Chiều 12/10, Đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị Giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo nghị quyết 30 của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, UBND thành phố vừa qua đã tập trung xây dựng chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trong tình hình mới. Trong chiến lược tổng thể có 11 chiến lược thành phần.
“Xây dựng phương án tổng thể về phòng chống dịch trong thời gian sắp tới không chỉ với dịch COVID-19 mà còn đối với tình huống dịch tễ khác, tình huống phi truyền thống có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thời gian nào đối với đơn vị lớn như TP.HCM, dự kiến hoàn thành trong tháng 11”, ông Mãi nói.
Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Mãi, chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trong tình hình mới có 3 trụ cột chính gồm: y tế, an sinh xã hội và phục hồi kinh tế.
Về y tế: UBND TP.HCM chỉ đạo ngành y tế phối hợp các ngành, khẩn trương hoàn thiện việc quan trọng là phòng chống dịch; xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo phòng chống dịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về y tế. Thành phố tập trung cho y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe, điều trị F0 ngay từ sớm.
Trong trụ cột y tế, thành phố chú trọng y tế công cộng, y tế điều trị và y tế phục hồi. Gắn tổ chức bộ máy y tế cơ sở với hệ thống dữ liệu thành phố để củng cố hệ thống y tế cơ sở.
Trụ cột thứ 2 là an sinh xã hội: thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động chăm lo cho người dân. Thành phố đã cân đối nguồn lực của ngân sách cũng như vận động các nguồn xã hội hóa để chăm lo đời sống cho người dân. Đặc biệt là người nghèo, người lao động mất thu nhập...
“Khi kinh tế đang phục hồi, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có việc làm, chưa có thu nhập. Và cái Tết sắp tới đây sẽ là cái Tết rất khó khăn cho bà con”, ông Phan Văn Mãi nói.
Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, sau dịch, những tổn thương về tinh thần, tâm lý của người dân cũng cần được chăm lo, đặc biệt là người già neo đơn, trẻ em mồ côi mất người thân do COVID-19.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Hội Phụ nữ thành phố phối hợp Hội Doanh nhân trẻ sẽ triển khai gói chăm lo cho hơn 1.000 trẻ em mồ côi. Thành phố cũng triển khai thêm chương trình nhà ở giá rẻ, tạo cơ hội cho người dân có thu nhập thấp được tiếp cận giá phù hợp.
Quang cảnh hội nghị.
Trụ cột 3 về phục hồi kinh tế: UBND thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cùng các sở, ngành triển khai chương trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Thành phố đã có sự chủ động chuẩn bị, với sự tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội doanh nghiệp và người dân.
Ông Mãi cho biết thêm, TP.HCM rất mong muốn mở lại trường học nhưng vẫn cần thận trọng, cân nhắc. Hiện, thành phố tập trung chỉnh sửa cơ sở vật chất của các trường học thời gian qua được trưng dụng làm các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Ngày 11/10, UBND TP.HCM đồng ý cho trường Tiểu học Thạnh An và trường THCS, THPT Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) thí điểm cho khối lớp 1, 2, 6, 9 và 12 trở lại trường học trực tiếp để xây dựng trường an toàn, sau đó nhân ra các địa phương vùng xanh khác ở quận 7, Hóc Môn… Ngoài ra, thành phố tiếp tục đề nghị Bộ Y tế tiêm vaccine cho học sinh để từng bước mở cửa lại trường học.
"Thành phố sẽ cố gắng thực hiện việc này vào đầu học kỳ 2 và chậm nhất trong học kỳ 2. Tuy nhiên sẽ còn tùy thuộc vào tình hình phòng, chống dịch", ông Mãi nói.