Nghị định 126/NĐ-CP được Bộ Tài chính trình và Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 5/12 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế đang gây nhiều tranh cãi từ các chuyên gia tài chính và cộng đồng doanh nghiệp. Phần lớn đều cho rằng quy định đã làm khó, khiến hàng trăm doanh nghiệp có nguy cơ bị phạt oan trong quá trình nộp thuế.
Đại diện một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, nếu theo quy định của Nghị định 126/2020, đến 30/10, doanh nghiệp sẽ phải nộp 75% số thuế của năm. Do đó, công ty phải tính được quý 4 doanh thu là bao nhiêu. Chẳng hạn, doanh nghiệp dự số thuế phải nộp là 100 tỷ đồng, ngày 30/10, công ty sẽ phải nộp 75 tỷ đồng. Nếu chỉ nộp 50 tỷ thì sẽ bị phạt phí chậm nộp 0,03%/25 tỷ đồng chậm nộp.
Một trong những điểm mới nữa theo Nghị định 126/2020 của Chính phủ về hướng dẫn Luật quản lý thuế, là việc ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Theo lý giải của đại diện Tổng cục thuế, đây có thể coi là “công cụ” đắc lực trong quản lý thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube... góp phần ngăn chặn trốn thuế. Tuy nhiên, tính khả thi của Nghị định này vẫn đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận.
Phân tích với VTC News, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng nhận định, quy định quản lý thuế kiểu mới này đang vô tình “vắt” sức lực của doanh nghiệp trước tác động của COVID-19.
Ông Long nhấn mạnh, thay vì tháo gỡ, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu thuế lâu dài thì nghị định này lại đánh thuế, phạt thuế.
PGS.TS Ngô Trí Long.
Vì thế, tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết, ngành thuế cần có điều chỉnh kịp thời đối với quy định này. Theo ông Long, đây không phải là giải pháp tối ưu để thu thuế đối với doanh nghiệp.
“Tình trạng chậm thuế, trốn thuế là có nhưng không vì một trường hợp mà làm khó với nhiều trường hợp được. Việc nhiều doanh nghiệp không tuân thủ thì đó là trách nhiệm giám sát, thanh tra của cơ quan thuế, không vì một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định mà đánh đồng tất cả được”, ông Long nói.
Liên quan đến việc ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, theo ông Ngô Trí Long, nếu cho phép ngân hàng khấu trừ thuế ngay trên tài khoản khách hàng sẽ ảnh hưởng đến quyền về tài sản của người dân. Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc này sẽ khiến nhiều người không dám thanh toán, giao dịch qua ngân hàng mà quay lại sử dụng tiền mặt nhiều hơn.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (Hàm Phó TGĐ) Ngân hàng BIDV - cho rằng quy định này được cho là không khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 3 quý đầu, doanh nghiệp đã tạm nộp 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp của cả năm. Đến quý 4, nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn các quý trước thì lại đối mặt với rủi ro phạt chậm nộp. Điều này có thể làm giảm động lực phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.
Theo ông Cấn Văn Lực, nếu cho rằng quy định nhằm vào việc thu thuế hiệu quả đối với các tập đoàn như Google, Facebook, Youtube, Amazon thì vấn đề này tương đối khó. Bởi những khó khăn, bất cập trong việc thu thuế từ các tập đoàn này theo ông Lực là khó khăn với nhiều nước chứ không chỉ riêng Việt Nam,
“Việc định hình bản chất hay nguồn gốc của những giao dịch đó là không dễ”, ông Lực nói và nhấn mạnh những thách thức từ việc thanh toán số và nền tảng điện tử.
Cũng theo ông Cấn Văn Lực, những khó khăn từ COVID-19 sẽ tiếp tục đe doanh nghiệp dù là nhất thời. Bởi thế, nếu nhìn xa, ngành thuế vẫn cần có những trao đổi thêm với các hiệp hội ngành nghề. “Ngành thuế cần lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Lực nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp, chuyên gia kinh tế này cho biết, để cẩn trọng hơn, lẽ ra ngành thuế cần thực hiện thí điểm những quy định này trong một thời gian để có các đánh giá về tác động. “Từ đó rút ra kinh nghiệm và có thể điều chỉnh thêm cho phù hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp”, ông Cấn Văn Lực nói.
Theo Điều 8 Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Đặc biệt, Nghị định 126 cũng quy định trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.