Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Nên có nhiều phương án dự phòng nếu phải bỏ thi THPT quốc gia

(VTC News) -

Theo chuyên gia, diễn biến dịch COVID-19 hiện vẫn phức tạp, nếu phải bỏ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT cũng cần tính toán các phương án dự phòng.

Nên có phương án dự phòng nếu bỏ thi THPT quốc gia

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ cần có nhiều phương án dự phòng với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 tuỳ tình hình thực tế.

Theo TS Khuyến, ở một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, còn tại Việt Nam, bệnh thành tích vẫn rất nặng, để địa phương tự quyết định sợ không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT

Do đó, TS Khuyến cho rằng, trước tình thế hiện nay, vẫn có thể giữ kỳ thi THPT quốc gia. Trong trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ nên thí sinh không thể đến điểm thi, thì mới phải thay thế thi bằng một phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp.

“Nhưng Bộ GD&ĐT nên tính toán đề thi giảm mạnh phần câu hỏi nâng cao, chỉ tập trung thi các nội dung cơ bản. Các nội dung học kỳ 2 không học thì không đưa vào đề thi. Học sinh học được đến đâu thi đến đó”, TS Khuyến gợi ý.

Trong thời điểm học sinh vẫn đang nghỉ học như hiện nay, TS Khuyến cho rằng, gia đình và xã hội cần cố gắng động viên các em để dù dịch phải nghỉ đến trường nhưng học sinh không nghỉ học. Các địa phương cũng cần quan tâm để chọn giải pháp phù hợp, đảm bảo việc dạy học từ xa. Nếu thấy dạy qua internet không hiệu quả thì phải chuyển sang dạy trên truyền hình.

Cùng với đó Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông phải khẩn trương đưa các chương trình của tất cả các cấp học phổ thông lên mạng lưới truyền hình của cả nước như đã cam kết.

Trước nhiều ý kiến thắc mắc, nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì việc tuyển sinh sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng do phần đa các trường lâu nay vẫn tham khảo kết quả của kỳ thi để xét tuyển.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, Luật Giáo dục Đại học quy định việc tuyển sinh là quyền của các trường đại học. Các trường có thể tổ chức thi hoặc chỉ dựa vào xét tuyển, hoặc kết hợp thi và xét tuyển,... Năm nay Trường Đại học Bách Khoa đã tiên phong trong việc tổ chức thi riêng. Các năm trước đây nhiều trường đã áp dụng phương án xét tuyển để tuyển sinh.

Đủ thời gian để học và ôn thi

Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, từ ngày 2/3, tỉnh đã cho học sinh THPT đi học trở lại. Tính đến khi phải nghỉ học để thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội thì học sinh THPT của tỉnh đã học tập trung tại trường đuọc 4 tuần. 

“Rà soát chương trình tinh giản của Bộ, chúng tôi tính toán khối lượng kiến thức còn phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần. Nếu học sinh đi học trở lại từ tháng 5 thì thoải mái thời gian để dạy học và ôn thi THPT quốc gia cho các em”, ông Việt nói.

Ông Việt cũng cho rằng, nếu quyết định không tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khiến học sinh không có động lực học tập tiếp các nội dung kiến thức còn lại của học kỳ 2 và sẽ có nhiều hệ luỵ liên quan đến các trường đại học, chất lượng học sinh.

 Nếu giữa tháng 5 bắt đầu đi học trở lại, học sinh vẫn có đủ thời gian để ôn luyện và chuẩn bị tốt cho kì thi THPT quốc gia 2020.

Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, học sinh của tỉnh đã đi học ở trường được 3 tuần trước khi nghỉ giãn cách xã hội. Do đó tiến độ thực hiện chương trình của tỉnh nhanh hơn một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM khi học sinh phải nghỉ học suốt từ Tết đến nay.

Với chương trình đã tinh giản của Bộ GD&ĐT, học sinh lớp 12 của tỉnh Hà Giang sẽ cần 6-8 tuần nữa là hoàn thành kế hoạch năm học. Do đó, mốc 15/7 kết thúc năm học, tỉnh hoàn toàn đáp ứng được.

Theo ông Bình, Sở GD&ĐT Hà Giang đã tính toán, nếu trước 10/5 học sinh đi học trở lại thì chỉ cần dạy bài mới trên trường là đủ hoàn thành chương trình, đảm bảo công bằng cho học sinh.

Mặc dù hiện nay tỉnh chưa áp dụng dạy bài mới trên internet bởi đặc thù vùng núi nhiều khu vực khó khăn, học sinh không tiếp cận được hình thức học tập này. Ở những khu vực đó, hiện nay giáo viên đang duy trì việc ôn tập bài cũ cho học trò bằng cách giao phiếu bài tập để các em hoàn thành bài.

Ông Bình cũng cho rằng, việc tổ chức thi sẽ khiến học sinh và giáo viên nỗ lực hơn trong việc trang bị kiến thức. Chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho đất nước từ lứa học sinh này theo đó cũng được đảm bảo.

“Chúng ta phải nhìn dài hơn vào chất lượng nguồn nhân lực tương lai và vì chính quyền lợi của học sinh khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập hoặc làm việc trong tương lai để đưa ra những quyết định liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia này”, ông Bình nói.

Video: Đại học Đà Nẵng chế tạo robot vận chuyến đồ trong khu cách ly

Hà Cường

Tin mới