Theo Sina, James Holmes, giáo sư chiến lược tại Học viện Hải quân Mỹ, nhận định rằng trong những năm gần đây, hải quân Trung Quốc đã trở thành một trong những lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới.
"Với kho vũ khí mạnh mẽ trên bờ, hải quân Trung Quốc không còn cần phải gắn chặt với việc bảo vệ vùng biển nội địa và vùng trời, mà có thể thành lập một lực lượng viễn chinh thường trực ở những khu vực rất quan trọng đối với lợi ích của nước này, chẳng hạn như Ấn Độ Dương", ông Holmes cho biết thêm.
Hải quân Trung Quốc đủ khả năng thành lập lực lượng viễn chinh thường trực. (Ảnh: Reuters)
Vào ngày 1/5, tàu Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba của hải quân Trung Quốc, đã bắt đầu đợt thử nghiệm trên biển đầu tiên. Thiết kế của tàu sân bay này kết hợp nhiều cải tiến công nghệ, từ đó có thể đánh giá tương lai của chiến lược hải quân Trung Quốc.
Các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đã từ bỏ sàn cất cánh kiểu nhảy cầu (như các tàu Liêu Ninh và Sơn Đông trước đây) và sử dụng hệ thống phóng điện từ, như những tàu sân bay của Mỹ.
USS Ford là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ được trang bị máy phóng điện từ và thang nâng vũ khí. Nó được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ vào năm 2017, nhưng mãi đến gần đây nó mới hoàn thành việc triển khai quy mô lớn đầu tiên ở nước ngoài.
Giáo sư Holmes nhấn mạnh: "Người Mỹ phải mất nhiều năm mới làm chủ được công nghệ mới nhất, trong khi các kỹ sư Trung Quốc dễ dàng làm chủ được những công nghệ tương tự trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều".
Hải quân Trung Quốc hiện có đủ tàu sân bay để duy trì một hoặc thậm chí hai nhóm tác chiến tàu sân bay trên biển bất cứ lúc nào.
Ông Holmes tin rằng cách Trung Quốc sử dụng hạm đội tàu sân bay thực sự của mình trong thời bình là "rất đáng chú ý", vì điều đó có thể hé lộ cách Trung Quốc sẽ sử dụng hạm đội tàu sân bay của mình như thế nào trong thời chiến.
"Các bước tiếp theo trong việc vận hành máy bay trên tàu sân bay của Trung Quốc như thế nào cũng đáng được quan tâm", ông nói thêm.
Theo giáo sư người Mỹ, hải quân Trung Quốc luôn sẵn sàng thử nghiệm hạm đội. Chẳng hạn, về tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc sẵn sàng đóng một số tàu chiến cấp thấp rồi bàn giao cho hải quân thử nghiệm.
Sau khi đánh giá hiệu quả của từng phương án, hải quân sẽ chọn ra phương án tốt nhất. Sau khi tổng hợp, một nền tảng chiến đấu phù hợp cho sản xuất hàng loạt sẽ được quy chuẩn và khi đó các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc có thể sản xuất hàng loạt thân tàu.
Giáo sư Holmes cho rằng tàu Phúc Kiến cũng có thể được đưa vào sản xuất hàng loạt. "Điều này rất dễ thực hiện", ông nói. Tàu sân bay này không vận hành bằng năng lượng hạt nhân và không lớn bằng các tàu sân bay lớp Nimitz và Ford của Mỹ.
Ông Holmes tin rằng thứ Trung Quốc cần lúc này không phải là một tàu chiến khổng lồ 100.000 tấn như một biểu tượng của vị thế siêu cường, mà là một con tàu thực sự được sản xuất hàng loạt và có công nghệ tiên tiến.
"Trong chiến tranh hải quân hiện đại, các tàu sân bay cỡ lớn không còn là bảo đảm cho chiến thắng tuyệt đối, và trận Trân Châu Cảng hay Midway sẽ không bao giờ lặp lại.
Hiệu quả chiến đấu của hạm đội tàu sân bay Trung Quốc đã được nâng cao nhờ các máy bay chiến đấu và tên lửa phóng từ mặt đất, và tầm hoạt động của nó sẽ tiếp tục được mở rộng nhờ những tiến bộ công nghệ", Holmes nói.
Ngoài ra, khả năng của các công sự phòng thủ ven biển và sức mạnh của các tàu chiến nhỏ mạnh mẽ (bao gồm tàu rải mìn, tàu ngầm phóng lôi và thậm chí tàu khu trục) đang được tăng cường, điều này sẽ ngăn chặn tàu địch đến quá gần bờ biển hoặc cảng của Trung Quốc.
Chỉ khi hạm đội viễn chinh có cơ hội neo đậu ở những nơi xa bờ biển Trung Quốc thì nước này mới cần thiết phải đầu tư chế tạo những tàu sân bay khổng lồ tương tự như tàu sân bay của Mỹ. Bởi bên cạnh khả năng chiến đấu, những tàu sân bay khổng lồ này còn thể hiện sức mạnh kỹ thuật của Trung Quốc, giúp Trung Quốc trở thành cường quốc ngoại giao và quân sự thực sự trên toàn cầu.