Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghị định 126 về thuế bị chê nhiều bất cập: Hàng trăm DN nguy cơ bị phạt oan?

(VTC News) -

Tuy có hiệu lực từ ngày mai 5/12 song Nghị định 126 về quản lý thuế của Bộ Tài chính vẫn gây tranh cãi khi bị cho là nhiều bất cập, làm khó doanh nghiệp.

Khảo sát của PV VTC News cho thấy, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng nếu Nghị định 126 đi vào thực tế sớm (từ 5/12/2020), nhất là giữa bối cảnh doanh nghiệp đang vật lộn với COVID-19, thậm chí nguy cơ phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Trước quy định số thuế tạm nộp 3 quý không được thấp hơn 75% mức thuế cả năm, một doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng có địa chỉ tại quận Hà Đông – Hà Nội cho biết, thời điểm để tạm nộp thuế quý 3 là 30/10 đã qua, nếu áp dụng ngay cho kỳ tính thuế năm nay, khả năng DN sẽ đối mặt với nguy cơ bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày.

Doanh nghiệp gặp khó với Nghị định mới về thuế của Bộ Tài chính? (Ảnh minh hoạ: Báo Đầu tư)

"Chiếu theo quy định mới này, sẽ có hàng trăm doanh nghiệp nguy cơ bị phạt oan, thậm chí bị đưa vào danh sách đen do không tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế", vị này đặt câu hỏi.

Một doanh nghiệp ngành dịch vụ, thương mại có địa chỉ tại Hoàng Mai – Hà Nội cũng khẳng định, doanh thu và lợi nhuận quý 4 của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ luôn cao hơn 3 quý đầu năm. Nếu quy định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp cả năm thì phần lớn các doanh nghiệp có thể bị coi là chậm nộp đủ thuế và sẽ bị phạt.

"Nếu quý 4 doanh thu tăng lên, nghĩa vụ nộp thuế tăng và doanh nghiệp bị phạt nhưng nếu quý 4 doanh nghiệp mà lỗ khiến số tiền tạm nộp lớn hơn số phải nộp cả năm thì ngành thuế không có trả lãi tạm nộp. Tại sao lại có sự vô lý ấy?", đại diện này nói. 

Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng thực thi Nghị định thời điểm này là rất bất cập vì doanh nghiệp vốn đang oằn mình chống đỡ COVID-19. "Doanh nghiệp phải dự báo trước lãi và thuế để tạm nộp trước, mặc dù 3 quý đầu chưa có thu nhập chịu thuế hoặc thu nhập chịu thuế thấp. Sau khi dự báo, nếu bất ngờ đến quý 4 xảy ra biến cố lớn như COVID-19 khiến cả năm bị lỗ, vậy doanh nghiệp có được ngành thuế tính lãi nộp trước thuế cho không?". 

Đó là chưa kể không phải doanh nghiệp nào hiện nay cũng có thể quyết toán thuế theo quý, đặc biệt với những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hoặc phụ thuộc thị trường nước ngoài.

"Dù quy định tạm nộp nói trên chỉ được áp dụng từ kỳ quyết toán 2021, nhưng khi cơ quan thuế áp dụng cách tính này doanh nghiệp của tôi khó có thể đáp ứng yêu cầu và đối mặt nguy cơ bị phạt tiền chậm nộp", lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội than.

Liên quan đến vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Nghị định 126/2020 được xem như một “hàng rào kỹ thuật” hữu hiệu để truy thu thuế các cá nhân, tổ chức có nguồn thu từ Facebook, Google, Youtube… Tuy nhiên nếu áp dụng với các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do COVID-19 thì đúng là có nhiều bất cập.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp diễn biến khó lường trong tình hình hiện nay. Nếu tính toán cuối năm của doanh nghiệp cho thấy họ thua lỗ thì ngành thuế cần trả lại số tiền thuế nộp thừa trước đó, đồng thời có cơ chế hỗ trợ họ về lãi suất để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Dù ủng hộ chủ trương thu thuế để đảm bảo ngân sách cho Nhà nước, tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế này, ngành thuế vẫn cần có những tính toán để “đồng cảm”, linh hoạt hơn với doanh nghiệp trước những khó khăn do COVID-19.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ngành thuế và các doanh nghiệp xưa nay vốn “không có tiếng nói chung”. Đặc biệt, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc các cơ quan chức năng thuế đưa ra Nghị định 126 càng khiến doanh nghiệp có cảm quan ngành thuế đang tận thu đối với doanh nghiệp.

COVID-19 khiến doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phá sản, việc thu thuế và các mức phạt chậm nộp càng đẩy doanh nghiệp vào khó khăn. Doanh nghiệp ngại phản ánh do lo ngại sẽ làm “mất lòng” cơ quan thuế. Vì thế, theo tôi, ngành thuế và doanh nghiệp cần có những cuộc trao đổi để đưa ra giải pháp phù hợp với cả hai bên”, ông Lê Đăng Doanh nói và cho biết nếu cần thiết, vẫn nên sửa đổi Nghị định này để tránh làm khó doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho hay, quy định này chưa áp dụng cho kỳ tính thuế năm nay mà chỉ áp dụng từ năm 2021. Theo ông Minh, trước khi quy định mới này được ban hành, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền.

Nguyên nhân có điều chỉnh này là do đặc thù ngân sách Việt Nam rất khó khăn, thu để phục vụ chi cho các cấp chính quyền, cho hoạt động quản lý nhà nước và các tỉnh có số thu ngân sách chưa có khả năng điều tiết. Vì thế, Bộ Tài chính đã đề xuất ban hành quy định để có thể thu kịp thời nhằm phục vụ vấn đề điều hành ngân sách của Chính phủ và bổ sung cho những địa phương khó khăn.

Theo Điều 8 Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Đặc biệt, Nghị định 126 cũng quy định trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Đào Bích

Tin mới