Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Hiệu quả công tác giám sát của Hội đồng Nhân dân còn hạn chế

(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng hiệu quả của công tác giám sát của Hội đồng Nhân dân còn hạn chế, hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít.

Sáng 21/2, phát biểu bế mạc Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Nhân dân, cử tri.

Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp; còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường. Việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế vẫn còn xảy ra sai phạm. Điển hình là sai phạm liên quan vụ án tại Công ty Việt Á.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

"Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nghị quyết rất cụ thể về mua sắm công, nhất là trong lĩnh vực mua sắm thuốc, kit test, vật tư, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương làm rất tốt, tại sao lại có một số địa phương không mua sắm được, tình hình 4 tại chỗ rất hạn chế.

Quốc hội cho phép mua đặc thù, đặc cách, Chính phủ cũng quy định rất cụ thể nhưng một số địa phương không dám mua và ngược lại không ít địa phương mua lại có sai phạm.

Tuy nhiên, sai phạm đó được phát hiện qua điều tra, qua các cơ quan chức năng chứ vai trò giám sát tại chỗ của HĐND cần phải rà soát lại và rút kinh nghiệm cụ thể. Những việc như vậy tại sao cơ quan dân cử, giám sát thường xuyên không biết, đấy là điều cần phải hết sức suy nghĩ", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc phối hợp và triển khai thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại một số tỉnh, thành còn thiếu tích cực, lập và gửi báo cáo giám sát chậm, chất lượng báo cáo còn hạn chế.

Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Nhân dân và cử tri còn bất cập, chậm, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là chuyển đơn; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện.

Quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND - Đoàn đại biểu Quốc hội - UBND - UBMTTQ các tỉnh, thành phố hiệu quả chưa đồng đều.

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại luật tổ chức chính quyền địa phương, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề....

Bên cạnh đó, việc phối hợp, đề xuất, chuẩn bị nội dung và chương trình của các kỳ họp HĐND phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, chất lượng, kiên quyết không trình những văn bản không có trong chương trình hoặc không đủ điều kiện để trình theo quy định của pháp luật; công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo Nghị quyết của các Ban của HĐND phải quyết liệt đổi mới, phải chủ động từ sớm, từ xa, đảm bảo khách quan, trung thực, có chính kiến.

Xuân Trường

Tin mới