Đang chỉnh trang lại chiếc biển mẫu mới cho xe kéo của mình, ông Lăng Văn Bình cho biết đây là yêu cầu mới nhất của ban quản lý chợ. Tất cả phu xe muốn hoạt động trong chợ Long Biên phải xin giấy tờ chứng minh nhân thân từ quê để cấp lại biển và thẻ ra vào chợ.
Ông Lăng Văn Bình cùng chiếc xe kéo mới lắp biển số mẫu mới của mình.
“Tuy đã có đủ các điều kiện nhưng không biết bao giờ mới được đi làm bởi chợ chỉ đang hoạt động ở khu chợ rau và một phần khu hải sản, chủ yếu là đồ khô. Còn những người bốc vác hàng như tôi phải chờ khu chợ hoa quả mới có việc”, ông Bình cho biết.
Gần 3 tháng kiếm được 200 nghìn
Ông Lăng Văn Bình (50 tuổi) quê tại tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đây, ông ở quê làm ruộng nhưng không đủ ăn nên từ năm 2018 ông cùng cậu con trai sinh năm 1996 xuống khu chợ Long Biên kiếm việc. Con trai làm tự do, ai thuê gì làm nấy, còn ông Bình sắm một chiếc xe kéo, ai gọi thì kéo, kéo xe xong là có tiền ngay, từ vài chục ngàn đến trăm nghìn đồng.
Phòng trọ ông Bình thuê tại khu Phúc Xá với chi phí 1 triệu đồng/tháng, cộng cả điện nước, mỗi tháng ông chi khoảng 1,2 triệu đồng. Khi chưa có dịch, trừ tất cả chi phí sinh hoạt, mỗi tháng ông Bình gửi về cho vợ 2-3 triệu đồng để lo việc nhà cửa và nuôi con gái đang học lớp 11.
Từ khi chợ Long Biên tạm ngừng hoạt động (3/8), hai bố con ông Bình rơi vào cảnh thất nghiệp.
Ông Bình là một trong số các phu xe “mắc kẹt” tại Hà Nội gần 3 tháng qua.
“Cũng nghĩ chợ chỉ đóng cửa dăm bữa nửa tháng nên bố con bảo nhau cầm cự, nhưng chờ mãi vẫn thế. Đến ngày 4/9, dồn hết số tiền còn lại được hơn 2 triệu, hai bố con tôi đến viện xét nghiệm COVID-19 để về quê, chi phí mỗi người hết 729 nghìn đồng. Ngay sau khi có kết quả, bố con chở nhau bằng xe máy rời xóm trọ.
Tuy nhiên khi đến chốt kiểm soát ở cầu Nhật Tân, các chú công an bảo Hà Nội đóng cửa không cho người ra vào nên đành phải quay về đây”, ông Bình kể.
Hai phiếu trả kết quả test COVID-19 vẫn được ông Bình cất gọn gàng trong tủ quần áo từ ngày 4/9.
Không về được quê, tiền cũng mang đi làm xét nghiệm gần hết, bố con ông Bình sống dựa vào những bữa cơm thiện nguyện của các mạnh thường quân.
“Nửa tháng trước, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, cu cậu (con trai ông Bình) kêu chán quá nên vay mượn hàng xóm đi làm xét nghiệm để về quê. Hôm qua nghe tin chợ Long Biên mở lại, con tôi gọi xuống hỏi bố công việc thế nào. Tôi bảo cứ ở nhà, chợ chưa mở hết nên chưa có việc đâu. Hôm qua và sáng nay cũng được người ta thuê đi bốc vác măng, mỗi hôm được hơn trăm nghìn. Cả 3 tháng trời làm ra 200 nghìn chú ạ”, ông Bình cười nói.
Gom phế liệu để bán lấy tiền ăn
Cách phòng trọ của ông Bình không xa, bà Nguyễn Thị Muôn (SN 1960, quê Nam Định) đang tất bật xếp thùng xốp bà gom từ đợt trước để bán cho các tiểu thương đựng hàng, một số cũ nát thì mang đi bỏ cho kho thu phế liệu. Bà Muôn cũng là một trong những là người lao động "mắc kẹt" ở xóm trọ này do dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Muôn gom số phế liệu từ đợt trước để bán.
“Gắn bó với khu trọ nghèo và chợ Long Biên chục năm nay, gần 3 tháng qua là quãng thời gian vô cùng khó khăn với những lao động như chúng tôi. Cũng may có các nhà hảo tâm cho cân gạo, bó rau, rồi các chú bộ đội phát phiếu đi chợ 0 đồng mà trụ được qua mùa dịch này.
Mấy hôm nay chợ mở cửa nhưng chưa trở lại hoàn toàn nên người đi thu gom phế liệu như tôi cũng chưa có việc mấy. Phải chờ khu hoa quả bán lại mới có nhiều thùng xốp, thùng giấy”, bà Muôn chia sẻ.
Cả kho phế liệu được bà định giá khoảng 100 nghìn đồng.
Mỗi chiếc thùng xốp đang còn sử dụng được bà Muôn bán với giá 5.000 đồng/chiếc cho các tiểu thương, còn loại cũ, nát thì theo cân với đơn giá 7.000 đồng/kg. Bà Muôn cho biết gom cả đống đồ để dành từ đợt trước chắc được khoảng 100.000 đồng. Số tiền này cũng giúp bà mua tiền ăn được vài ngày.
Cũng đang đẩy xe thùng xốp ra cổng chợ Long Biên bán cho tiểu thương kiếm tiền ăn cho bữa tối, bà Trần Thị Thìn (SN 1952) cho biết: “Cái này là của đợt trước, chợ chưa mở, không ai mua phải bán phế liệu giá rẻ nên tôi để lại hôm nay mới đem bán. Trông nhiều thế này cũng chỉ được mấy chục nghìn thôi”.
Bà Trần Thị Thìn cũng làm nghề thu gom phế liệu tại chợ Long Biên.
Là một trong những “bậc cao niên” trong xóm trọ Phúc Xá, bà Thìn sống cùng người con gái hơn 40 tuổi bị thiểu năng trí tuệ.
Trước đây, con gái bà Thìn ở với bố tại quê nhà Thanh Hoá, còn bà lên Hà Nội làm thuê. Ba năm trước, chồng bà qua đời vì bạo bệnh, thế nên bà chuyển về quê chăm sóc con. Nhưng nhà chỉ có hơn sào ruộng, làm không đủ ăn, hai mẹ con lại dắt díu nhau lên sống gần khu chợ Long Biên từ đó đến nay.
“Có ra sao thì cũng là con mình, đi đâu cũng phải mang nó theo. Họ hàng ở quê neo người, chả ai khá giả gì, mình ở lại thành gánh nặng cũng chẳng đành. Lên đây mẹ con có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Gần 3 năm nay cũng chỉ về hương khói cho ông ấy được vài lần, dịch bệnh ập đến lại càng túng quẫn. Chỉ mong chợ sớm cho mở cửa hoàn toàn để bà con có công ăn việc làm, chứ cứ sống cảnh cầm cự từng bữa này vất vả quá”, bà Thìn bộc bạch.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Văn Loan – Phó trưởng Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, từ khi được hoạt động trở lại (0h ngày 21/10) đến nay có gần 500 gian hàng trên tổng số hơn 1.000 gian được mở bán, gồm khu rau củ quả và thuỷ hải sản.
Chợ Long Biên được hoạt động trở lại từ 0h ngày 21/10, tuy nhiên tình hình kinh doanh khá ảm đạm
“Việc kinh doanh hiện nay khá ảm đạm, nhỏ lẻ bởi đa phần các tiểu thương đã tìm địa điểm bán mới từ 3 tháng trước khi chợ Long Biên phong toả. Theo thông tin tôi được biết thì họ chủ yếu chuyển đến chợ Đền Lừ và chợ Đông Trù. Bắt đầu từ ngày 26/10 sẽ cho mặt hàng hoa quả bán trở lại, còn các mặt hàng không thiết yếu như mũ nón, vàng mã… phải chờ tình hình dịch bệnh, chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể”, ông Loan chia sẻ.