Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc đóng tàu sân bay chuyên chở UAV đầu tiên trên thế giới?

(VTC News) -

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang chế tạo tàu sân bay đầu tiên trên thế giới chuyên chở máy bay không lái.

Theo trang web quân sự Naval News, hình ảnh vệ tinh chụp nhà máy đóng tàu Jiangsu Dayang trên sông Dương Tử, xa hơn thượng nguồn so với các xưởng đóng tàu lớn ở Thượng Hải, cho thấy Trung Quốc đã bí mật chế tạo một tàu sân bay không người lái chuyên chở các máy bay không người lái (UAV) cánh cố định.

Một UAV quân sự trong cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh ngày 1/10 năm 2019. (Ảnh: SCMP)

Naval News cho biết con tàu bí ẩn "được hạ thủy vào tháng 12/2022".

Con tàu khác biệt với các tàu sân bay thông thường của Mỹ và cả Trung Quốc, chẳng hạn như kích thước nhỏ hơn (bằng khoảng 1/3 chiều dài và một nửa chiều rộng của siêu tàu sân bay Mỹ hoặc Trung Quốc) và cách bố trí boong thẳng “lỗi thời” không cho phép máy bay cất cánh và hạ cánh cùng lúc.

Tàu có thể vận hành máy bay cánh cố định, với chiều rộng đủ để chứa máy bay hoặc UAV có sải cánh khoảng 20 mét.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết sàn bay thấp của tàu cho thấy không đủ diện tích cho một nhà chứa máy bay bên dưới để hỗ trợ các hoạt động bay tốc độ cao hoặc kéo dài. Điều này sẽ hạn chế số lượng máy bay được tàu hỗ trợ nhưng "hợp lý" đối với một tàu sân bay chỉ chở UAV.

"Nhìn tổng thể, rõ ràng đây là một loại tàu sân bay. Nó có một đường băng được đánh dấu chạy dọc mạn trái với một đảo cấu trúc thượng tầng ở mạn phải", Naval News cho hay.

"Ngoài ra, nó còn bất thường ở mọi khía cạnh. Thân tàu là một loại tàu hai thân catamaran có khoảng cách rộng. Mặc dù tàu hai thân thường xuất hiện trong các ý tưởng về tàu sân bay vì chúng cho phép diện tích boong lớn nhưng nhưng chưa từng có quốc gia nào thực sự chế tạo một chiếc như vậy trước đây", báo cáo cho biết thêm.

Hải quân trên khắp thế giới đang tiến hành thử nghiệm vận hành UAV từ các tàu sân bay thông thường vì UAV đã trở thành một phần thiết yếu của chiến tranh hiện đại, được sử dụng thường xuyên trong các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông.

Naval News cho biết lý do Trung Quốc bổ sung tàu sân bay chuyển chở UAV đầu tiên trên thế giới vào hạm đội hải quân của họ "vẫn là một điều bí ẩn".

Có khả năng con tàu sẽ trở thành một phần của lực lượng đối lập để huấn luyện, hoặc "Lực lượng điện tử xanh", vì một số sà lan mục tiêu công nghệ cao và hai tàu mẹ không người lái lớn đã được đóng tại cùng một xưởng đóng tàu.

J. Michael Dahm, một thành viên cấp cao tại Viện Mitchell (Mỹ), chỉ ra rằng nhà máy đóng tàu Jiangsu Dayang trước đây đã chế tạo các tàu địch mô phỏng cho hải quân Trung Quốc.

Ông Dahm cho biết: “Trung Quốc có một hệ thống lớn nhằm mô phỏng các tàu hải quân của phương Tây và các nước nghiêng về phương Tây trong chương trình thử nghiệm vũ khí của mình, và các tên lửa đạn đạo chống hạm của nước này đã được thử nghiệm trên mô hình kích thước thật của các tàu sân bay của Hải quân Mỹ”.

Nhưng là tàu sân bay chuyển chở UAV đầu tiên, con tàu này không thể mô phỏng bất kỳ tàu nào được biết đến của phương Tây.

Naval News cho rằng "khả năng thứ hai con tàu là một loại nền tảng thử nghiệm dùng để kiểm tra và phát triển các hoạt động của UAV trên biển".

Một số quốc gia, chẳng hạn như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng được cho là đang lên kế hoạch đóng các tàu sân bay được chỉ định cụ thể để chở UAV.

Theo cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc dẫn đầu thị trường UAV quân sự thế giới, xuất khẩu hơn 280 UAV chiến đấu trong thập kỷ qua, đặc biệt là sang Trung Đông và Nam Á.

Ảnh đồ họa tàu sân bay Type 076 của Hải quân Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Tàu sân bay mới nhất của Hải quân Trung Quốc là tàu Phúc Kiến, sau tàu Liêu Ninh và Sơn Đông.

Được hạ thủy vào năm 2022, Phúc Kiến là siêu tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị máy phóng điện từ. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, 8 ngày thử nghiệm trên biển hồi đầu tháng này, bao gồm các bài kiểm tra hệ thống điện và năng lượng, đã đạt được "kết quả mong đợi".

Hệ thống máy phóng điện từ của Phúc Kiến cho phép máy bay phóng thường xuyên hơn và cũng mang theo nhiều nhiên liệu và đạn dược hơn.

Video từ cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên của Phúc Kiến cũng cho thấy một tàu chiến khổng lồ khác đang được chế tạo - được cho là tàu tấn công đổ bộ Type 076 công bố chế tạo vào giữa năm 2020.

Type 076 sẽ có máy phóng điện từ, hệ thống đẩy điện tích hợp và chứa máy bay cánh cố định. Những bức ảnh lan truyền trên mạng vào tháng 9 năm ngoái cho thấy nó đang được xây dựng tại nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua ở Thượng Hải, gần Giang Nam.

Hoa Vũ

Tin mới