Rối loạn Lipid máu thông thường còn được gọi là mỡ máu cao, đây là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn, nó thường được phát hiện cùng lúc với các bệnh lý tim mạch - nội tiết chuyển hóa. Đồng thời rối loạn lipid máu cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh lý này.
Nguyên nhân của rối loạn lipid có thể là do nguyên phát như các yếu tố di truyền hay nguyên nhân thứ phát do thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực y khoa, bác sĩ Đỗ Đình Tùng - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá Hà Nội - Phó giám đốc bệnh viện đa khoa Saint Paul đã có những chia sẻ hữu ích cho độc giả trong chương trình “Nhật Ký Hạnh Phúc số 87” về toàn bộ kiến thức cần biết để phòng tránh, chữa trị bệnh rối loạn lipid máu.
Theo bác sĩ Đỗ Đình Tùng - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hoá Hà Nội - Phó giám đốc bệnh viện đa khoa Saint Paul, rối loạn lipid máu là rối loạn một trong các thành phần của lipid máu. Lipid chứa rất nhiều các thành phần khác nhau như cholesterol, triglyceride, HDL và LDL và rất nhiều chỉ số khác. Rối loạn Lipid máu sẽ xuất hiện nếu một trong các chỉ số trên có sự tăng hay giảm bất thường.
Rối loạn lipid máu là tình trạng rối loạn một trong các thành phần lipid máu - Hình minh hoạ
Rối loạn lipid máu thông thường sẽ kèm theo một số bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc những rối loạn về tâm thần kinh.
Bác sĩ Đỗ Đình Tùng chia sẻ, rối loạn lipid máu thường diễn ra một cách âm thầm. Hậu quả của rối loạn lipid máu vô cùng nguy hiểm như rối loạn về mạch, xơ vữa động mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,... Bệnh nhân đái tháo đường khi mắc lipid máu sẽ làm bệnh trở nặng hơn.
Nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn lipid máu là do quá trình ly giải mỡ bị rối loạn làm mất cân bằng trong cơ thể gây sản sinh bất thường các chất như cholesterol, triglyceride… Việc này dẫn đến tình trạng tăng các loại mỡ xấu trong cơ thể và giảm các loại mỡ tốt.
Những nguyên nhân khác như người thừa cân béo phì, người đái tháo đường cũng gây ra rối loạn lipid máu. Bệnh nhân đái tháo đường thường bị rối loạn lipid máu do quá trình sản sinh lượng đường trong cơ thể bất thường dẫn đến việc sinh ra rối loạn các axit amin.
Theo bác sĩ Tùng, ở giai đoạn đầu của bệnh lipid máu thường không có dấu hiệu bất thường trong cơ thể, trong giai đoạn này bệnh sẽ diễn ra âm thầm khiến các loại mỡ xấu trong cơ thể tăng lên bất thường. Dần dần, các loại mỡ xấu tích tụ tại các mạch máu dẫn đến việc người bệnh sẽ có các biểu hiện của xơ vữa động mạch như:
Chóng mặt
Đau đầu
Đột quỵ
Viêm tuỷ cấp
Đau bụng
U vàng quanh vùng mắt, khớp
Đột quỵ là một trong những dấu hiệu của rối loạn lipid máu - Hình minh hoạ
Để có thể nhận biết rối loạn lipid máu, người bệnh nên thường xuyên kiểm tra mỡ máu trong cơ thể tại các trung tâm y tế uy tín.
Với kinh nghiệm y khoa lâu năm, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa Saint Paul - Bác sĩ Đỗ Đình Tùng cho biết, thông thường để chẩn đoán rối loạn lipid máu các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tiến hành xét nghiệm máu và đánh giá các thành phần máu như lượng cholesterol, triglyceride, LDL, HDL trong máu có ổn định hay không
Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể tiến hành tính toán các chỉ số giữa các thành phần cholesterol và không cholesterol. Nếu các chỉ số cho ra bất thường và nằm ngoài phạm vi cho phép thì cũng được đánh giá là rối loạn lipid máu.
Siêu âm cũng là một trong các phương pháp chẩn đoán phổ biến, phương pháp siêu âm giúp người bệnh và bác sĩ có thể đánh giá sức khoẻ gan của bệnh nhân có ổn định và có bị nhiễm mỡ hay không.
Đánh giá mạch máu của bệnh nhân cũng là một trong các bước chẩn đoán quan trọng khi thăm khám rối loạn lipid máu. Siêu âm mạch giúp bác sĩ xác định bệnh nhân có các dấu hiệu xơ vữa động mạch, các bệnh liên quan về tim,...
Điều trị lipid máu là điều trì các tình trạng rối loạn bất thường của các chỉ số có trong máu. Vì vậy, phương pháp điều trị sẽ được các chuyên gia y khoa cung cấp tuỳ thuộc vào chỉ số nào trong máu trở nên bất thường để đưa chúng trở về mức chỉ số bình thường.
Phương pháp điều trị sẽ được đưa ra dựa trên chỉ số nào trong máu bất thường - Hình minh hoạ
Ngoài việc ổn định các chỉ số của máu, các bác sĩ còn đánh giá các tình trạng bệnh khác để đưa ra phương pháp điều trị bệnh song song để làm mức độ ảnh hưởng đến các thành phần lipid máu như:
Bệnh đái tháo đường
Tăng huyết áp
Kháng insulin
Xơ vữa động mạch
Viêm tuỵ cấp
Khi tiến hành điều trị rối loạn lipid máu, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành điều trị tâm lý và ổn định tinh thần cho bệnh nhân giúp họ tránh các tình trạng stress hay căng thẳng cực độ. Nguyên nhân là do khi cơ thể rơi vào tình trạng stress, toàn bộ cơ thể sẽ huy động một loạt các chức năng để chống lại stress dẫn đến rối loạn các chất trong cơ thể như rối loạn đạm, đường, mỡ…
Bác sĩ Đỗ Đình Tùng khuyến nghị bệnh nhân rối loạn lipid máu nên có chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập hợp lý để loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Tuỳ vào từng trường hợp mà chế độ ăn có thể cần cắt giảm lượng dầu mỡ, đường,...
Tuyệt đối không được hút thuốc vì thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn lipid máu.
Bệnh nhân rối loạn lipid máu cần tăng cường hoạt động thể dục thể thao giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và giảm các yếu tố gây stress. Người bệnh có thể tập luyện yoga, thể dục nhịp điệu, chạy bộ, bơi lội…
Để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ rối loạn lipid máu, mọi người cần phải ăn uống đủ chất và phù hợp với nhu cầu cơ thể. Không ăn thừa và không ăn thiếu các chất dinh dưỡng trong cơ thể, sự cân bằng trong chế độ dinh dưỡng chính là phương pháp tuyệt vời để ngăn ngừa nguy cơ rối loạn lipid máu.
Bên cạnh đó, mọi người cũng nên luyện tập 5 ngày một tuần, mỗi lần kéo dài từ 30 - 45 phút mỗi ngày, tránh căng thẳng và stress.
Lipid máu là một căn bệnh nguy hiểm, mọi người cần đề phòng bệnh bằng các phương pháp tập luyện thể thao, chế độ dinh dưỡng hợp lý và thường xuyên kiểm tra sức khoẻ định kỳ để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình tốt nhất.