Video: Bóng cây kơ nia cô đơn
“Buổi sáng em lên rẫy/ Thấy bóng cây kơ nia/ Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ/ Buổi chiều mẹ lên rẫy/ Thấy bóng cây kơ nia/ Bóng tròn che lưng mẹ/ Về nhớ anh mẹ khóc” – hình ảnh kơ nia trong trong bài thơ Bóng cây kơ nia của Ngọc Anh, được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thành nhạc phẩm bất hủ, đã thôi thúc chúng tôi lặn lội đi tìm.
Cách TP Buôn Ma Thuột tầm 60 km, Chư Yang Sin - đỉnh núi nằm trải dài giữa 2 huyện Krông Bông và Lắk, tỉnh Đắk Lắk, được ví von là nóc nhà của đại ngàn. Sau hành trình dài ngày lùng sục khắp miền sơn cước, rốt cuộc chúng tôi cũng thỏa nỗi mong chờ khi được “mục sở thị” cây kơ nia hiếm hoi còn sót lại ở buôn Paia, xã Đắk Phơi, huyện Lắk.
Đồng bào Ê Đê trong vùng vẫn thường gọi cây kơ nia phủ bóng bên bờ suối Đá (con suối như ranh giới chia cắt buôn Paia và vườn quốc gia Chư Yang Sin) bằng cái tên kơ nia cô đơn.
Già làng Y Hai Liêng Hót (67 tuổi) kể rằng, khi xưa buôn làng nằm trải dài ven suối Đá, kơ nia mọc san sát bên triền đồi, in bóng trên từng cung đường lớn nhỏ trong buôn. Cũng không ngoa khi nói rằng, nhìn đâu cũng thấy bóng kơ nia.
“Thuở ấy, ban ngày đi làm rẫy thấm mệt, bà con tìm đến các gốc kơ nia tựa lưng nghỉ ngơi, nhặt hạt ăn lót dạ. Buổi tối, dân làng cũng thường quây quần bên các cây kơ nia cổ thụ hát khan. Cây kơ nia trở thành hình ảnh ăn sâu vào trong tiềm thức của cư dân bản địa, từ người già cho tới con trẻ”, già Hót nói.
Theo dòng chảy của thời gian cùng những cuộc di dân từ nơi khác đến, cây kơ nia ở Paia bị “tàn sát” không thương tiếc. Người ta đốn hạ kơ nia để lấy đất phục vụ canh tác, sản xuất. Dần dà, bóng cây kơ nia cũng thưa dần qua năm tháng.
“Phá mãi rồi cũng hết, hiện tại cả buôn chỉ còn đúng cây kơ nia gần 50 năm tuổi này. Hai năm trước, một nhóm người từ nơi khác đến buôn, lợi dụng đêm khuya mang rìu tới với ý định chặt hạ cây. May sao, tôi phát hiện và ngăn chặn, giờ dưới gốc cây vẫn còn dấu rìu. Mới năm ngoái, có người nài nỉ tôi bán cây kơ nia với giá 50 triệu đồng nhưng tôi nhất quyết từ chối. Tôi quan niệm, kơ nia là cây của Yàng (ông trời), nơi thần linh trú ngụ, đặc biệt là cây cổ thụ, nên tôi phải giữ lại bằng mọi giá”, già Hót nói.
Cứ vào dịp đầu năm mới, dưới gốc cây kơ nia ba người ôm không xuể, già Hót cùng đồng bào trong buôn thành tâm cúng kiếng, cầu nguyện cho cây được trường tồn, quanh năm xanh tốt.
Rời buôn Paia, chúng tôi tiếp tục lặn lội hàng trăm cây số để tìm về thôn An Phong, xã Phú An, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai. Sớm mai, ngôi làng bình yên đắm chìm giữa màu xanh bạt ngàn núi đồi cà phê, đồng lúa. Từ xa xa là những tán cây cổ thụ vươn mình tỏa bóng mát cả một vùng rộng lớn.
Đưa khách tham quan đình An Mỹ, thôn An Phong, ông Văn Thanh Cần (66 tuổi) – thuộc ban quản lý đình An Mỹ cho biết, tương truyền, để ghi nhớ công đức to lớn của vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, người dân đã đóng góp công sức, vật liệu xây dựng đình An Mỹ. Ngôi đình dựng trên gò đất có nhiều cây to. Cách gò khoảng 500m tương truyền là nơi nghĩa quân Tây Sơn dừng chân, kiểm đếm quân số trước khi tiến xuống đồng bằng.
Trước đây, xung quanh đình là rừng cây rậm rạp với phần lớn cây kơ nia. Loài cây này mang nhiều ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và bà con vùng Tây Sơn thượng đạo nói riêng.
