Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, kết thúc học kì 1 năm học 2020-2021, cả nước có hơn 406 nghìn giáo viên cấp tiểu học, tăng gần 6.140 giáo viên so với năm học trước.
“Trong hơn 6.000 giáo viên được tuyển dụng mới, một điều rất đáng mừng là ngoài giáo viên các môn học bắt buộc thì các địa phương đã bắt đầu quan tâm đến việc tuyển giáo viên các môn học mới như môn Tiếng Anh, Tin học. Riêng học kỳ 1 năm học vừa qua, toàn quốc có 9.590 giáo viên môn Tin học (tăng 1.000 so với năm ngoái), dù môn học này hiện là môn tự chọn đối với lớp 1”, ông Tài nói.
Tuy nhiên, theo ông Tài đó là về mặt số lượng và có thể chỉ tập trung ở một số địa phương thuận lợi.
“Còn nếu theo dõi chung toàn ngành, giáo viên của 2 môn Tin học và Tiếng Anh rất khó tuyển ở một số địa phương. Thậm chí có chỉ tiêu nhưng không tuyển được”, ông Tài nói.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học.
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho hay, ở cấp tiểu học chương trình phổ thông 2000 thì môn Tin học là môn tự chọn. Do đó, tỉnh cũng gặp khó trong vấn đề đội ngũ giáo viên khi chuyển sang chương trình mới.
Cùng đó, qua rà soát để có thể thực hiện chương trình phổ thông mới, tỉnh này còn thiếu cả giáo viên Tiếng Anh.
Ông Khanh cho hay, một số trường hợp có trình độ cử nhân Tiếng Anh nhưng không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Vì vậy, Phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang đề xuất Bộ GD-ĐT có thêm thông tư về bồi dưỡng sư phạm cho đội ngũ này để hỗ trợ địa phương tuyển được giáo viên. Đây cũng là đề xuất của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng thông tin địa phương đang thiếu rất nhiều giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và Thể dục.
“Một trong những điều mà chúng tôi đang lo là có chỉ tiêu nhưng không có nguồn tuyển. Đây là điều rất bất cập”, ông Trà nói.
Đại diện Sở GD-ĐT các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Bến Tre cũng nêu lên thực trạng và cảnh báo vấn đề thiếu hụt giáo viên. Từ đó, đề xuất Bộ GD-ĐT cần có cơ chế để tuyển giáo viên Tin học, Ngoại ngữ mới cho lớp 3, tạo điều kiện cho các địa phương có đủ giáo viên thực hiện chương trình phổ thông mới.
Giải quyết vướng mắc trong tuyển giáo viên
Về điều này, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay, thông tư ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có trình độ cử nhân muốn trở thành giáo viên ở một số môn học còn thiếu giáo viên như ngoại ngữ, tin học đang được hoàn thiện để trình lãnh đạo Bộ ký ban hành.
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT). (Ảnh: Thanh Hùng)
“Khi thông tư này có hiệu lực thi hành thì các cơ sở đào tạo giáo viên có đủ điều kiện sẽ tổ chức việc bồi dưỡng này và cá nhân nào có nhu cầu sẽ tham gia; các địa phương có thể thực hiện việc này”, ông Bình cho hay.
Về nguồn tuyển, theo ông Bình, mới nhất ngày 26/1/2021, Bộ GD-ĐT đã có công văn 371 gửi UBND các tỉnh, thành về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022-2023. Theo đó, đề nghị rất rõ các địa phương phải rà soát số giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học ở từng trường và báo cáo số còn thiếu, số được tuyển theo hình thức biên chế và hợp đồng, năng lực và trình độ của giáo viên... để có căn cứ cho các địa phương tiếp tục bố trí biên chế, giao số người làm việc và thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng.
“Để chuẩn bị đội ngũ cho năm học 2022-2023, trong văn bản cũng nêu rất rõ các phương án, trong đó có việc chủ động nguồn tuyển giáo viên Tiếng Anh dạy tiểu học. Địa phương phải đặt hàng các cơ sở đào tạo, đặt hàng đào tạo liên thông, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh có nguyện vọng trở thành giáo viên,...”, ông Bình nói.
Ngoài ra, theo ông Bình, các địa phương cần có phương án trong bố trí biên chế tuyển dụng, hợp đồng lao động, ký hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên hoặc dạy học trực tuyến,...
“Đảm bảo đến năm học 2022-2023, tất cả các trường học của chúng ta chủ động và không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh”, ông Bình cho biết.
Đối với số giáo viên còn thiếu mà không thể giải quyết bằng cách bổ sung biên chế, ông Bình cho hay hiện nay các địa phương có thể theo Nghị quyết 102 để hợp đồng.
“Do đó, ngoài biên chế hiện có, các địa phương nếu bổ sung được thì tốt còn nếu chưa thì dùng hình thức hợp đồng lao động để có đủ giáo viên. Chúng tôi đề nghị các Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh giao đủ định mức số người làm việc, trong đó có số biên chế và số hợp đồng. Có như vậy mới có kinh phí để ký hợp đồng giáo viên.
Hiện nay, các Sở GD-ĐT mới chỉ tham mưu UBND cấp tỉnh để giao biên chế, do đó vẫn thiếu kinh phí lao động hợp đồng nên nhiều trường loay hoay, vất vả việc này”.