“Cháu rất khoẻ mạnh, hạnh phúc khi được sống với lá phổi mới và tràn đầy năng lượng trong từng nhịp thở. Sắp tới cháu sẽ tiếp tục được đi học như bao bạn bè khác”, Anh Thư xúc động nói.
TS.BS Đinh Văn Lượng, giám đốc bệnh viện chia sẻ, hành trình ghép phổi để cứu sống cô gái mang đến cho những người thầy thuốc nhiều cảm xúc. Với thành công này, chương trình ghép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách hệ thống ghép phổi trên thế giới.
Sự thành công của ca ghép phổi cho thấy Việt Nam tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng. Đây là thành tựu tiêu biểu của ngành y tế Việt Nam, mang lại những giá trị lớn cho sức khỏe người bệnh và nhân dân.
Lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương chúc mừng người bệnh Phạm Anh Thư được ra viện. (Ảnh: BVCC)
Năm 2020, Anh Thư thấy khó thở, đi khám được chẩn đoán mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM), hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ. Đây là bệnh hiếm và thường xảy ra ở người trẻ. Bệnh này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi.
Tháng 10/2023, tình trạng sức khoẻ của em chuyển biến nặng, phải trợ thở oxy vượt quãng đường dài từ Bắc Kạn xuống Bệnh viện Phổi Trung ương. Các bác sĩ tiên lượng, người bệnh khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi.
13h ngày 8/2 (29 Tết Giáp Thìn), Bệnh viện Phổi Trung ương nhận thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Người cho tạng là nam thanh niên 26 tuổi chết não do tai nạn giao thông. Nhiều tạng và bộ phận cơ thể anh được đánh giá có thể lấy được để cứu nhiều cuộc đời khác.
Khi có tin người hiến phổi, chương trình ghép phổi được kích hoạt khẩn cấp. Bệnh viện Phổi Trung ương huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia, đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội.
Sau khi hội chẩn với GS Jasleen, Giám đốc trung tâm ghép phổi UCSF (là Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Mỹ), GS.TS Lê Ngọc Thành (Chủ tịch hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực Việt Nam), TS.BS Nguyễn Công Hựu (Giám đốc Bệnh viện E) quyết định thực hiện ca ghép phổi này.
Ca phẫu thuật được thực hiện ngày 9/2 (30 Tết), kéo dài 12 giờ. Với sự hỗ trợ của hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO), các bác sĩ lần lượt ghép phổi trái và phổi phải.
12 giờ sau mổ, Anh Thư tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của lá phổi mới trong giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và kíp ghép. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, em phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.
Sau 14 giờ, các bác sĩ rút ống nội khí quản thành công. Ngày thứ 3, cô gái có thể đi lại trong 5 phút liên tục, với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Em được rút hết đường truyền tĩnh mạch trung tâm, được rút ống dẫn lưu khí màng phổi trái và ăn bữa ăn đầu tiên. Ngày thứ 4 sau mổ, em được rút ống dẫn lưu khí màng phổi 2 bên. Ngày thứ 5, em có thể đi lại rất tốt.
Ca ghép thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF. Trên thế giới ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn.