Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bé trai 6 tuổi hồi sinh từ quả thận của mẹ

(VTC News) -

Sinh ra chỉ có một quả thận, lại bị tiêu sản, suy thận giai đoạn cuối, bé trai 6 tuổi được hồi sinh từ quả thận của mẹ hiến cho.

TS.BS Nguyễn Thu Hương - Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé trai 6 tuổi ở Thái Nguyên, sinh ra chỉ có một quả thận bên phải và quả thận này bị tiêu sản. Bé chậm phát triển thể chất do suy thận mạn tính, dù 6 tuổi nhưng nặng 12kg, cao 110cm.

Năm 2029 tình trạng của trẻ chuyển biến nặng, được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, ghép thận là phương pháp duy nhất cứu sống bệnh nhi.

Sau nhiều cuộc thăm khám, đánh giá, tháng 9/2019, bệnh nhi được phẫu thuật ghép thận với người cho là mẹ ruột. Ca ghép kéo dài nhiều giờ cứu sống cậu bé 6 tuổi, tìm lại cho cậu cuộc sống mới.

Sau gần 3 năm ghép thận, sức khoẻ của bé tiến triển tốt, từ cân nặng 12kg, cao 110cm trẻ tăng lên 21kg cao 125 cm, không cần can thiệp lọc máu, có thể sinh hoạt, đi học bình thường. Bệnh nhi được hẹn thăm khám định kỳ tại viện để đảm bảo sức khoẻ sau ghép.

 Bé trai 6 tuổi suy thận được phẫu thuật đã có cuộc sống khoẻ mạnh. (Ảnh: BVCC)

Từ năm 2004 đến nay Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công 62 ca ghép thận, mở ra nhiều trang mới cho cuộc đời của các bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối. Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu tiên và là một trong hai đơn vị duy nhất ghép thận trẻ em tại Việt Nam. Ca ghép thận nhỏ tuổi nhất được thực hiện tại bệnh viện là bệnh nhi 5 tuổi, ở Hải Phòng, ghép thận năm 2010.

ThS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, suy thận mạn ở trẻ em là tình trạng trẻ bị suy giảm chức năng thận, dẫn đến sự ứ đọng nước, các chất độc hại trong cơ thể, gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.

Trẻ mắc suy thận có thể gặp tình trạng đau nhức do sưng phù chân tay nặng, tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, phù phổi. Suy thận khiến trẻ thiếu máu, tăng kali trong máu dẫn đến tử vong, xương trẻ bị yếu, giòn, dễ gãy, kém tập trung do hệ thần kinh bị tổn thương, hệ miễn dịch bị suy giảm dẫn đến nguy cơ mắc kèm nhiều bệnh lý khác.

“Suy thận mạn còn gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống của trẻ khi thường xuyên phải thăm khám, điều trị tại bệnh viện”, bác sĩ Ngọc nói. Trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối chưa ghép thận, được điều trị phương pháp thay thế thận nhân tạo sẽ phải đến bệnh viện liên tục 3 – 4 lần/ tuần, khiến trẻ không thể đi học, vui chơi như các bạn cùng lứa tuổi và cũng gây gánh nặng kinh tế cho gia đình.

ThS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc – Khoa Thận và Lọc máu đang thăm khám cho 1 bệnh nhi suy thận. (Ảnh: BVCC)

Hiện có khoảng 850 triệu người trên thế giới mắc các bệnh lý về thận do các nguyên nhân khác nhau. Con số này gấp đôi số lượng người bệnh tiểu đường và gấp 20 lần so với bệnh ung thư. Người bệnh mắc suy thận mạn giai đoạn cuối để duy trì sự sống sẽ phải điều trị thay thế thận. Một trong các phương pháp điều trị thay thế thận tối ưu và mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất là ghép thận.

Vị bác sĩ khuyến cáo, khả năng chữa khỏi bệnh suy thận ở mỗi bệnh nhi là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn, nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng, cũng như khả năng đáp ứng phương pháp điều trị. Cha mẹ nên chủ động đưa con đi thăm khám nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh suy thận hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp, trẻ sẽ có cơ hội phục hồi hoàn toàn.

Với bệnh nhi được chẩn đoán suy thận cấp, cha mẹ cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, không tự ý bỏ thuốc, không sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, tránh làm tình trạng trẻ nặng hơn và chuyển từ suy thận cấp sang suy thận mạn.

Nguyễn Ngoan

Tin mới