Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phương án nào cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 trong mùa dịch Covid-19?

Theo đại diện của Bộ GD&ĐT, Bộ sẵn sàng các “kịch bản” cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19, nhưng phương án cuối cùng vẫn là ẩn số.

Tại tỉnh miền núi Sơn La, ông Nguyễn Văn Chiến, phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết học trực tuyến, học qua truyền hình khó đạt hiệu quả như mong muốn. Ông Chiến cho hay  80% học sinh Sơn La là người dân tộc thiểu số, phần lớn phụ huynh của những học sinh này đang là lao động tại các công ty, nhà máy. Nên trong giai đoạn này, khi triển khai học trực tuyến, phụ huynh không có nhà, tất cả phụ thuộc vào tính tự giác trong học tập của học sinh.

Một số học sinh khác, do điều kiện khó khăn, không có điện thoại thông minh, không có máy tính, không có ti vi, thậm chí không có điện lưới, giáo viên chỉ có thể đến tận nhà giao bài tập.

Những em này, ông Chiến cho rằng không thể học được kiến thức mới mà chỉ ôn tập được kiến thức đã học. Thậm chí, giáo viên giao bài tập cũng có em học, em không. Kể cả những học sinh nhà đủ điều kiện, nếu phụ huynh không quan tâm thì hiệu quả cũng không cao.

Chính vì vậy, ông Chiến cho rằng, mong muốn của Sở là xét tốt nghiệp. Vì tổ chức thi cũng hơn 90% học sinh đỗ. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục thì phải thi. 

Trong bối cảnh hiện nay, chống dịch như chống giặc, ông mong muốn Bộ GD&ĐT có giải pháp cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Hơn nữa, với tỉnh miền núi như Sơn La, chỉ khoảng hơn 40% thí sinh dự thi THPT quốc gia có nhu cầu xét tuyển ĐH. Các trường ĐH cũng tự chủ tuyển sinh và rất nhiều trường đã xét tuyển bằng học bạ.

 

Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cũng thừa nhận, rất nhiều học sinh ở khu vực miền núi của tỉnh không thể tiếp cận được với học online hay học qua truyền hình. Điều đó có nghĩa là các em không được học kiến thức mới. So với những học sinh khác, các em sẽ bị thiệt hơn rất nhiều. Nếu thời gian đi học tập trung sắp tới còn quá ít, rất khó để đảm bảo các em có thể có đủ kiến thức để dự thi THPT quốc gia 2020 như các bạn.

Hiệu trưởng một trường THPT của tỉnh Bắc Kạn cho rằng với tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, thời gian tạm nghỉ học còn kéo dài chưa biết khi nào kết thúc. Trong khi đó, việc học trực tuyến, học trên truyền hình mới chỉ là hình thức tình thế, không đồng bộ giữa các địa phương, các khu vực và như vậy không tạo ra sự công bằng.

Do vậy, Bộ GD&ĐT nên xây dựng các phương án như: Giao việc xét tốt nghiệp về cho các địa phương hay nếu thi THPT quốc gia thì chỉ thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Còn nếu phải thi đủ 4 môn thì bài thi tự chọn chỉ bao gồm 45 câu chia đều cho 3 môn thành phần. Hoặc xây dựng quy định để thực hiện thi online. Và cuối cùng, trong tình thế quá phức tạp nên thực hiện đặc cách tốt nghiệp.

Nguyễn Văn Hải, học sinh lớp 12 trường THPT Tô Hiệu, thành phố Hà Nội cho biết, học trực tuyến hay học trên truyền hình em chỉ nắm được khoảng 40% - 50% kiến thức so với học tập trung trên lớp. Vì khó tương tác với giáo viên, đặc biệt là những bài tập nâng cao, trong khi khả năng của mỗi học sinh lại không giống nhau.

“Khi học sinh phải học trực tuyến như thế này, theo em Bộ nên tổ chức xét tốt nghiệp THPT bằng học bạ, còn vào đại học, học sinh có thể tham gia các kỳ xét tuyển riêng của các trường”, Hải chia sẻ.

Bộ cần  sớm công bố phương án thi THPT quốc gia 2020

Tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa qua, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT đề xuất phương án thi THPT quốc gia 2020 phù hợp với tình hình thực tế.

Chia sẻ về vấn đề này với Tiền Phong, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay việc xây dựng đề thi tham khảo và công bố như hiện nay đang thực hiện theo đúng “kịch bản” về phương án thi THPT quốc gia mà Bộ đưa ra. Với kịch bản ấy việc xây dựng đề thi tham khảo là cần thiết, phù hợp và hỗ trợ tốt cho giáo viên và học sinh.

Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và sự chủ động của Bộ, Cục Quản lý Chất lượng xây dựng một số “kịch bản” khác nhau về kỳ thi THPT để phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19. Tinh thần Bộ có thể khẳng định sẽ không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh.

Còn hiện nay, trong khi Bộ chưa công bố phương án nào khác các nhà trường và học sinh căn cứ vào đề tham khảo mà Bộ vừa công bố để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi”, ông Mai Văn Trinh nói.

Pháp lần đầu hủy bỏ kỳ thi tú tài kể từ thời Napoleon vì Covid-19

Học sinh THPT ở Pháp sẽ không tham dự kỳ thi tú tài do diễn biến phức tạp của Covid-19. Đây là một động thái chưa từng có của ngành giáo dục nước này.

Kể từ năm 1808 (dưới thời Napoleon), đây là lần đầu tiên kỳ thi tú tài (baccalaureát) không diễn ra theo hình thức truyền thống. Trước đó, ngay cả các cuộc biểu tình của sinh viên và công nhận diễn ra vào tháng 5/1968 cũng không thể làm gián đoạn kỳ thi này.

Tuy nhiên năm nay, theo Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer, học sinh sẽ nhận được điểm trung bình mỗi môn học trong cả năm dựa trên điểm số các bài kiểm tra và bài tập về nhà. Số điểm này sẽ được dùng để xét tuyển đại học.

Ông Jean cũng nhấn mạnh, đây được xem là giải pháp đơn giản, an toàn và đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh trong thời điểm khó khăn này.

Ở một số quốc gia khác như Anh, các kỳ thi tương tự tú tài của Pháp cũng phải hủy bỏ hoặc tạm hoãn vì dịch Covid-19.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới