Sau khi VinFast nộp hồ sơ đăng ký lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO), bà Lê Thị Thu Thủy cho biết, VinFast tự tin đủ sức khỏe tài chính để tiến ra thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn để VinFast nâng quy mô và đẳng cấp lên thành hãng xe điện toàn cầu, góp phần thúc đẩy tương lai của di chuyển.
Bà Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.
Động lực để phát triển lên quy mô toàn cầu
- Kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. VinFast hẳn có lý do khi quyết tâm IPO vào thời điểm này, thưa bà?
Thị trường thế giới được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2023. Do đó, IPO thời điểm này là thích hợp để đón đầu làn sóng hồi phục và bứt phá. Về phía VinFast, việc IPO càng sớm càng nhanh tạo động lực để phát triển lên quy mô toàn cầu như mục tiêu đã định.
- Với thị trường quốc tế, VinFast rõ ràng là một cái tên rất mới. So về tiềm lực, VinFast cũng chưa thể bằng các hãng xe lâu năm. Điều gì khiến bà tin rằng lần IPO này của VinFast sẽ khả quan?
VinFast là một công ty có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Dù chỉ mới gia nhập thị trường 5 năm, chúng tôi đã xây dựng thành công một hãng xe hiện đại, hoàn toàn làm chủ quy trình phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất, cho ra thị trường các dòng xe đứng đầu phân khúc tham gia. Đối tác của VinFast đều là những tên tuổi hàng đầu của công nghiệp ô tô thế giới như như ZF, Durr, Bosch, ABB, Pininfarina….
Mới đây nhất, VinFast xuất cảng lô xe điện đầu tiên sang Mỹ, sau chưa đầy một năm công bố chiến lược thuần điện khẳng định năng lực triển khai mạnh mẽ của doanh nghiệp.
- Cái đích mà VinFast ưu tiên nhắm đến trong lần IPO này là gì?
Mục tiêu của VinFast là niêm yết thành công tại Mỹ để hướng tới các cơ hội lớn hơn, tạo đà đưa VinFast phát triển ở tầm vóc toàn cầu
Đủ lực để tiến ra thế giới
- Bản cáo bạch mà VinFast nộp lên SEC có nhiều con số lần đầu được công bố. Ví dụ, tính đến ngày 30/9/2022, VinFast đang có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 4,7 tỉ USD. Bà nói gì về con số này?
Không phải toàn bộ con số 4,7 tỉ USD là phản ánh đúng số lỗ thực tế của VinFast. Sự khác biệt về nguyên tắc hạch toán giữa Mỹ và Việt Nam dẫn đến các kết quả khác nhau. Đơn cử, khoản bị cho là lỗ - 1,879 tỉ USD - thực chất là chi phí nghiên cứu, phát triển (R&D) cho các mẫu xe VinFast. Theo chuẩn kế toán Việt Nam, hầu hết các chi phí này được tính là khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp và sẽ được khấu hao dần trong suốt vòng đời sản phẩm. Tuy nhiên, khi áp dụng chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP), các khoản này lại được hạch toán là chi phí ngay khi phát sinh dẫn đến lỗ luỹ kế bị đội lên.
Ngoài ra, trong tổng lỗ còn lại có khoảng 690 triệu USD là chi phí khấu hao. Đối với doanh nghiệp thì đây không được coi là lỗ, mà là một phần của khoản đầu tư ban đầu.
- Còn khoản nợ 8,8 tỉ USD của VinFast, trong số đó có 5,3 tỉ USD là nợ ngắn hạn thì sao?
Về mặt bản chất, không phải toàn bộ 8,8 tỉ USD này là nợ, cụ thể thì có một số khoản phải trả không mang tính chất nợ. Ví dụ như, có 2,092 tỉ USD là khoản phải trả phát sinh do giao dịch tái cấu trúc sở hữu nội bộ để VinFast Singapore có thể niêm yết tại Mỹ. Sau khi IPO thành công, khoản phải trả này sẽ được tất toán giữa các công ty trong nhóm và VinFast sẽ không còn phải chịu nghĩa vụ này nữa. Nói cách khác, 2,092 tỉ USD này không phải nợ mà chỉ là một cơ cấu nội bộ cho mục đích tái cấu trúc phục vụ IPO.
Một ví dụ nữa, trong tổng “nợ” này còn có 603 triệu USD là nghĩa vụ phải trả cho giao dịch chuyển nhượng phần nhà xưởng (không bao gồm máy móc thiết bị) cho Công ty Đầu tư BĐS Công nghiệp Vinhomes (“VHIZ”). Việc chuyển nhượng này nhằm tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để phù hợp với quy hoạch chung về cấu trúc ngành nghề giữa các công ty thành viên trong Tập đoàn Vingroup.
Theo đó, VHIZ là công ty duy nhất hoạt động trong lĩnh vực phát triển và khai thác BĐS công nghiệp. Với khoản này, thực tế VinFast đã nhận được tiền thanh toán chuyển nhượng nhà xưởng từ VHIZ và đang thực hiện trả tiền thuê định kì cho VHIZ theo hợp đồng thuê dài hạn. Theo đó, khoản tiền nhận từ VHIZ từ giao dịch chuyển nhượng nhà xưởng được hạch toán là khoản phải trả trong tương lai theo hình thức thuê dài hạn nhiều năm.
Như vậy, nếu loại bỏ 2 khoản phải trả không có yếu tố nợ nêu trên, tổng phải trả của VinFast còn lại là 6,1 tỷ USD; trong đó nợ vay các tổ chức tín dụng là 3,077 tỷ USD, vay nội bộ là 1,313 tỷ USD, còn lại là các khoản phải trả phát sinh trong quá trình hoạt động và được cân đối với các khoản phải thu khác.
- Bà dường như rất tự tin vào bước đi lần này của VinFast?
Đúng vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin đủ sức khỏe tài chính để tiến ra thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn để VinFast nâng quy mô và đẳng cấp lên thành hãng xe điện toàn cầu, góp phần thúc đẩy tương lai của di chuyển.
- Xin cảm ơn bà!