Các cụ trong ban nghi lễ đình An Mỹ kể: Khi ba anh em nhà Tây Sơn xuất quân tiến xuống đồng bằng, đến gần đèo An Khê, bất ngờ có một con rắn đen như gỗ mun, to như cột đình ra nằm chặn giữa đường. Trong hàng ngũ tướng lĩnh và nghĩa quân có người cho rằng, đây là điềm gở, đề nghị thu quân. Nhưng Nguyễn Huệ đã tiến lên, rút kiếm chém đứt đôi con rắn, lấy máu tế cờ và hòa rượu cho binh sĩ uống. Sau đó, Nguyễn Huệ cho quân trèo lên cây ké phất cờ và cây kơ nia gần đó nổi trống làm hiệu tiến binh. Từ lần xuất quân này, nghĩa quân Tây Sơn lập được nhiều chiến công vang dội, hiển hách như Rạch Gầm - Xoài Mút, Ngọc Hồi - Đống Đa.
Cây kơ nia thường mọc rải rác, đơn lẻ, có sức sống mãnh liệt. Cũng chính vì thế, dân gian có nhiều giai thoại về loại cây này. Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở một làng nọ có cặp vợ chồng nghèo, hiền lành, mãi chưa sinh con đẻ cái. Ngày ngày cả hai đến bên sườn núi hiến tế, cầu xin thần linh ban cho một đứa con. Sau đó, họ hạ sinh được một đứa con gái và đặt tên là Kơ Nia.
Tuy nhiên, do gia đình có một khoản nợ lớn không trả được, ngay khi bố mẹ qua đời, Kơ Nia bị người ta bắt về làm người ở để trừ nợ. Công việc nương rẫy quá khổ cực khiến sức khỏe của cô ngày càng giảm sút. Rồi một ngày, Kơ Nia kiệt sức, nằm giữa mảnh đất cằn cỗi đầy gió rồi không bao giờ tỉnh lại nữa. Từ nấm mộ giữa rẫy hoang ấy mọc lên một loại cây thẳng tắp sừng sững, vươn cao, rợp mát giữa trời xanh.
Theo ông Cần, thân cây kơ nia trong đình An Mỹ cao hơn 17m, phần gốc phải bốn người lớn đan tay vào nhau mới ôm xuể, tán cây quanh năm phủ bóng mát lên cả khu vực rộng 400m2.
“Cây kơ nia là báu vật của buôn làng, gắn với lịch sử phát triển, đời sống văn hóa của đồng bào Tây Nguyên. Trong quá trình bảo vệ đình An Mỹ, chúng tôi cũng đã tuyên truyền cho bà con không được xâm phạm vào cây kơ nia vì đây là biểu tượng tâm linh của buôn làng”, ông Văn Thanh Cần nói.
Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tâm niệm, kơ nia là cây thần, cây thiêng, cây tâm linh, cây biểu tượng cho tinh thần bất khuất. Họ cho rằng cây luôn có thần linh trú ngụ nên không bao giờ chặt đốn. Nhưng thời gian qua, làn sóng di cư kéo theo việc lập buôn làng mới, “xí” đất dựng nhà, canh tác khiến bóng cây kơ nia dần đi vào dĩ vãng.
Ông Cần nói ngày xưa, vùng này nhiều cây kơ nia lắm. Kơ nia thấp thoáng xa xa, cao hẳn lên trên tán rừng, đó là điểm đánh dấu buôn làng. Chỉ cần nhìn thấy cây kơ nia là biết ở đó có làng.
“Bây giờ, cây kơ nia còn ít quá”, ông Cần nói.
Theo ông Cần, nguyên nhân cây kơ nia ngày một vắng bóng là do người ta chặt hạ lấy gỗ và vấn nạn phá rừng làm nương rẫy. Trong khi đó, do đặc điểm rễ cọc ăn sâu vào lòng đất nên kơ nia rất khó di thực (dẫn giống, phát triển một loài cây nào đó từ bản địa đến khu vực trồng trọt mới). Ngoài ra, vỏ hạt kơ nia rất dày nên không hề dễ ươm.
Ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk kể, hồi năm 2006, trong đợt công tác khảo sát, điều tra, thống kê, cán bộ bảo tàng tỉnh dò tìm cây kơ nia, song kết quả cho thấy một thực tế rất buồn là cây con kơ nia rất hiếm. Dẫu dưới những gốc cây kơ nia cổ thụ hiếm hoi có rất nhiều hạt, quả già có, non có, cũ có, mới có... nhưng không hề có cây con.
“Chúng tôi nhặt rất nhiều hạt khô, tươi và trái đem về nhờ các anh trong đội chăm sóc cây cảnh, hoa cỏ tại Bảo tàng Đắk Lắk ươm. Tuy nhiên, sau nhiều tháng đợi chờ, chẳng có cây con nào được ươm thành công. Hạt tươi lẫn khô không nảy mầm”, ông Một nói.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật cho biết, trong năm 2022, huyện Lắk đã nhân giống và gửi tặng khoảng 400 cây kơ nia. Đợt tiếp nhận gần nhất có 3 cây kơ nia lớn và 200 cây nhỏ. Thành phố đã trồng 2 cây tại Quảng trường
10/3, một cây tại Hoa viên Ngô Thì Nhậm, phường Tân An. 200 cây nhỏ sẽ được chăm sóc tại vườn ươm để sử dụng khi thành phố có nhu cầu.