Chiều 17/10, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 1 công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật lấy, ghép thận giữa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 175.
Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết, đến nay đã có 6 ca ghép thận thành công, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chuyển giao kỹ thuật lấy ghép thận giữa hai Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 175.
Ông Trần Quốc Việt, Giám đốc BV Quân y 175 phát biểu tại hội nghị.
"Cách đây hơn hai tháng, ca ghép thận đầu tiên thành công tại bệnh viện được xuất viện. Hành trình đào tạo chuyển giao đã trải qua hơn hai năm nhưng mới triển khai quyết liệt hơn một năm, từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2023. 6 ca ghép thận thành công cho thấy sự nỗ lực, thành công về công tác đào tạo chuyển giao kỹ thuật giữa hai bệnh viện", ông Việt cho hay.
Theo ông Việt, kỹ thuật ghép thận thực sự rất khó đối với các bệnh viện, đây chính là kỹ thuật mũi nhọn để bệnh viện có thể phát triển không chỉ ngoại khoa mà từ nội khoa tới cận lâm sàng, điều phối, quản lý chất lượng, kiểm soát nhiễm khuẩn.
"Hy vọng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ Bệnh viện Quân y 175 ở giai đoạn 2 của công tác ghép thận, tương lai sẽ hỗ trợ các kỹ thuật ghép tạng khác của bệnh viện, mở ra cơ hội cho hàng nghìn bệnh nhân khác", ông Việt nói.
Bệnh viện Quân Y 175 thực hiện ca ghép thận đầu tiên. (Ảnh: BVCC)
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Hồng Bàng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhận định những ca ghép thận đã cho thấy sự thành công trong công tác chuyển giao kỹ thuật giữa hai BV quân y lớn ở hai đầu Nam Bắc.
Ông Bàng chia sẻ, so với thế giới, ghép mô tạng ở Việt Nam đã đi chậm hơn nhiều. Tuy nhiên cố gắng của chúng ta từ những ngày đầu tiên cũng đã có kết quả. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép ca thận đầu tiên cách đây gần 7 năm, giờ đã trở thành trung tâm ghép mô tạng hàng đầu cả nước. Cho đến nay đã ghép thận được khoảng 300 ca và ghép được 8/11 mô tạng chính của cơ thể người.
Theo ông Bàng, không phải bệnh viện nào cũng đủ điều kiện để thực hiện một ca ghép tạng. Hơn nữa khó khăn hiện nay là nguồn tạng hiến. Việc điều phối, tổ chức triển khai thực hiện ghép tạng như một “cuộc đánh trận lớn”.
"Tuy nhiên nếu kỹ thuật đã trở thành thường quy, công tác ghép tạng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tôi mong muốn việc chuyển giao kỹ thuật với Bệnh viện Quân y 175 không chỉ dừng lại ở ghép thận mà phải tiếp tục phát triển bền vững, tiến tới ghép gan và các mô tạng khác", ông Bàng chia sẻ.
Cấy ghép nội tạng là việc di chuyển nội tạng từ người này sang người khác hoặc từ vị trí này sang vị trí khác trên cùng một cơ thể người, nhằm thay thế nội tạng bị mất hoặc hư hỏng.
Nội tạng và mô được cấy ghép trong nội bộ một cơ thể được gọi là autograft. Việc cấy ghép được thực hiện trên hai cá thể cùng loài gọi là allograft. Việc lấy nội tạng này có thể thực hiện trên người sống hoặc người đã chết.