Sáng 15/8, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp.
Cán bộ né tránh công tác tham mưu xây dựng thể chế
Dẫn báo cáo của Bộ trưởng Tư pháp, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) nêu hiện còn một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng thể chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chính của vấn đề trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh thực trạng này không chỉ mình Bộ Tư pháp, Chính phủ nói mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và diễn đàn Quốc hội cũng nói rất nhiều nhưng lượng hóa thì khó.
Theo Bộ trưởng, thực tế có một số trường hợp không làm được, hoặc ngại làm thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật, bên cạnh đó có quan điểm khác là do thi hành pháp luật.
"Đánh giá giữa nhiệm kỳ của Tổng Bí thư cũng nói khâu yếu của chúng ta chính là tổ chức thi hành pháp luật", Bộ trưởng Tư pháp nói.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn, sáng 15/8.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Lê Thành Long nhìn nhận, nhiều khi cán bộ không xem xét vấn đề trong tổng thể nên cứ nói do pháp luật, báo cáo rà soát cũng nói đó là vướng mắc nhưng trên thực tế nhiều cái không phải như vậy.
"Bên cạnh đó, một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng "tiện cho mình", hoặc hiểu về pháp luật còn chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa", Bộ trưởng nói.
Ông Lê Thành Long cho rằng những yếu tố này cộng với ảnh hưởng của "việc nọ việc kia" nên các Bộ ngành chưa chủ động.
"Có những trường hợp cực đoan như đáng lẽ ban hành thông tư như trình tự bình thường, nhưng cứ trao đi đổi lại làm để làm theo thủ tục rút gọn. Mất 4 - 5 tháng để quyết định xem có rút gọn hay không, thì thà làm chính thức ngay từ đầu", Bộ trưởng Tư pháp dẫn chứng câu chuyện từ thực tế.
Về giải pháp, ông Lê Thành Long cho hay Bộ Nội vụ được giao ban hành nghị định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết bởi đây chỉ là nghị định, còn những vấn đề liên quan lại ở tầm luật.
Một số Bộ ngành không ưu tiên cho pháp chế
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) nêu rõ, chủ trương xuyên suốt của Đảng là xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là khâu trọng tâm đột phá. Tuy nhiên, theo đại biểu thì nhiều năm qua nguồn nhân lực cho xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa có sự đột phá. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh chất vấn Bộ trưởng Tư pháp đồng thời chất vấn Bộ trưởng Nội vụ có giải pháp tổng thể, mang tính đột phá gì cho vấn đề này?
Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện đội ngũ làm công tác pháp chế trên cả nước là khoảng 10.000 người, trong đó 3.000 người làm chuyên trách, 7.000 người kiêm nhiệm. Các Bộ ngành Trung ương có 89 tổ chức pháp chế và 65 phòng pháp chế ở địa phương.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên sau rất nhiều lần đôn đốc, hiện mới có 8/28 Bộ trưởng tham gia chỉ đạo công tác này.
"Tôi xin nêu và cũng đồng thời cảm ơn các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước. Số còn lại 20/28 Bộ là do Thứ trưởng phụ trách", ông Lê Thành Long nói.
Về kinh phí hỗ trợ đội ngũ làm công tác pháp chế, qua nhiều lần chỉ đạo của Chính phủ, năm 2022, Bộ Tài chính ban hành thông tư 42 có những mức chi cơ bản là 2 tỷ đồng. Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng mức chi này là rất thấp, nhưng đó là cả quá trình sau khi được cải thiện.
"Quan điểm của tôi là càng nhiều càng tốt nhưng chắc là khó", Bộ trưởng nói và cho rằng liên quan phần về tài chính thì cố gắng thu xếp. Thậm chí có quan điểm là công chức viên chức chỉ làm công ăn lương, nếu không được hỗ trợ thì cũng phải làm.
Về chỉ đạo xây dựng, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị các Bộ trưởng các Bộ ngành quan tâm và trực tiếp phụ trách. Kinh nghiệm cho thấy Bộ trưởng trực tiếp cùng Phó Thủ tướng phụ trách nhanh, còn Thứ trưởng chỉ một phần và nhiều khi không đủ thẩm quyền để giải quyết.
Ngoài ra, ông Lê Thành Long cho hay Bộ Tư pháp phối hợp cùng Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo về Nghị định 55.
Theo tư lệnh ngành Tư pháp, gần 10 năm qua, việc tăng cường vai trò của pháp chế được bàn đến nhiều nhưng đi vào thực tế thì vẫn vướng. Trong khi đó, số lượng pháp chế đang rất mỏng. Nếu nhân số lượng các văn bản quy phạm pháp luật cần triển khai thì khó đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng có một số Bộ ngành không ưu tiên cho pháp chế. Giải pháp quan trọng nhất là làm sao xây dựng được một chức danh như pháp chế viên để từ đó theo tiêu chuẩn chế độ chính sách sẽ cải thiện tình hình.
Trả lời bổ sung vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định tình trạng này đúng như đại biểu nêu, đó là lực lượng mỏng, bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy. Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp đã làm việc, tìm ra các nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Bà Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, có 2 nguyên nhân chính, đó là vướng mắc do thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế nên các tổ chức pháp chế ở các địa phương phải sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết 18 và theo Nghị định 107. Vì vậy, phòng pháp chế ở Sở Tư pháp giảm đầu mối.
Nguyên nhân thứ hai, theo Bộ trưởng Nội vụ là trong thực tiễn đây là lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm, nguồn lực bổ sung, tuyển dụng lực lượng tham gia trực tiếp cho lĩnh vực này không thuận lợi vì chính sách khó khăn, yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ sâu.
Nêu giải pháp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp nói chung, trong đó có đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cho giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, rất chú ý đến công tác tuyển dụng, sử dụng, cơ chế chính sách có liên quan; đồng thời chú ý đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, yêu cầu nhiệm vụ để đội ngũ này đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tư pháp trên cơ sở Nghị định 106 và Nghị định 62, hai Bộ đang hoàn tất thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm và khung năng lực để mô tả vị trí việc làm đối với pháp chế viên cũng như giám định viên để xác định rõ vị trí việc làm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ cũng như của 63 tỉnh thành để có cơ sở để xác định cái biên chế về lực lượng này.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp cũng băn khoăn về chính sách đối với lực lượng pháp chế viên và giám định viên, bởi chính sách hiện có không phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, nếu sửa đổi bây giờ sẽ khó vì liên quan đến lộ trình và các chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương.
Vì vậy, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp thống nhất khi thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương sẽ đưa cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cho phù hợp với tính chất của nghề nghiệp này.