Sáng 10/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Góp ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách đất đai đối với phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác.
Đại biểu Quân đề nghị: "Cần tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn; bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả…".
Đại biểu Dương Tấn Quân cho biết Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã.
Ngoài ra, đại biểu Quân cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững.
Mục 3 Chương II dự thảo Luật quy định các nội dung liên quan đến thành lập Liên đoàn hợp tác xã, gồm: Thành viên Liên đoàn hợp tác xã; Quyền và nghĩa vụ của Liên đoàn hợp tác xã.
Góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) nhấn mạnh sự cần thiết phải có một điều luật cơ bản trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này để thể chế hóa, làm căn cứ pháp lý cho việc thành lập và phát triển các Liên đoàn hợp tác xã, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
"Liên đoàn hợp tác xã là mô hình phổ biến, phát triển mạnh tại nhiều nước trên thế giới, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ hỗ trợ thành viên, vừa hoạt động như một tổ chức đại diện của một ngành, lĩnh vực trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng", đại biểu Tráng A Dương nêu.
Đại biểu cho rằng, việc tổ chức mô hình Liên đoàn ở các vùng, các cấp thể hiện sự tham gia liên kết giữa các thành viên của mỗi Liên đoàn đến nhiều địa phương trong vùng cũng như nhiều vùng trong cả nước. Hoạt động của các Liên đoàn này cũng như các hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác không giới hạn về không gian và địa lý. Các tổ chức kinh tế hợp tác có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tùy theo nhu cầu và năng lực của mình.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều các tổ chức hợp tác có quy mô lớn, tuy nhiên các tổ chức này hoạt động trên phạm vi cả nước và đang gặp rất nhiều hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành như về biểu quyết, tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên, quỹ sử dụng không không chia và tài sản không chia…
Cũng theo đại biểu Tráng A Dương, việc thành lập mô hình Liên đoàn hợp tác xã trên cơ sở các hợp tác, liên hiệp hợp tác xã tự nguyện thành lập, Nhà nước không mất kinh phí trong việc thành lập, tạo hành lang pháp lý rõ ràng định hướng cho các tổ chức kinh tế hợp tác xã phát triển, quy định mô hình mới để bảo đảm chính sách Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) và đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng chưa nên đưa vào luật quy định về Liên đoàn hợp tác xã, vì đây là nội dung mới, cần tổ chức thí điểm trên thực tiễn để tiến hành đánh giá, tổng kết.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào nhiều điều khoản cụ thể khác trong dự thảo Luật như về phạm vi, đối tượng áp dụng; tên gọi của dự án Luật; quy định về tổ hợp tác; trích lập các quỹ; chế độ kế toán và kiểm toán; quy định về quản lý Nhà nước…
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình tạo phiên họp.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trên thực tiễn mô hình liên đoàn hợp tác xã đã có; đồng thời đây cũng là là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, phát triển rất mạnh. Quy định mô hình mới sẽ bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác; tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển, hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Về các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, Bộ trưởng đồng ý cần thiết kế chính sách mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn, cụ thể, rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần tập trung làm rõ tính đặc thù, chú trọng chính sách chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Về tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã, Bộ trưởng chỉ ra rằng, có nhiều ý kiến đại biểu quan tâm cho ý kiến. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ, tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định về tổ chức đại diện và hệ thống liên minh hợp tác xã tại dự thảo luật này cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các chính sách, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, thúc đẩy mô hình kinh tế này pháp triển mạnh mẽ trong thời gian tới.