Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Ngăn rủi ro 'bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước'

(VTC News) -

Một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản được Chủ tịch Quốc hội gợi mở là ngăn ngừa rủi ro "bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước".

Phát biểu tổng kết hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có 107 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn, 54 lượt đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.

"Các đại biểu Quốc hội từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có chất lượng, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định", ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá các Bộ trưởng và trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.

Về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành trong vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngành hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, nhu cầu thị trường trong nước phục hồi chậm, thị trường nông sản xuất khẩu có nhiều biến động, số lượng đơn hàng giảm, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng, kết nối, điều hòa cung - cầu còn bất cập; việc phát triển bền vững nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng còn nhiều thách thức…

Từ các vấn đề đặt ra, ông Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản là khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường. 

"Theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao; ngăn ngừa rủi ro "bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước". Cần lấy yếu tố đảm bảo chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp sâu rễ, bền gốc", Chủ tịch Quốc hội nói.

Về khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của EC đối với thủy sản, theo Chủ tịch Quốc hội, cần triển khai thực hiện các Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ 5 năm; điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền đối với một số nghề ở vùng biển phù hợp khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản...

Các đại biểu tham gia phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng.

Về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Bộ Tư pháp đã đổi mới cách thức tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua các Nghị quyết về chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm. 

Chủ tịch Quốc hội nhận định các báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp với dự án luật đều được làm chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Trong đó, Bộ Tư pháp và các bộ ngành địa phương đã tăng cường tự kiểm tra các văn bản quy định pháp luật, phát hiện các văn bản có sai sót, vi phạm quy định về thể thức, nội dung và thẩm quyền.

Bên cạnh đó, còn những tồn tại như một số dự án luật chưa được nghiên cứu kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách nên chưa được xem xét, bổ sung vào chương trình, có dự án phải chuyển từ 2 thành 3 kỳ. Còn tình trạng mâu thuẫn chồng chéo quy định không rõ ràng, tuổi thọ một số nghị định và thông tư rất ngắn, vừa ban hành đã phải sửa đổi bổ sung…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra.

Trong đó, về công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. 

Về công tác đấu giá tài sản, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chú trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.

"Trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Kỳ họp thứ 6. Chỉ đạo kiện toàn đội ngũ đấu giá viên có đủ số lượng, có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích đấu giá trực tuyến", ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, từ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thông qua hoạt động chất vấn, còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát rất có hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Tôi tin tưởng rằng, với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn.

Ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu", Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Anh Văn

Tin mới