Sáng 6/8, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT chỉ ra tồn tại, hạn chế khi hiện nay một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định.
Một số địa phương tinh giản biên chế với ngành giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%), do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Báo cáo Bộ GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho biết, tỉnh đang gặp khó khăn vì thiếu giáo viên. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh thiếu khoảng 1.000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non chiếm khoảng 60 - 70%. Trong khi nguồn lực con người (biên chế, tuyển dụng) cho đến tài chính ngành giáo dục không thể chủ động được sẽ gây ra nhiều khó khăn.
"Ngành GD&ĐT Kiên Giang từ năm 2015 đến nay chưa được giao thêm biên chế nên rất khó khăn, phát sinh nhiều bất cập. Tỉnh nhiều lần đề nghị với Bộ Nội vụ, tỉnh, tổ chức đoàn đến làm việc với các cơ quan Trung ương nhưng vẫn chưa được giải quyết", bà Giang nói.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 tại điểm cầu Hà Nội.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Kiên Giang, nguyên nhân chính là do Trung ương giao quyền quyết định biên chế giáo viên cho địa phương, cần đến đâu giao đến đó. Nhưng sau khi có Nghị định 41 của Chính phủ năm 2012 được ban hành, quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập phải được Bộ Nội vụ trình Chính phủ mới thực hiện được; dẫn tới việc phê duyệt này rất chậm.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đưa ra thực tế địa phương có nhiều khu công nghiệp, di dân cơ học nhiều. Vì vậy, khó khăn đặt ra cho tỉnh là làm sao thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương, nhưng cũng phải đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng "ở đâu có lớp học, ở đó có giáo viên".
Từ đó, địa phương phải đối mặt với bài toán: Trường công lập giảm, nhưng đội ngũ giáo viên tiếp tục phải tăng.
Theo ông Hiển, bài toán này cần đặt ra tổng thể để có cơ chế, chính sách huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho ngành giáo dục-đào tạo. Đồng thời, ông cũng đề nghị cấp trên nghiên cứu để có chính sách đặc thù cho địa phương có nhiều khu công nghiệp, di dân cơ học.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, một số địa phương quy hoạch, phát triển trường học còn chậm, nhất là khu công nghiệp. Vấn đề đội ngũ giáo viên vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, dẫn tới bất cập trong điều hành quản lý.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng giáo viên hợp đồng, tuyển dụng giáo viên còn bất cập ở một số địa phương. Chính sách đội ngũ giáo viên còn chưa thực hiện được như: Thang bảng lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, chế độ phụ cấp cho nhà giáo…
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để báo cáo Chính phủ quan tâm đến xây dựng thể chế nhằm thu hút đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng,
Năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Cụ thể, bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên. Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Quảng Ngãi có 6 huyện (gồm Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, Nghĩa Hành, Minh Long) trong diện sắp xếp lại. Căn cứ vào tình hình thực tế, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Sở Nội vụ tích cực tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ đồng ý cho 6 huyện nói trên được sử dụng giáo viên hợp đồng.
Còn tại Hà Nội, trong kỳ họp HĐND nêu phương án của UBND Hà Nội đưa ra là xét tuyển hết số giáo viên đã ký hợp đồng, đóng bảo hiểm trên 5 năm rồi mới thi tuyển số giáo viên còn lại.