phải sống chung với bố mẹ chồng (chúng tôi hoàn toàn không có cơ hội ra riêng)?

Độc giả có ý kiến chia sẻ, tư vấn, xin gửi vào box bình luận bên dưới. 

Nếu bạn có những khúc mắc trong cuộc sống, xin đừng ngần ngại gửi cho chúng tôi để nhận được sự sẻ chia chân thành và lời khuyên nghiêm túc của độc giả. Ý kiến xin gửi đến toasoan@vtcnews.vn.

THANH HẰNG

Tin mới